Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Cổ Loa

LANHUONG| 20/01/2005 11:23

(HNMĐT) - Làng Cổ Loa từng nổi danh trong sử sách bởi từng hai lần là Kinh đô của đất nước. Lần đầu là Kinh đô của nước Âu Lạc dưới thời Thục An Dương Vương (năm 257 Trước Công nguyên), với Loa thành sừng sững, có nỏ thần đầy hiệu nghiệm. Lần thứ hai dưới thời Ngô (Ngô Quyền và các vua con kế vị, từ năm 939 - 965). Cổ Loa cũng được cả nước biết đến với những phát hiện khảo cổ học trong suốt mấy chục năm qua...

(HNMĐT) - Làng Cổ Loa từng nổi danh trong sử sách bởi từng hai lần là Kinh đô của đất nước. Lần đầu là Kinh đô của nước Âu Lạc dưới thời Thục An Dương Vương (năm 257 Trước Công nguyên), với Loa thành sừng sững, có nỏ thần đầy hiệu nghiệm. Lần thứ hai dưới thời Ngô (Ngô Quyền và các vua con kế vị, từ năm 939 - 965). Cổ Loa cũng được cả nước biết đến với những phát hiện khảo cổ học trong suốt mấy chục năm qua, tìm thấy những kho mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, trống đồng cùng nhiều hiện vật khác, chứng minh làng được hình thành từ thuở dựng nước của các Vua Hùng.

Đầu thế kỷ thứ XIX, Cổ Loa là một làng, cũng là một xã lớn thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh).

Năm Tự Đức thứ 29 (1876), cả tổng Cổ Loa được tách khỏi huyện Đông Ngàn, để lệ thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập. Từ tháng 10 - 1901, huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phù Lỗ (tháng 2 - 1904, đổi tên thành tỉnh Phúc Yên).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Cổ Loa hợp nhất với các làng bên thành một xã mang tên Thục Vương thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Năm 1949, hợp nhất xã Thục Vương với xã Đạt Tam, thành xã Hồng Lạc, sau đó lại đổi thành xã Độc Lập. Từ năm 1950, xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau Cải cách ruộng đất, xã Độc Lập được chia thành hai xã, trong đó có xã Quyết Tâm gồm các thôn : Cổ Loa, Cầu Cả, Mạch Tràng, Thư Cưu, Sàn Giã và Đài Bi (thôn này từ năm 1970 cắt sang xã Uy Nỗ).

Từ tháng 6 - 1961, xã Quyết Tâm cùng 22 xã khác của huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc được chuyển về Hà Nội. Năm 1965, xã Quyết Tâm được đổi tên thành Cổ Loa.

Cổ Loa có sông Hoàng Giang (còn gọi là sông Thiếp), vốn là một nhánh của sông Ngũ Huyện Khê chảy qua; có Quốc lộ số 3 Hà Nội - Thái Nguyên, nên rất thuận tiện về giao lưu thủy bộ.

Cổ Loa xưa có nông nghiệp trồng lúa trong những cánh đồng thấp trũng kết hợp trồng các loại hoa màu trên các dải đất cao. Nghề thủ công có làm bún, rèn. Làng có chợ Sa, nổi tiếng là chợ lớn ở Kinh Bắc, có đến 130 gian hàng, bán nhiều loại lợn giống tốt.

Cổ Loa xưa là một làng lớn, năm 1926, làng có 2698 nhân khẩu, sinh sống tại 12 xóm trong ba vòng thành cổ, trên một địa dư rất rộng. Dân đinh trong làng xưa được chia làm 24 giáp.

Cổ Loa có đền thờ An Dương Vương, có ngôi đình lớn, vốn là “Ngự triều di quy” của Vua Thục, được bao bọc bởi ba vòng thành rộng lớn. Ngoài ra còn có Am Mỵ Châu (hay Am Bà Chúa). Hội làng Cổ Loa (ngày mồng sáu tháng Giêng) là một hội lớn, có 8 xã trong vùng tham gia, gọi là “Bát xã hộ nhi” là : Cổ Loa, Mạch Tràng, Sàn Giã, Thư Cưu, Cầu Cả (đều thuộc xã Cổ Loa ngày nay), Văn Thượng, Vạn Lộc (xã Xuân Canh), Đài Bi (xã Uy Nỗ), với sự phân công rõ ràng cho từng làng. Câu ngạn ngữ “Bỏ con bỏ cháu, không ai bỏ ngày mồng sáu tháng Giêng” xuất phát từ đây.

Cổ Loa sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Năm 1938, một số thanh niên trong làng được giác ngộ cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Chén, sau nay trở thành Xứ ủy viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, bị bắt và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Năm 1939, báo Giải phóng của Xứ ủy Bắc Kỳ đặt tại Cổ Loa. Từ năm 1943, Cổ Loa là một điểm trong An toàn khu của Trung ương. Nhiều cán bộ Trung ương như : Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Lê Đình Thiệp ... đã được quần chúng cách mạng Cổ Loa che chở, nuôi dưỡng. Đồng chí Đào Duy Tùng (người làng Cổ Loa) được giác ngộ trong thời kỳ này, về sau trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng. Tháng 9 - 1945, Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập.

Ngày nay, Cổ Loa trở thành xã khá về kinh tế. Các di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước đầu tư tu bổ, nâng cấp, biến nơi đây thành điểm du lịch và giáo dục truyền thống.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Cổ Loa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.