Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Tương Trúc

TUYETMINH| 24/10/2007 11:12

(HNMĐT)- Làng Tương Trúc đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ tháng Mười năm Tân Mão đời Vua Minh Mạng - 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với các làng: Đông Trạch, Tự Khoát, Việt Yên thành xã Ngũ Hiệp.

(HNMĐT)- Làng Tương Trúc đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ tháng Mười năm Tân Mão đời Vua Minh Mạng - 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với các làng : Đông Trạch, Tự Khoát, Việt Yên thành xã Ngũ Hiệp.

Tương Trúc nằm trên con đường Thiên lý cổ. Xưa kia, con đường này từ phía Nam ra, đến Bằng Vồi - Quán Gánh men theo phía Đông sông Tô Lịch, qua các làng Duyên Trường- Hạ Thái (nay là xã Duyên Thái, huyện Thường Tin, tỉnh Hà Tây), vào Đông Phù (xã Đông Mỹ), qua Tương Trúc, ra làng Tự Khoát, Luu Phái rồi nhập với Quốc lộ I hiện này ở phía trên cầu Ngọc Hồi, lên Văn Điển - Cầu Tiên - Quán Sét (Đồng Quan), vào Hoàng Mai (Chợ Mơ) rồi vào Kinh thành Thăng Long. Vào đầu thời Gia Long 1802 - 1819 (có ý kiến cho rằng, thời Pháp thuộc, khi làm đường xe lửa Bắc Nam) mới nắn lại đường Thiên lý từ Hà Hồi (Thường Tìn) lên, tức đoạn đường Quốc lộ I A qua Ngọc Hồi lên cầu Văn Điển hiện nay. Làng lại có sông Tô Lịch chảy qua. Do vị trí giao thông thuận lợi này mà dân làng còn phát đạt về buôn bán. Tại đầu làng TươngTrúc có một chợ lớn trong vùng, có khán thị (quản chợ) trông coi. Vị thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” làm cho kinh tế của làng tương đối khá giả. Ngoài buôn bán, dân làng vẫn làm ruộng và có thêm nghề làm lược sừng.

Tương Trúc là làng nhỏ. Năm 1928 làng có 666 nhân khẩu. Trai đinh của làng trước đây sinh hoạt trong 3 giáp.

Trước Cách mạng Tháng Tám, làng Tương Trúc còn 53 mẫu 7 sào ruộng công để chia cấp cho các đối tượng sửa lễ và 6 mẫu đem đấu giá lấy tiền dùng vào các việc công. Ngoài ra, khúc sông Tô Lịch chảy qua làng, tiếp giáp hai làng Tự Khoát và Đông Phù, hàng năm chia cho 3 giáp khai thác nguồn tôm cá. 

Làng Tương Trúc ở bên cạnh làng Tự Khoát, có nhiều yếu tố tương đồng về địa lý, lịch sử. Trước đây, giữa địa phận hai làng còn một khoảnh ruộng công, mỗi làng được nhận một nửa rộng 2 sào 5 miếng (mỗi miếng là 30 mét vuông) để giao cho giáp đương cai của mỗi làng cùng lo việc thờ thần (hai làng cùng làm lễ cơm mới vào tháng Tám, tế thần chung vào 29 tháng Mười). Trước đây, hai làng cùng tổ chức đội phiên tuần để bảo vệ đồng điền, mỗi làng 6 người. Làng có ngôi chùa Hưng Phúc, chung với làng Tự Khoát, thờ Nhị vị sư tổ. Tương truyền, vào cuối thời Lý, Vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224) mắc bệnh nặng mà chưa có con nối ngôi, đất nước loạn lạc, dân chúng cơ hàn. Có hai vị công chúa xin về đất làng Tự Khoát, lấy đỉnh Trúc Lĩnh (núi có nhiều cây trúc) của làng làm nơi nghỉ. Hai Bà thấy dân chúng đói khổ, thiếu ruộng tốt để cày cấy, liền xuất hết tiền bạc của mình để mua thóc gạo cứu giúp những người nghèo rồi chiêu tập họ khai hoang để có ruộng cày cấy, dạy nghề thủ công cho dân làng và các làng bên

Được hai năm, nhà Vua bắt hai bà về triều để gả cho quan lang ở biên giới, song hai bà nhất quyết không nghe lời. Không thuyết phục được, nhà vua cho đốt am Đông Phù nhằm triệt chỗ nương thân của hai bà. Song hai bà lại được dân làng Tự Khoát đón về, dựng lại am trên núi Trúc, rồi mở mang am thành chùa, nên gọi là chùa Tự Khoát (chùa mở rộng), tên chữ là Hưng Phúc (phúc đức ngày càng nhiều), trở thành một ngôi chùa lớn trong vùng. Ngoài ra, làng còn có chùa Thiên Phúc, phủ thờ Thủy Tinh công chúa. Hội làng diễn ra trong các ngày 8 , 9, 10 tháng Hai. 

PGS. TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Tương Trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.