Theo dõi Báo Hànộimới trên

Võ Thị Hảo muốn nhảy ra khỏi ''bàn tiệc quỷ''

TUYETMINH| 13/11/2005 13:29

Thành lập Công ty Văn hóa & Truyền thông Võ Thị, ra mắt công ty bằng một series sách “made in Vo Thi Hao”, lên báo mạng kêu bị ăn cắp bản quyền và dọa “làm cho ra nhẽ”, cho trích đăng trước 3 chương “Dạ tiệc quỷ” đang viết dở. Cảm giác như Võ Thị Hảo lúc này thích... “ồn” hơn trước.

Võ Thị Hảo và hai cô con gái

Thành lập Công ty Văn hóa & Truyền thông Võ Thị, ra mắt công ty bằng một series sách “made in Vo Thi Hao”, lên báo mạng kêu bị ăn cắp bản quyền và dọa “làm cho ra nhẽ”, cho trích đăng trước 3 chương “Dạ tiệc quỷ” đang viết dở. Cảm giác như Võ Thị Hảo lúc này thích... “ồn” hơn trước.

- Tại sao cái ghế giám đốc Công ty chị lại nhường cho con gái khi rõ ràng mẹ có tiếng hơn con?

- Mặc dù đã trót công bố trong buổi họp báo ra mắt công ty là vậy, nhưng tin mới nhất là hiện nay Uyên Ly đã phải “từ chức” vì quy định của báo nơi cháu làm việc không cho phép phóng viên được kiêm nhiệm thế. Thôi thì mấy mẹ con lại đành “về thu xếp lại” với nhau lần nữa vậy, ai làm mà chẳng được. Quan trọng là có được cái “đầu ra” này, coi như mình có thêm được một chút tự do trong làm nghề, chủ động hơn và đỡ bị lệ thuộc hơn.

- Ý tưởng “buôn sách” bắt đầu từ đâu?

- Với các con tôi thì chủ yếu là vậy: Chúng luôn mơ ước làm một điều gì đó cho mẹ dần dần được sống hết mình cho văn chương. Với tôi thì một phần có thể còn do “ngựa quen đường cũ” nữa chăng, vì tôi từng có 17 năm làm xuất bản (Biên tập viên NXB Văn hóa dân tộc).

- Nhà văn thường không hợp với kinh doanh. Chị thì sao?

- Kinh doanh không bắt ai phải chát chúa, chộp giật, ăn miếng trả miếng. Ngay cả hàng cá ở chợ bây giờ người ta cũng đã dịu giọng lắm rồi. Nhưng ngược lại, cũng không thể thỏa hiệp và khoan nhượng. Giọng tôi nhẹ thế thôi, nhưng chưa chắc tôi đã chịu “nhẹ giọng” đâu, khi cần “tuyên chiến”.

- Với một chùm sách vừa tái bản bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường... phải chăng chị đã quá tự tin?

- Ít nhất, tôi tự tin tác phẩm của mình sẽ may mắn được nhiều bạn đọc đón nhận. Mặt khác, khi có “con cá mớ rau” của nhà trồng được, thì ta đem bán đầu tiên thôi. Như thế đỡ phải mệt óc vì chuyện bản quyền và có thời gian để viết hoặc lo cho các cuốn khác.

- Tại sao trong lần tái bản "Giàn thiêu" này, chị lại cho bổ sung?

- Không đâu, gọi là tái bản có bổ sung, nhưng thực ra chỉ là thêm phần dư luận về tác phẩm, tác giả thôi - theo gợi ý của biên tập viên và bạn bè. Giàn thiêu là một cuốn khó đọc. Biết đâu bạn đọc đang cần tác giả hoặc người làm sách giúp họ một “lối rẽ lửa” để bước vào. Nội dung chính vẫn hoàn toàn không thay đổi. Tôi không ngại những phản ứng. Tôi là một công dân cố gắng tôn trọng pháp luật và luôn ý thức mình được làm những gì mà luật không cấm. Để lật lại một vấn đề, tôi đã nghiên cứu kỹ. Vả lại, đây là tiểu thuyết - sản phẩm của trí tưởng tượng. Không ai nỡ “bắt tội” sự tưởng tượng cả!

- Chị thử cho một “lối rẽ lửa”?

- Có rất nhiều lầm lạc đáng thương của những kiếp người trong Giàn thiêu. Chẳng hạn như ở kiếp thứ nhất, nhân vật Từ Lộ đã quên sống để báo thù và mất không cho người khác cuộc sống của chính mình. Lầm lạc ở kiếp thứ hai là lại chỉ chăm chăm đòi truy lĩnh lại, đền bù lại cho những “nếm mật nằm gai” của kiếp thứ nhất tới mức hóa hổ. Nhân vật Nhuệ Anh thì yêu nhầm người. Vợ chồng kẻ ăn thịt người hoàn lương đi tu đã chọn nhầm thần tượng. Chàng Cá Bơn cõng bộ xương cá đi tìm người yêu lẽ ra phải đi trên con đường vào kinh thành thì lại chỉ chọn những dòng sông...

- Tinh thần công dân, điểm yếu ở không ít văn sĩ, “báo sĩ” ở VN lại được coi là điểm mạnh ở chị. Ở chị, tinh thần đó mạnh hơn khi chị làm văn hay làm báo?

- Đã gọi là tinh thần công dân thì ở mọi nghề đều giống nhau. Khác nhau là ở chỗ tại vị trí và nghề của mình, ta thực hiện điều đó như thế nào mà thôi. Tôi có ý thức. Nhưng nhiều khi thấy mình quá bé nhỏ trong việc này.

- Thời gian cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và thời gian dấn thân vào nghiệp viết lách, chị thấy “quãng” nào dài hơn?

- Cầm bút là con đường nhọc nhằn, nhưng khiến ta mải mê nên ngắn. Hôn nhân là con đường dằng dặc. Con đường hôn nhân đối với ai cũng dài. Nó chỉ ngắn lại khi ta tìm được sau mảnh giấy hôn thú phẩm chất của một bạn đời để đi cho trọn đường trường.

- Còn quãng đường hơn 10 cây số mỗi ngày để về lại ngôi nhà ở ngoại thành thì sao?

- “Vừa đi đường vừa... nhớ chuyện” quả là cái thú! Thường thì tôi về nhà rất muộn, khi phố đã bặt người và ánh đèn đường che chở cho phố thoát khỏi bụi bặm, vẻ thiếu lãng mạn vào ban ngày.

- Trong nghề nghiệp, chị và các con được những gì?

- Nhờ có viết văn mà tôi được đến Mỹ. Tôi đã ở đó 3 tháng, đi dự Nhà viết văn quốc tế Iowa năm 2000. Đó là lần xuất ngoại đầu tiên của tôi, và được mời đích danh. Tôi đã lang thang rất nhiều, thăm nhà của cố nhà văn Hemingway, thăm nhiều viện bảo tàng, phòng tranh, dự nhiều cuộc giới thiệu sách, tọa đàm, gặp gỡ. Tôi thấy người Mỹ rất nồng nhiệt và thân thiện. Con gái tôi lại đi trong một chuyến đi rất vội vàng và trong lòng nặng trĩu lo lắng về trách nhiệm với bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Họ dõi theo bước chân người viết. Ngay cả tôi cũng rất lo lắng trong thời gian Uyên Ly đi Mỹ. Con tôi có lẽ chưa kịp ngắm nghía nước Mỹ. Làm được việc là vui rồi.

- “Con hơn cha là nhà có phúc”, còn “con đẹp hơn mẹ” thì sao?

- Con hơn mẹ thì lại càng là nhà có phúc chứ sao, sao lại phải lo!

- "Dạ tiệc quỷ" đến khi nào mới hoàn thành?

- Nốt năm nay thôi. Dạ tiệc quỷ là cuốn tiểu thuyết về thời hiện đại. Khung cảnh là những năm đầu thế kỷ 20 đến nay. Đương nhiên là có rất nhiều người và quỷ trong đó. Có rất nhiều nơi cho quỷ dữ hoài thai và lớn dậy. “Mỗi người là một món ngon trên bàn tiệc của quỷ. Nhưng tôi là một món ngon luôn muốn nhảy ra khỏi bàn tiệc”. Đó là đề từ của Dạ tiệc quỷ.

Theo Đẹp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Võ Thị Hảo muốn nhảy ra khỏi ''bàn tiệc quỷ''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.