Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trồng “thần dược” trên bã mía

THUHANG| 12/04/2004 09:31

Từ xa xưa, nấm linh chi đã được coi là “thần dược”, sánh ngang với nhân sâm, nhung hươu, mật gấu. Ở Việt Nam, chỉ dăm năm trước, linh chi vẫn là loại thuốc quý do chúng ta chưa ươm trồng được bằng phương pháp nhân tạo. Nhưng nay, ngay sau khi thành công trong việc trồng linh chi trên mùn cưa, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) tiếp tục gây bất ngờ khi dùng bã mía để trồng loại “thần dược” này.

Từ xa xưa, nấm linh chi đã được coi là “thần dược”, sánh ngang với nhân sâm, nhung hươu, mật gấu. Ở Việt Nam, chỉ dăm năm trước, linh chi vẫn là loại thuốc quý do chúng ta chưa ươm trồng được bằng phương pháp nhân tạo. Nhưng nay, ngay sau khi thành công trong việc trồng linh chi trên mùn cưa, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) tiếp tục gây bất ngờ khi dùng bã mía để trồng loại “thần dược” này.

Theo Bộ NN & PTNT, ngành công nghiệp mía đườngnước ta đang phát triển mạnh mẽ và rải đều trên toàn quốc. Mỗi năm có khoảng 1,3 triệu tấn đường được sản xuất (quy mô công nghiệp và dân tự chế biến), tức 3 triệu tấn bã mía được thải ra. Nguồn chất thải này gần như bị bỏ phí ngoài tự nhiên, dẫn đến ô nhiễm môi trường xung quanh các nhà máy và vùng nguyên liệu. Tận thu bã mía sẵn có, biến chúng thành sản phẩm có ích là nhiệm vụ đặt ra với nhóm kỹ sư Lê Hồng Vinh và Ngô Xuân Nghiễn khi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ trồng nấm linh chi trên bã mía”.

Cây họ nấm phát triển mạnh ở môi trường có chất xơ, nhất là xen-lu-lô. Thành phần bã mía có đầy đủ: xen-lu-lô, li-pít, prô-tê-in, khoáng chất và các a-xít a-min. Xen-lu-lô chiếm tỉ lệ rất cao, hoàn toàn thích hợp cho trồng nấm linh chi và các loại nấm thực phẩm như: nấm hương, nấm mỡ, nấm sò. Trên cơ sở kết luận này, từ tháng 4-1999 đến tháng 4-2001, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các bước thí nghiệm và phân tích cơ sở khoa học. Từ tháng 4-2001 đến tháng 4-2002, đề tài được triển khai thực nghiệm tại Cty cổ phần mía đường Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Cách làm khá đơn giản, nguyên liệu bã mía có hàm lượng đường dưới 3% sau khi sấy khô được bổ sung thêm một số phụ gia dinh dưỡng như: cám gạo, bột ngô, đạm u-rê, đạm sun-phát, lân, bột nhẹ... Trước khi đưa nấm vào, bã mía khô cần được tạo ẩm bằng nước vôi có độ kiềm (pH) là 12-13, độ ẩm đạt 62-65%. Giống nấm được trồng thử là bộ giống linh chi của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (TTCNSHTV) đã được tuyển chọn thuần chủng, có tính chống chịu tốt, ổn định về năng suất, được Hội đồng khoa học Bộ NN & PTNT cho phép triển khai trên diện rộng.

So với linh chi trồng trên mùn cưa (loại nguyên liệu phổ biến nhất hiện nay), thời gian trồng trên bã mía không kéo dài hơn nhưng lại cho sinh khối cá thể và năng suất cao hơn. Cách thức, điều kiện chăm sóc nấm trên mùn cưa và bã mía là như nhau. Một tấn bã mía khô thu được 35-40kg nấm linh chi khô, tương đương khoảng 4,5-5 triệu đồng. Sau khi trồng thành công, nấm linh chi trồng trên bã mía qua phân tích tại phòng thí nghiệm Sinh - Hóa - Protein (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy: Tính chất hóa - sinh của nấm trồng trên mùn cưa và bã mía là tương đương nhau. Chúng đều có đủ thành phần của 17 a-xít a-min quan trọng, không thay thế trong cơ thể con người. Phần lớn các mẫu a-xít a-min trong mẫu linh chi trồng trên bã mía có hàm lượng cao hơn mẫu linh chi trồng trên mùn cưa, chỉ có hàm lượng xen-lu-lô là thấp hơn chút ít. Thành phẩm linh chi trồng trên bã mía hoàn toàn đạt các tiêu chuẩn để tiêu thụ trên thị trường.

GS-TS Nguyễn Hữu Đống, cố vấn khoa học của TTCNSHTV cho biết: Đề tài này đã được Bộ NN & PTNT nghiệm thu năm 2003 và khuyến nghị cần được nhân rộng. Hiện đã có 5 địa phương là Lam Sơn (Thanh Hóa), La Ngà (Đồng Nai), Mai Sơn (Sơn La) và Sóc Trăng tiếp nhận công nghệ trồng nấm linh chi trên bã mía. Những nơi này tuy mới bước đầu đi vào sản xuất nhưng đã cho kết quả rất khả quan. Ông Đống cho biết thêm, một hợp đồng chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trồng có giá trị khoảng từ 40-50 triệu đồng (không tính giá thành giống và đầu tư cơ sở vật chất). Mặt khác, TTCNSHTV ngoài việc chuyển giao công nghệ và cung cấp giống cho các cơ sở sản xuất còn đảm nhận bao tiêu thành phẩm nấm theo các hợp đồng ký kết giữa hai bên...

Việc nghiên cứu và chuyển giao thành công công nghệ trồng nấm linh chi trên bã mía mở ra triển vọng cho ngành trồng nấm, góp phần hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn nấm các loại vào năm 2010 do Bộ NN & PTNT đề ra.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng “thần dược” trên bã mía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.