Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình phạt thích đáng với kẻ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền

Theo Nguyễn Công Hải (TTXVN/VIETNAM+)| 14/09/2018 16:39

Ngày 14-9, tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với bị cáo Nguyễn Văn Túc.

Bị cáo Nguyễn Văn Túc tại tòa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)


Phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, an ninh trật tự được đảm bảo.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Túc 13 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999, thời hạn tính từ ngày 1-9-2017, đồng thời phạt quản chế 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Nguyễn Văn Túc, sinh ngày 28-5-1964, thường trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ năm 1982 đến năm 1985, Nguyễn Văn Túc tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó về lao động tự do tại địa phương.

Từ năm 1997, Nguyễn Văn Túc bắt đầu tham gia khiếu kiện tại địa phương. Hoạt động khiếu kiện của Túc mang tính cố chấp, kéo dài nên đã bị các đối tượng phản động trong, ngoài nước lôi kéo, kích động, mua chuộc. Túc chuyển sang bất mãn chế độ.

Từ năm 2006, Nguyễn Văn Túc bị các đối tượng phản động vận động tham gia "Đảng Dân chủ 21", "Hội dân oan", "Nhóm dân chủ", "Khối 8406"... và được hỗ trợ vật chất, khích lệ tinh thần, nhằm tạo dựng Nguyễn Văn Túc thành “ngọn cờ” để tập hợp, phát triển lực lượng từ những đối tượng khiếu kiện cố chấp, có tư tưởng bất mãn, chán ghét chế độ, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Tháng 12-2007, Nguyễn Văn Túc tham gia tuần hành, biểu tình tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, viết và tán phát bài viết có nội dung xấu lên mạng internet. Ngày 16-8 và 7-9-2008, Nguyễn Văn Túc cùng 5 đối tượng treo khẩu hiệu và rải truyền đơn phản động ở Hải Phòng và Hải Dương.

Ngày 10-9-2008, Nguyễn Văn Túc bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, sau đó đã bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xử phạt 4 năm tù giam và phạt quản chế 3 năm tại địa phương.

Ngày 10-9-2012, Nguyễn Văn Túc hết hạn án phạt tù giam.

Trở về địa phương, Nguyễn Văn Túc tiếp tục hoạt động chống đối, liên tục vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế, công khai thái độ chống đối, coi thường pháp luật, núp danh nghĩa tuyên bố sẽ đấu tranh vì "dân chủ, nhân quyền" để chống Đảng, chế độ; thường xuyên sử dụng mạng internet, liên lạc, hội luận, đăng tải các tài liệu có nội dung xấu, nhiều lần vi phạm án phạt quản chế tự đi khỏi địa phương, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội.

Từ tháng 2-2014, Nguyễn Văn Túc tham gia “Hội anh em dân chủ". Đây là hội trái pháp luật. Thời gian đầu, Nguyễn Văn Túc được phân công làm trưởng nhóm ở tỉnh Thái Bình, sau đó được đề cử bầu làm Phó Ban đại diện "Hội anh em dân chủ" miền Bắc, nhiệm kỳ 2017-2019, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất của "Hội anh em dân chủ"...

Trước các hoạt động chống đối của Nguyễn Văn Túc, ngày 17-8-2017, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Ngày 1-9-2017, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Túc.

Ngày 10-4-2018, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt Nguyễn Văn Túc 13 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999 và phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Nhưng ngay sau phiên tòa xét xử sơ thẩm này, Túc vẫn tỏ thái độ chống đối và kháng cáo toàn bộ bản án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình phạt thích đáng với kẻ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.