Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 điều có thể bạn chưa biết về cao tốc "không giới hạn" Autobahn

Theo Zing| 20/07/2019 15:50

Đây là đường cao tốc duy nhất trên thế giới không giới hạn tốc độ. Autobahn từng cho phép xe đạp lưu thông cũng như từng được sử dụng như một đường băng trong quá khứ.

1. Autobahn cũng bị giới hạn tốc độ: Một quan niệm sai lầm phổ biến là cao tốc Autobahn không giới hạn tốc độ. Có những đoạn đường trên Autobahn có giới hạn tốc độ, trong khi những đoạn đường khác cho phép lái xe điều khiển xe mà không cần quan tâm đến tốc độ tối đa. Mặc dù vậy, Autobahn cũng đưa ra tốc độ đề nghị là 128 km/h, nhưng lái xe có thể tự do di chuyển ở bất kỳ tốc độ nào họ cảm thấy phù hợp.

2. Luôn được bảo trì thường xuyên: Những con đường trên cao tốc Autobahn luôn được bảo trì liên tục nhằm đảm bảo các phương tiện an toàn khi lưu thông ở tốc độ cao. Nếu bề mặt đường của Autobahn không hoàn hảo, nó có thể dẫn đến những vụ tai nạn nguy hiểm vì những chiếc xe luôn di chuyển với tốc độ cao trên Autobahn. Các công nhân sửa đường liên tục đổ thêm các lớp nhựa mới nhằm giúp cho Autobahn luôn trong tình trạng hoàn hảo và nó liên tục được kiểm tra xem có dấu hiệu hư hỏng nào không. Autobahn thậm chí còn có một đội công nhân hoạt động suốt ngày đêm để đảm bảo mọi hư hỏng trên đường được khắc phục ngay lập tức.

3. Làn bên trái dùng để vượt: Nghe qua có vẻ như không có gì đặc biệt, vì ngay cả Việt Nam cũng có quy định như thế. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng một số phương tiện đi chậm nhưng vẫn chạy ở làn bên trái. Autobahn không cho phép điều này xảy ra, bất kỳ phương tiện nào di chuyển chậm đều được yêu cầu đi qua làn đường bên phải. Quy định này được đưa ra nhằm ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trên Autobahn.

4. Từng xảy ra vụ tai nạn liên hoàn gần 260 xe: Vào năm 2009, cao tốc Autobahn được nhiều người biết đến hơn nhờ vụ tai nạn liên hoàn. Tổng cộng 259 chiếc xe đâm vào nhau trong vụ tai nạn liên hoàn này cùng với nhiều thương tích được báo cáo. Nguyên nhân của vụ va chạm này là do mưa lớn đã làm cho con đường trở nên trơn trượt. Quản lý cao tốc Autobahn đã tuyển dụng 340 nhân viên cứu hộ để dọn dẹp vụ tai nạn, chi phí ước tính cho những nhân viên này khoảng 1,5 triệu euro.

5. Autobahn từng được sử dụng như một đường băng: Chuyện này từng xảy ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Autobahn từng có biệt danh là quốc lộ 84. Người Đức sử dụng Autobahn như một đường băng thay thế trong trường hợp sân bay chính bị Liên Xô ném bom. Họ đã chuẩn bị sẵn toàn bộ hệ thống phục vụ đường băng như đường ray bảo vệ hay tháp kiểm soát không lưu, những thứ này có thể di chuyển nếu có nhu cầu.

6. Ý tưởng về Autobahn không xuất phát từ Hitler: Đây lại là một quan niệm sai lầm phổ biến khác. Thực sự Hitler đã đánh cắp ý tưởng này từ một người tiền nhiệm, thị trưởng Konrad Adenauer. Konrad Adenauer đã bắt đầu dự án xây dựng con đường này trước khi Hitler lên nắm quyền, Hitler đã quyết định nói ý tưởng đó là của mình nhằm phô trương thêm tên tuổi.

7. Kỷ lục tốc độ trên Autobahn được lập ra vào năm 1938: Tay đua Rudolf Caracciola đã lái chiếc Mercedes-Benz W125 với tốc độ 384 km/h. Chiếc xe này được trang bị động cơ V12 5.577 cc kết hợp cùng 2 bộ siêu nạp. Rudolf Caracciola cũng là người đã thiết kế ra mẫu xe này. Cho đến ngày nay vẫn chưa có bất kỳ ai phá vỡ được kỷ lục này.

8. Xe đạp từng được cho phép lưu thông trên Autobahn: Nguyên nhân dẫn đến việc này là do sự thiếu hụt nhiên liệu ở Đức trong Thế chiến II. Chỉ có một số người dân nhất định được phép sử dụng xe đạp trên cao tốc, việc này chỉ chấm dứt khi cuộc khủng hoảng nhiên liệu kết thúc. Xe đạp không còn được sử dụng trên Autobahn, tuy nhiên người Đức cũng đã mở một “Autobahn” dành riêng cho xe đạp.

9. Không có trạm thu phí: Nhiều người nghĩ rằng Autobahn có rất nhiều trạm thu phí để có kinh phí duy trì các hoạt động bảo trì con đường, tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược. Chi phí bảo trì đường cao tốc có được bằng cách đánh thuế xăng dầu cũng như các loại thuế khác mà phương tiện đã đóng. Nhiều người đã tranh luận liệu có nên thêm phí cầu đường hay không, nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa được thông qua thành luật.

10. Mặt đường Autobahn sử dụng bê tông không đông đặc: Đây là lý do giúp cho Autobahn tồn tại qua nhiều năm mà không xảy ra bất kỳ hư hỏng nghiêm trọng nào, hỗn hợp bê tông không đông đặc giúp ngăn ngừa bề mặt đường Autobahn bị nứt. Hỗn hợp này cho phép bề mặt đường Autobahn trở nên dẻo hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Loại bê tông này có chi phí khá đắt, bù lại chi phí bảo trì đường cao tốc sẽ thấp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 điều có thể bạn chưa biết về cao tốc "không giới hạn" Autobahn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.