Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng kết nối giao thông khu vực Nam Bộ

Gia Bảo| 12/07/2019 09:15

(HNM) - Hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ đã và đang quá tải do sự tăng dân số cơ học và xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Để nâng cao năng lực và tăng tính kết nối, nhiều ý kiến của cơ quan nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho khu vực Nam Bộ một cách đồng bộ, hiệu quả.

Hạ tầng giao thông quá tải khiến các tuyến đường cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh đi về các tỉnh, thành miền Tây thường xuyên kẹt xe.

Quá tải, thiếu đồng bộ

Là doanh nghiệp vận tải thường xuyên chở hàng hóa từ các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ về các cảng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) cho hay, hằng ngày doanh nghiệp chở hàng chục chuyến hàng bằng đường bộ nhưng gặp không ít khó khăn do tình trạng quá tải cầu đường.

Hiện khu vực Đông Nam Bộ chỉ có cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, còn Tây Nam Bộ là cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tuy nhiên, hai tuyến cao tốc này thường xuyên rơi vào tình cảnh kẹt xe. Trong khi đó, giao thông đường thủy, đường biển, đường sắt, hay đường hàng không lại chưa phát triển nên việc kết nối hạ tầng giao thông ở các tỉnh, thành trong khu vực chưa đáp ứng kỳ vọng.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), hiện kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đã được quy hoạch tương đối đầy đủ về các loại hình giao thông gồm: Đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Thế nhưng, việc triển khai đầu tư còn hạn chế và chưa đồng bộ, gây ra tình trạng quá tải, thiếu tính liên kết hạ tầng giao thông khu vực này. Đơn cử, theo tính toán, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy sẽ gấp đôi đường bộ. Chưa hết, việc vận chuyển đường thủy về các cảng thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu có chi phí rẻ hơn khoảng 10% đến 60% so với đường bộ. Trong khi đó, tổng kinh phí đầu tư đường thủy và đường biển chỉ chiếm 14%, chưa tới 1/5 so với đầu tư cho đường bộ.

Theo Thạc sĩ Phan Minh Tân, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), về kết nối đường hàng không giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam Bộ cũng không đồng đều. Cụ thể, kết nối chủ yếu thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với tần suất 16-17 chuyến bay/ngày. Trong khi đó, hoạt động của 2 cảng hàng không Cà Mau và Rạch Giá rất hạn chế với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/ngày. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ vẫn chưa khai thác hết công suất (năm 2018 chỉ đạt hơn 835.000 lượt hành khách, tương ứng gần 28% công suất thiết kế) và chưa đáp ứng vai trò hỗ trợ một phần cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải. Trong khi các tuyến đường sắt kết nối khu vực Nam Bộ vẫn chỉ dừng lại ở chủ trương và quy hoạch trên giấy.

Giải bài toán hạ tầng

Để nâng cao năng lực và tăng tính kết nối hạ tầng giao thông, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Bộ, Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch hệ thống giao thông vùng cần có một nhạc trưởng điều phối quản lý cấp vùng là thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, nguồn vốn đầu tư đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, thành phố cần thí điểm thu thuế bất động sản để tạo ra nguồn lực phục vụ phát triển hạ tầng giao thông.

Đánh giá vai trò quan trọng của nguồn vốn, ông Lê Đỗ Mười cho hay, để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ, Nhà nước cần bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cùng với đó, xây dựng quy chế phối hợp liên vùng, duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng để bảo đảm hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các dự án đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 để sớm đưa vào khai thác, làm cơ sở triển khai các dự án giai đoạn năm 2021-2025.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ gồm các tuyến trục dọc, trục ngang kết nối vào hệ thống các đường vành đai và trục xuyên tâm tạo thành mạng trục liên kết liên hoàn với nhau một cách hợp lý. Do đó, ngoài việc tập trung nguồn lực triển khai, hoàn thành các dự án đường cao tốc, hệ thống đường quốc lộ, đường thủy, hàng không kết nối liên vùng, tất yếu phải phát triển giao thông đường sắt. Do vậy cần ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỷ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch, tạo đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực...

Về phía thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, ngoài việc khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có, tập trung đầu tư đồng bộ các công trình quan trọng…, thành phố sẽ tăng cường phối hợp giữa các địa phương và đề xuất chính sách phù hợp với đặc thù của vùng trong việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Mặt khác, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối các đô thị vệ tinh liên vùng; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy huyết mạch, phát huy lợi thế sông nước của khu vực Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng kết nối giao thông khu vực Nam Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.