Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện những cô gái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Bài, ảnh: Hoàng Lân| 16/05/2019 15:03

(HNMO) - Hơn 300 cựu thanh niên xung phong của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn đã có mặt tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời. Có người rơm rớm nước mắt khi thấy lại hình ảnh tuổi trẻ trong những bức ảnh tư liệu...

Triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn".


Những “bông hồng thép”

Hơn 300 cựu thanh niên xung phong của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn đã có mặt tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời. Có người rơm rớm nước mắt khi tìm thấy hình ảnh tuổi trẻ trong những bức ảnh tư liệu. Có người nghẹn ngào ôm đồng đội để cùng nhớ về những năm tháng gian khổ nhưng rất tự hào...

Nhớ lại thời tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn”, phá núi mở đường, bà Đoàn Thị Chiến, Trưởng ban Liên lạc của Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm xúc động kể lại: “Chúng tôi thường xuyên phải dùng nước suối đục để nấu cơm ăn, rụng hết tóc vì sốt rét, quần áo luôn ẩm ướt vì mưa rừng kéo dài cả tuần, ghẻ lở, hắc lào là chuyện bình thường…”.

Bà Đoàn Thị Chiến.


Ngập ngừng một lúc để kìm giọt nước mắt chực rơi, bà Chiến trầm giọng kể tiếp: “Tôi vẫn nhớ buổi chiều năm 1973, sáu đồng đội hy sinh khi bị đá đè trong lúc phá núi để làm đường. Những tảng đá to, nặng bất ngờ đổ ụp lên các chị... Phải mất nhiều giờ, chúng tôi mới đưa được đồng đội ra. Khi bới được hết đất đá, các chị còn đang nắm tay nhau...”.

Với cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoa, quãng thời gian tham gia nhiệm vụ mở đường ở khu vực Đường 9 - Khe Sanh là những ký ức không bao giờ quên.

“Chúng tôi đa phần là những thiếu nữ mười tám, đôi mươi, tình nguyện ra chiến trường với một quyết tâm lớn. Ngày ấy, chúng tôi phải hành quân ban đêm để tránh bom đạn. Trên đường hành quân, rất nhiều người đã ngã xuống khi còn chưa kịp làm nhiệm vụ”, bà Hoa nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Hoa (trái) và bà Đặng Thị Xuân (Phó Chủ tịch Hội Chất độc da cam TP Hạ Long)


Rồi bà kể câu chuyện đáng nhớ nhất của mình: “Hôm đó, chúng tôi đang đào đường thì máy bay địch thả bom. Đồng đội của tôi - chị Nguyễn Thị Lê - đã nhanh chóng đẩy tôi xuống hầm và nằm đè lên, che chắn cho tôi. Bom dứt, tôi gọi chị, nhưng chị đã hy sinh... Cả mảng lưng của chị bị bom bi găm. Đến giờ, bất cứ khi nào có điều kiện, tôi lại về nhà chị ở Nam Định để thắp hương, tưởng nhớ chị”.

Trong câu chuyện của bà Nguyễn Thị Oanh (Bộ đội Công binh Đoàn 559), cuộc sống của những nữ thanh niên xung phong ngày đó đơn giản nhưng khắc nghiệt.

“Theo quy định, chị em làm nhiệm vụ là phải búi tóc để bảo đảm an toàn. Ở chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hằng ngày. Nhiều chị em còn không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rơi ra. Chúng tôi không sợ chết, nhưng lại có thể phát khóc vì những vụn vặt như vậy trong cuộc sống”.

Các cựu thanh niên xung phong xúc động ôn lại kỷ niệm và vui mừng khi tìm thấy hình ảnh thời trẻ của mình trong ảnh tư liệu tại triển lãm.


Những nữ thanh niên xung phong ngày đó thường xuyên đối diện với gian nguy, vất vả, mất mát. Họ coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, nhưng vẫn có những khoảnh khắc rung động rất… con gái như: Sợ ma, sợ vắt, sợ rụng tóc… Đến giờ, nhiều câu chuyện năm xưa đã là huyền thoại, sự hy sinh của các chị đã thành bất tử, đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

"Kiêu hãnh Trường Sơn"

Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” gồm 3 chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại; Những bông hồng thép; Phía sau cuộc chiến.

Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm


Triển lãm chính là những mẩu chuyện nhỏ được các nữ cựu chiến sĩ, thanh niên xung phong chia sẻ về cuộc sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ở đó, người xem không chỉ được chứng kiến những cung đường mòn Hồ Chí Minh, những trọng điểm từng phải hứng chịu “mưa bom”…, mà còn được nghe những câu chuyện rất đời thường, những tình yêu nảy sinh từ bom đạn.

Triển lãm còn giúp người xem ôn lại truyền thống, khắc ghi những tấm gương huyền thoại như: 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây (cũ), Đội nữ chiến sĩ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh…

Những hiện vật gắn với cuộc sống của các thanh niên xung phong.

Một lá đơn tình nguyện của nữ thanh niên xung phong.


Tại đây, nhiều câu chuyện xúc động về cách những người phụ nữ bé nhỏ đã vượt qua bom đạn, vượt qua nỗi sợ hãi bản năng... có thể làm bất cứ người xem nào cũng phải thán phục. Để được tham gia lực lượng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, sẵn sàng "ra đi không hẹn ngày về", có nhiều chị đã phải khai tăng tuổi, lúc tham gia tuyển quân phải tìm mọi cách để tăng cân nặng nhằm đủ tiêu chuẩn ra chiến trường...

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 15-7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những cô gái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.