Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Ngọc Hồi

ANHTHU| 05/12/2003 10:56

Làng Ngọc Hồi nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, trước Cách mạng thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Làng nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô, trên đầu mối giao thông thuỷ bộ quan trọng. Quốc lộ 1A song song với đường sắt Bắc- Nam dọc theo làng khoảng hơn một cây số...

Tháp chùa làng Ngọc Hồi

Làng Ngọc Hồi nay thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, trước Cách mạng thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Làng nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô, trên đầu mối giao thông thuỷ bộ quan trọng. Quốc lộ 1A song song với đường sắt Bắc- Nam dọc theo làng khoảng hơn một cây số..

Làng còn có con đường cổ, xưa gọi là "đường Quai " hay "đườngcái cao" vốn là con đường Thiên Lý từ Quán Gánh về Duyên Trường, Hạ Thái lên, qua làng Yên Kiện đến đầu làng Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) để vào Chợ Mơ, Thăng Long. Đường thuỷ có sông Tô Lịch từ Hồ Tây - Ngã Tư Sở chảy qua xuôi về Thường Tín.

Đầu thế kỷ XIII, Ngọc Hồi có tên là Vĩnh Khang, là làng đông đúc, do ba anh em ông Bảo Công, ả Mô nương và Nhị Mô nương cai quản, trở thành một thế lực quân sự mạnh, ảnh hưởng đến cơ nghiệp của nhà Trần, nên Trần Thủ Độ đã mang quân đến trấn dẹp, song bị anh em Bảo Công đánh bại. Sau, Bảo Công đem quân của mình về với triều Trần, được gia phong làm tướng và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông. Sau khi ba anh em mất,Vua Trần phong tặng Bảo Công là Quảng hoá đại vương, ả Mô nương là ả Mô công chúa và Nhị Mô nương là Nhị Mô công chúa, giao cho làng Ngọc Hồi đời đời thờ phụng. Hiện trong đình Ngọc Hồi còn 16 đạo sắc phong cho 3 anh em.

Cuối thế kỷ XVIII, mảnh đất Ngọc Hồi đã đi vào lịch sử đất nước với trận công phá đồn Ngọc Hồi vào rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30 -1- 1789). Vết tích của hệ thống đồn luỹ Ngọc Hồi được xác định qua các địa danh Đồng Đồn, Nền Đồn, Cây đa Đồn. Vua Quang Trung đầu chít khăn vàng, cưỡi voi đích thân chỉ huy đội quân cảm tử, có các bức ván gỗ bện rơm ngấm nước phủ kín làm áo giáp, dàn hàng ngang đồng loạt tấn công vào đồn. Quân Thanh bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Số sống sót chạy về phía Bắc làng Ngọc Hồi. Một cuộc quyết chiến diễn ra tại đây.. Sử cũ ghi lại, “thây giặc nằm đầy đồng, máu chảy thành suối”. Tại liệu địa danh minh chứng thêm: các gò Mả Cả, Mả Ngô là nơi chôn xác giặc, "Ao máu" là nơi máu giặc ngập ngụa. Các tướng giặc là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long đều tử trận. Sầm Nghi Đống cũng thắt cổ tự tử tại Ngọc Hồi. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến vào Khương Thượng - Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết.

Vào dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắnng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 1989), tại đầu làng Ngọc Hồi đã xây dựng tượng đài chiến thắng với ba mũi tên hướng thẳng về phía Thăng Long, thể hiện cho cuộc tiến công thần tốc của quân sĩ Tây Sơn.

Làng Ngọc Hồi có ngôi đình hướng Tây Nam được dựng vào giĩa thế kỷ XVIII, có kết cấu "ngoài chữQuốc, trong chữ Vương". Trong đình còn có bản hương ước khắc trên cột đá, lập ngày 10 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744), nội dung ghi công người họ Đình trong làng đã hiến 1 mẫu 6 sào đất cho làng dựng đình, làng cắm mốc giới đình, dựng bia, đề ra quy ước người nào xâm phạm đến đất đình sẽ bị phạt.

Làng còn có chùa mang tên làng. Trong chùa còn một quả chuông đúc năm Minh Mệnh thứ 5 (1824).

Lễ hội chính của làng diễn ra từ mồng 8 đến 10 tháng 2. Ngoài tế lễ, rước sắc còn có rước cỗ chay (mỗi giáp một người sửa).

Bài, ảnh: TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Ngọc Hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.