Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại cuộc đổ bộ Ngày D lớn nhất lịch sử nhân loại ở Normandy

Theo Trung Hiếu/Zing| 02/06/2019 08:10

Ngày 6-6-1944, khoảng 156.000 binh sĩ, hàng nghìn xe tăng, máy bay, tàu chiến của Phe đồng minh mở đợt tấn công vào Normandy, Pháp, trong cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại. 

75 năm trước, nhân loại chứng kiến thời khắc lịch sử quyết định cục diện của Thế chiến II, khi Phe Đồng minh đổ bộ lên Normandy, Pháp. Ngày 6-6-1944, Phe Đồng minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã tiến hành chiến dịch mang tên Sao Hải vương, thường được gọi là D-Day.

Các chiến hạm pháo kích vào bờ biển dọn đường cho lực lượng đổ bộ. Khoảng 156.000 binh sĩ, hàng nghìn xe tăng, máy bay, tàu chiến được huy động trong chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại. Mục tiêu của chiến dịch là giải phóng nước Pháp, đặt nền móng cho Mặt trận phía Tây, tiến tới giải phóng châu Âu khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã.

Phe Đồng minh chuẩn bị kế hoạch cho cuộc đổ bộ từ đầu năm 1943. Ban đầu, kế hoạch mang mật danh Bodyguard để đánh lạc hướng Đức quốc xã về thời gian và địa điểm. Bí mật và bất ngờ là những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của kế hoạch.

Tướng Dwight D. Eisenhower, tổng tư lệnh tối cao quân đội Đồng minh, dặn dò các binh sĩ nhảy dù trước giờ xuất kích. Ban đầu, phe Đồng minh dự định mở màn cuộc đổ bộ vào ngày 5-6-1944, nhưng tướng Eisenhower đã quyết định lùi giờ G thêm 24 tiếng vì thời tiết bất lợi.

Giai đoạn đầu của chiến dịch diễn ra rất khốc liệt, quân đội Đức quốc xã chống cự quyết liệt, gây thương vong rất lớn cho phe Đồng minh. Đức quốc xã đã xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố dọc bờ biển, còn gọi là Bức tường Đại Tây Dương, nhằm ngăn chặn cuộc xâm nhập của phe Đồng minh.

Bất chấp nhiều đợt ném bom và nhảy dù của quân đội Đồng minh, quân đội Đức quốc xã vẫn chống cự rất mạnh khiến việc đổ quân lên bờ biển rất khó khăn. Đặc biệt tại bãi biển Omaha, thủy triều chảy mạnh khiến các xuồng đổ bộ trôi dạt ra khỏi điểm dự kiến. Điều đó khiến việc dọn chướng ngại vật dọc bãi biển bằng không quân không thể thực hiện được.

Lực lượng phòng thủ của quân đội Đức quốc xã tại Omaha mạnh hơn rất nhiều so với dự kiến. Bờ biển với các vách đá cao, kết hợp với chướng ngại vật trên bãi biển không được dọn trước, gây thương vong nặng cho quân đội Mỹ. Khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Omaha.

Chỉ tính trong ngày đầu tiên mở màn chiến dịch D-Day, thương vong của Phe Đồng minh khoảng 10.000 người, với hơn 4.000 người tử trận. Quân đội Đức quốc xã tổn thất khoảng 1.000 người. Mục tiêu đề ra trong ngày đầu của cuộc đổ bộ không đạt được

Đến ngày 12-6, quân đội Đồng minh chiếm giữ mặt trận dài 97 km, sâu 24 km tính từ bãi biển. Tuy vậy, Caen, một trong năm mục tiêu chính vẫn nằm trong tay Đức quốc xã. Mãi đến ngày 21-7-1944, mục tiêu này mới được giải phóng.

Đến cuối tháng 7, sau khi quân đội Đồng minh làm chủ được thế trận, hơn 800.000 binh sĩ được tăng cường, kết hợp với quân kháng chiến của Pháp đẩy quân đội Đức quốc xã vào thế bất lợi.

Binh sĩ Đức quốc xã đầu hàng Phe Đồng minh sau thất bại ở Normandy. Thành công của cuộc đổ bộ Ngày D là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc giữ bí mật kế hoạch, lựa chọn thời điểm tấn công và sự chỉ huy tài tình của hội đồng tướng lĩnh.

Cuộc đổ bộ Ngày D chính thức thiết lập Mặt trận phía Tây, kết hợp với Mặt trận phía Đông do Liên Xô dẫn đầu tạo nên gọng kìm cô lập quân đội Đức quốc xã. Thất bại ở trận Normandy báo hiệu ngày tàn của Đức quốc xã. Chưa đầy một năm sau cuộc đổ bộ lịch sử lên Normandy, Đức quốc xã bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại cuộc đổ bộ Ngày D lớn nhất lịch sử nhân loại ở Normandy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.