Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện mạo mới cho tác phẩm Chu Lai

Vân Lam| 18/10/2019 17:08

(HNMCT) - Là nhà văn thủy chung với đề tài chiến tranh và người lính, nhưng dù viết về thời chiến hay thời bình, trong các tác phẩm của Chu Lai luôn ẩn hiện hai “bóng hình”. Một là Hà Nội mà nhà văn đã sống suốt một chặng dài tuổi thơ và còn tiếp tục gắn bó cho đến bây giờ. Bóng hình thứ hai là những nhân vật nữ mà với ông đó là phái đẹp, phái yếu luôn cần được trân trọng, nâng niu. Hình bóng những cô gái trong trận mạc luôn làm giàu thêm cuộc sống thời chiến. Mới đây, 4 tiểu thuyết nổi bật nhất trong cuộc đời sáng tác của Chu Lai cho đến nay, Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Mưa đỏ đã được Đinh Tị Books tái bản.

4 cuốn tiểu thuyết phản ánh các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nếu Nắng đồng bằng phản ánh cuộc chiến đấu khốc liệt chống Mỹ cứu nước quân dân ta với nhiều mất mát hy sinh, mà ở đó có mối tình vừa mới chớm nở của người chiến sĩ đặc công đã mãi mãi không thể thành khi cô du kích địa phương đã hy sinh trong vòng tay của anh, thì Phố là cuộc sống của những người Hà Nội ở giai đoạn đầu đổi mới, trong đó có những anh bộ đội thời hậu chiến phải đối mặt với một cuộc sống đầy những biến chuyển, đổi thay trong cơ chế mới mà không phải ai cũng dễ thích nghi và vượt qua.

Nếu Ăn mày dĩ vãng là cuộc kiếm tìm đầy ám ảnh khi lần ngược về quá khứ của một người lính không chấp nhận được những giá trị bị đảo lộn của cơ chế thị trường, bởi đồng tiền quyền lực và bởi sự xuất hiện của người con gái mà năm xưa chính tay anh đã chôn sâu xuống ba tấc đất, thì Mưa đỏ mang đến bản hùng ca về 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị, đau thương và khốc liệt đến khôn cùng.

Dù 4 cuốn tiểu thuyết mang 4 sắc thái khác nhau thì độc giả vẫn bị nhà văn Chu Lai dẫn dụ bằng những câu chuyện ám ảnh, những chi tiết đắt giá, những số phận được đẩy đến tận cùng và văn phong khiến nhiều người đọc phải bật khóc.

Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, “Chu Lai là một đầu bếp khéo tay, vẫn nguyên liệu thịt thôi nhưng nhà văn có thể chế biến ra nhiều món ngon. Mỗi tác phẩm một bút pháp, rất uyển chuyển và linh hoạt, cuốn hút người đọc”. Với hai tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Phố, nhà văn Chu Lai đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Đây cũng là hai cuốn tiểu thuyết được chính nhà văn chuyển thể sang kịch bản phim, kịch bản sân khấu rất thu hút người xem và đem lại những khoản nhuận bút “khủng” để nhà văn Chu Lai thực sự sống được bằng nghề viết một cách đúng nghĩa.

Mưa đỏ, Gió xanh là hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Chu Lai. Song nhà văn “bật mí”, trong năm nay sẽ có thêm tác phẩm “made in Chu Lai”, tất nhiên vẫn được viết theo điểm nhìn quen thuộc của ông: “Chiến tranh là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới cho tác phẩm Chu Lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.