Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuốc nhỏ mũi : Dùng như thế nào cho đúng ?

THANHNGA| 01/07/2003 16:17

Chỉ là lọ thuốc nhỏ mũi, dùng thế nào chẳng được !” Chính vì những suy nghĩ đơn giản và thiếu hiểu biết như vậy của nhiều người mà các phòng khám Tai-Mũi-Họng hiện nay đã và đang phải khám chữa cho rất nhiều bệnh nhân bởi một căn bệnh do chính họ gây nên : bệnh Viêm mũi do thuốc (Rhinite médicamenteuse). Thực vậy, thuốc nhỏ mũi, xịt mũi là tên chung của nhiều loại thuốc khác nhau được dùng tại chỗ để điều trị các chứng bệnh của mũi. Các thuốc này không những chỉ khác nhau về cách xử dụng, hiệu quả, mà đặc biệt còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, gây hại cho niêm mạc mũi, nhất là ở trẻ em. Ai trong chúng ta lại chẳng có đôi ba lần phải dùng thuốc nhỏ mũi cho chính mình hoặc cho các cháu nhỏ ? Vì vậy, kiến thức cơ bản về các loại thuốc nhỏ mũi và cách sử dụng là điều nên biết đối với tất cả mọi người.

“Chỉ là lọ thuốc nhỏ mũi, dùng thế nào chẳng được !” Chính vì những suy nghĩ đơn giản và thiếu hiểu biết như vậy của nhiều người mà các phòng khám Tai-Mũi-Họng hiện nay đã và đang phải khám chữa cho rất nhiều bệnh nhân bởi một căn bệnh do chính họ gây nên : bệnh Viêm mũi do thuốc (Rhinite médicamenteuse). Thực vậy, thuốc nhỏ mũi, xịt mũi là tên chung của nhiều loại thuốc khác nhau được dùng tại chỗ để điều trị các chứng bệnh của mũi. Các thuốc này không những chỉ khác nhau về cách xử dụng, hiệu quả, mà đặc biệt còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, gây hại cho niêm mạc mũi, nhất là ở trẻ em. Ai trong chúng ta lại chẳng có đôi ba lần phải dùng thuốc nhỏ mũi cho chính mình hoặc cho các cháu nhỏ ? Vì vậy, kiến thức cơ bản về các loại thuốc nhỏ mũi và cách sử dụng là điều nên biết đối với tất cả mọi người.

1. Các loại thuốc nhỏ mũi :
Là các thuốc tác dụng tại chỗ (niêm mạc mũi), được bào chế dưới 2 hình thức là thuốc nhỏ mũi và thuốc xịt dạng phun mù hoặc khí dung. Trong bài viết này chúng tôi gọi chung là các thuốc nhỏ mũi.
Có rất nhiều biệt dược khác nhau, tuy nhiên, tựu trung lại có thể chia các thuốc nhỏ mũi thành 5 nhóm sau đây:
Các thuốc kháng sinh : Neomyxin, polyomyxin, Cloramphenicol...
Các thuốc co mạch (chống ngạt tắc mũi) : với các biệt dược như Otrivin, Rhinex, Nasoline-P, Coldi-B, Naphtazoline, Nasal Relief, Nasivion... mà thành phần chính là một trong các hoạt chất Naphazolin, Xylomethazolin, Oxymethazolin, Sunfarin...
Các thuốc Corticosteroit (là các thuốc chống viêm, chống dị ứng dùng xịt tại chỗ, có tác dụng giảm ngạt mũi, giảm chảy nước mũi, giảm hắt hơi) : Flixonase, Rhinocort, Nasonex, Nasacort, Beconase...
Các thuốc có tác dụng sát khuẩn, chống viêm : Locabiotal, Humoxal...
Các thuốc khác : Argyrol 1% (làm săn niêm mạc mũi), Natri Clorid 9 ‰, Physiomer, SinuClean (dung dịch rửa mũi)...
Trong thực tế, một số loại thuốc thường được pha chế phối hợp để tăng hiệu quả và thuận tiện cho sử dụng, các thuốc được phối hợp thường thuộc nhóm kháng sinh, chống viêm , co mạch. Ví dụ : Phối hợp giữa Kháng sinh và chống viêm : Pivalone Neomycin, Polydexa, Nemydexa, Neodex, Neodexa, Beclo-Rhinol ... Một số ít thuốc phối hợp giữa kháng sinh, chống viêm và co mạch : Nedelin...

2. Sử dụng thuốc nhỏ mũi :
Việc sử dụng thuốc nhỏ mũi tuy đơn giản nhưng cũng cần theo sự chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa tai-mũi-họng và nắm vững một số nguyên tắc chung :
- Các thuốc nhỏ mũi đều là thuốc tác dụng tại chỗ bằng cách thấm qua niêm mạc mũi, vì thế trước khi xịt hoặc nhỏ mũi, cần dùng các thuốc co mạch, xì mũi hoặc rửa sạch mũi để làm thông thoáng, tạo điều kiện cho thuốc vào sâu trong mũi.
- Niêm mạc mũi có nhiều chức năng quan trọng trong quá trình hô hấp, miễn dịch của cơ thể và rất nhạy cảm, có thể bị tác động xấu bởi các thuốc nhỏ mũi, nhất là ở trẻ em. Hơn nữa, một số loại thuốc có thể qua niêm mạc mũi, vào máu và tích luỹ trong cơ thể, vì thế việc sử dụng kéo dài các thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sỹ chuyên khoa.
Đối với các nhóm thuốc nhỏ mũi khác nhau cần lưu ý những điểm sau :
- Thuốc kháng sinh chỉ dùng cho những trường hợp viêm mũi, viêm xoang nhiễm trùng, thường biểu hiện bằng chảy mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, có mùi hôi... Các thuốc kháng sinh phối hợp với kháng viêm như Polydexa, Pyvalone Neomyxin, Neodex, Nemydexan... có thể dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi. Thời gian sử dụng không nên quá 10 ngày.
- Thuốc corticosteroid dùng để điều trị viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm mũi quá phát gây ngạt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi thành tràng dài liên tục, ngửi kém, polyp mũi... Đặc biệt, corticosteroid được sử dụng sau phẫu thuật nội soi chức năng mũi-xoang nhằm chống polyp mũi mọc lại và tạo điều kiện cho sự phục hồi niêm mạc xoang. Trường hợp này có thể dùng kéo dài nhưng phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sỹ chuyên khoa. Nhìn chung các loại thuốc thuộc nhóm này đều phải thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Một số biệt dược có thể dùng cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên (Flixonase). Các thuốc corticosteroid đều được bào chế và trình bày dưới dạng ống xịt định liều, mỗi nhát xịt sẽ có một lượng thuốc nhất định đã tính toán trước được đưa vào mũi, vì thế cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sỹ.
- Thuốc co mạch là loại được dùng phổ biến nhất nhưng cũng tuỳ tiện nhất hiện nay. Đặc trưng của loại thuốc này là gây co mạch máu niêm mạc mũi, giảm xung huyết do đó làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Tuy nhiên, ở người lớn, việc sử dụng thường xuyên, kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, “chai lỳ” niêm mạc, đòi hỏi phải tăng liều sử dụng, từ đó gây nên căn bệnh viêm mũi do thuốc : niêm mạc mũi bị xơ hoá, mất tính mềm mại, mất khả năng tự co hồi, giãn nở và mất khả năng đề kháng chống lại các vi trùng gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi. ở trẻ em dưới 7 tuổi, việc sử dụng thuốc co mạch cần hết sức thận trọng vì có thể gây nên choáng và các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các thuốc co mạch đều không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, thậm chí một số thuốc còn chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi ( Rhinex 0,05% ). Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, sơ sinh và nhũ nhi, nếu bị ngạt tắc mũi thì không được tự ý dùng thuốc co mạch, ngay cả các thuốc có đề “dùng cho trẻ em”, mà phải đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Tai-Mũi-Họng và bác sỹ sẽ pha một loại thuốc đặc biệt để dùng cho trẻ. Người cao huyết áp cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc co mạch vì có thể gây nên một cơn cao huyết áp do thuốc ngấm qua niêm mạc, vào mạch máu và gây tác dụng co mạch không chỉ ở mũi. Nói chung, các thuốc co mạch đều có thể dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Các loại thuốc sát khuẩn, chống viêm như Locabiotal, Humoxal tương đối an toàn, có thể dùng cho người lớn và trẻ em trên 30 tháng tuổi. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài trên 10 ngày thì cũng cần có ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.
- Nhóm các thuốc rửa mũi, sát trùng, làm khô săn niêm mạc rất an toàn và hiệu quả, đặc biệt là khi dùng cho trẻ nhỏ. Đối với các trường hợp viêm mũi xuất tiết, sổ mũi, chảy nước mũi trong, nhầy loãng ở trẻ em thì tốt nhất là dùng dung dịch Natri clorid 9‰ vừa rửa và nhỏ mũi cho trẻ, sau đó dùng Argyrol 1-3% nhỏ mũi để làm săn niêm mạc. Dung dịch nước muối sinh lý ( Natri clorid 9‰) và nước biển tinh khiết ( Physiomer, SinuClean... ) dùng để rửa mũi sau phẫu thuật nội soi chức năng mũi-xoang có tác dụng rất tốt đối với việc phục hồi hoạt động bình thường của niêm mạc mũi-xoang.

Tóm lại, việc sử dụng thuốc nhỏ mũi tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không được hướng dẫn để dùng một cách đúng đắn thì không những bệnh không khỏi mà còn có thể dẫn đến tình trạng “cái sảy nảy cái ung”. Mong rằng qua bài viết nhỏ này, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn được một số thông tin hữu ích.

Thạc sỹ Võ thanh Quang
(Viện Tai-Mũi-Họng TƯ)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuốc nhỏ mũi : Dùng như thế nào cho đúng ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.