Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng hướng đến cộng đồng

NGOHUONG| 14/12/2006 09:59

Xu hướng mới trong hoạt động của bảo tàng là gắn liền với đời sống thực tại, vươn xa đến với cộng đồng dân cư. Bảo tàng phải là nơi gắn kết với đời sống, không những là điểm đến hấp dẫn với khách tham quan, mà phải thật sự đóng vai trò mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - bảo tàng đã có những thành công đáng kể trong những hoạt động hướng tới cộng đồng những năm gần đây.

-  Thưa ông, lâu nay trong ý nghĩ của mọi người, bảo tàng chỉ là nơi trưng bày hiện vật, lưu giữ hình ảnh... phủ bụi thời gian. Vậy để chuyển những hoạt động của bảo tàng từ  trạng thái tĩnh sang động, hẳn đầu tiên phải có một sự "đột phá", thay đổi từ tư duy, nhận thức?

- Thực ra, việc chuyển hướng hoạt động của bảo tàng từ những hình thức tĩnh sang động, không phải là ý tưởng đột phá của riêng Bảo tàng Dân tộc  học Việt Nam. Ðó là xu hướng mới trong hoạt động của các bảo tàng trên thế giới trong những năm gần đây.

Theo tôi, một cuộc hành trình hết sức cơ bản đối với bảo tàng, đó là hành trình đến với cộng đồng. Chúng tôi nắm bắt được xu hướng đó qua những hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO, hướng tới chủ thể của mọi giá trị văn hóa chính là con người,  những nhóm cộng đồng nơi sản sinh và gìn giữ di sản.

Trước đây, người ta nghĩ bảo tàng chỉ làm phần việc của mình là lưu giữ những giá trị văn hóa ngay tại bảo tàng thôi, người dân chỉ đến để xem, nhưng nay thì khác. Bảo tàng không chỉ bó hẹp những hoạt động của mình trong bốn bức tường nữa, mà phải vươn xa đến với cộng đồng, các làng bản xa xôi, giúp họ nhận thức được vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa của chính họ. Bảo tàng còn là nơi để cho người dân đến tham gia  việc trình bày, giới thiệu những di sản văn hóa đó.

- Thực tế những năm gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã có khá nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng được dư luận đánh giá cao. Ông có thể cho biết cụ thể về những hình thức hoạt động này?

- Trong năm năm qua, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng với những hình thức, dạng thức khác nhau. Chúng tôi đã lựa chọn và mời nhiều nhóm cư dân đến bảo tàng giới thiệu về nghề thủ công truyền thống như dệt vải, hoa văn, rèn, làm gốm, tranh Ðông Hồ... Chúng tôi cũng mời những nghệ nhân dân gian thuộc các lĩnh vực như cồng chiêng, múa rối, và gần đây nhất là ca trù... đến biểu diễn định kỳ tại bảo tàng.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy.

Một hình thức nữa, đó là trong dự án Photovoice, bảo tàng trao máy ảnh cho những người dân, chẳng hạn như người Lào ở bản Na Sang II, Ðiện Biên, những người thợ thủ công ở làng gò đồng Ðại Bái, những em gái Mông ở Sa Pa, hoặc mới đây nhất là trao máy ảnh cho người dân khu phố cổ Hà Nội. Bằng việc trao máy ảnh đó, chúng tôi đã để họ tự kể những câu chuyện, tự nói lên những mong muốn của mình.

Gần đây, chúng tôi cũng thực hiện một cách tiếp cận mới, đó là làm phim cộng đồng. Trong cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội bao cấp 1975-1986 vừa qua, chúng tôi đã làm hai bộ phim cộng đồng là “Hà Nội - một thời gian khó” và “Hà Nội một thời để nhớ”, do chính người dân tự thực hiện. Và đây là hai "sản phẩm" được đánh giá cao tại cuộc trưng bày này. Ðây là một cách làm hoàn toàn mới. Chúng tôi khuyến khích người dân tự kể những câu chuyện của chính mình cách đây 20 năm, bằng cách để họ tự xây dựng kịch bản, lựa chọn những vấn đề để trình bày... Ðó là một cách để chúng ta hiểu sâu sắc nhất về các khía cạnh của đời sống và văn hóa.

- Là người trong cuộc, ông đánh giá như thế nào về mức độ thành công của những hoạt động đó? Và để tiếp cận với những hình thức hoạt động này, các cán bộ bảo tàng cần phải có những yêu cầu gì?

- Việc mời những người thợ thủ công, nghệ nhân trình diễn tại Bảo tàng, không chỉ là để khách tham quan hiểu rõ ràng, cụ thể và sinh động về những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra được sự giao lưu giữa người thợ, nghệ nhân với khách tham quan, và giữa nghệ nhân, khách tham quan với cán bộ bảo tàng...

Khi được trao máy ảnh và đối thoại với các cán bộ bảo tàng, những người phụ nữ ở bản Na Sang II đã có dịp tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm từ những người già, hiểu rõ hơn ý nghĩa của những họa tiết hoa văn, nhận ra bản sắc riêng của dân tộc mình và từ đó, nhận ra giá trị của việc quay lại với những kỹ thuật  truyền thống. Những người phụ nữ này đã mày mò học lại, làm lại việc dệt thổ cẩm bằng nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm bền đẹp và có giá trị hơn, được khách du lịch ưa chuộng hơn.

Qua những thay đổi ban đầu về nhận thức, người dân tại đây đã làm được rất nhiều việc thiết thực để thay đổi chính cuộc sống của mình. Sau hai năm, bản Na Sang II đã trở thành một điểm du lịch thu hút khách.

Một số nghề thủ công truyền thống sau khi được giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học bốn năm trước, đã có được bước khởi đầu để hồi phục.

Chẳng hạn, khi chúng tôi giới thiệu về cách làm gốm Phù Lãng trong ba năm liên tiếp (mời nghệ nhân Vũ Hữu Nhung và một số thợ gốm đến trình diễn, mở lớp dạy làm gốm) thì người Phù Lãng dường như đã tìm ra lối đi riêng cho mình. Trước đây, gốm Phù Lãng chỉ có chum vại, tiểu sành, nhưng sau đó, họ đã chuyển sang các sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, tạo được nét độc đáo cho riêng mình. 

Hoặc như việc giới thiệu cách làm gốm Chăm, một dòng gốm hết sức độc đáo: không bàn xoay, không lò nung, đốt lửa bằng rơm. Vậy nhưng sau những cuộc trình diễn đó, những người phụ nữ Chăm rất nghèo với sản phẩm truyền thống độc đáo này đã được mang đi giới thiệu Nhật Bản. Ðó là một sự tôn vinh hết sức cần thiết.

Từ trước tới giờ, chúng ta chưa ai nghĩ bảo tàng  có thể tham gia sự phát triển, nâng cao đời sống cho người dân. Nhưng tôi nghĩ, với những hoạt động kiểu như thế này, bảo tàng hoàn toàn có thể.

Ðặc biệt, trong quá trình vừa làm vừa học đó, chúng tôi đã nhận thức được rất nhiều chính từ phía những người dân, chủ thể của văn hóa. Những cán bộ bảo tàng trong quá trình đến cùng ăn cùng ở và lắng nghe người dân, cũng đã tự nâng cao nhận thức của mình, học hỏi được rất nhiều điều...

- Thưa ông, trong những nỗ lực tiếp cận, bảo tồn di sản ngay tại cộng đồng, gần đây một số nhà chuyên môn  đề cập tới việc bảo tàng hóa các di sản văn hóa làng ngay tại chính cộng đồng làng xã… Theo ông, mô hình này liệu có khả thi trong điều kiện hiện nay?

- Cục Di sản đang có ý tưởng xây dựng những mô hình bảo tàng văn hóa làng, (trước hết là một số làng gốm) tạo nên một hành trình văn hóa mà điểm khởi đầu là bảo tàng. Ðó là một ý tưởng rất hay, nhưng theo tôi rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.

Chúng ta phải làm thế nào để cộng đồng cư dân làng xã nhận thức được và tham gia một cách chủ động vào quá trình bảo tồn, phải tổ chức, đào tạo được những người cầm chịch, trong đó quan trọng nhất là những nghệ nhân giữ nghề. Ðặc biệt, phải có sự kết hợp đồng bộ với du lịch, có kế hoạch dài hơi để tạo điều kiện cho người dân phát triển đời sống.

Các tổ chức phát triển nghề thủ công phải một mặt bảo tồn truyền thống, mặt khác phải đổi mới để thích ứng với thời đại mới. Sản phẩm phải vừa giữ được bản sắc, nhưng cũng phải bán được ra thị trường. Trong việc bảo tàng hóa di sản văn hóa làng, thì việc giữ được bản sắc của từng làng là  hết sức quan trọng. Ðiều đáng sợ nhất là mất bản sắc, làng nào cũng giống làng nào, thì khi đó, coi như đã thất bại.

Theo Nhân Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng hướng đến cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.