Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng trường Ba Đình và ngày 2-9-1945

VANCHIEN| 30/08/2009 08:23

(HNM) - Quảng trường Ba Đình xưa là cửa phía Tây của thành cổ Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ gọi tên là Puginier.

Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Quảng trường Ba Đình xưa là cửa phía Tây của thành cổ Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ gọi tên là Puginier.

Cái tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20-7 đến 19-8-1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình (Thanh Hóa) trong nhiều năm liền. Trong thời gian làm thị trưởng, ông Lai cũng đã cho đổi tên phố từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và lấy tên các anh hùng dân tộc để đặt tên phố.

Sau khi Tổng khởi nghĩa trong cả nước vào ngày 19-8-1945 lật đổ chế độ thực dân và phong kiến, Bác Hồ đã ấn định ngày làm Lễ Tuyên bố độc lập. Ngay sau đó, Thường vụ Trung ương đã họp và thông qua ý kiến của Bác. Bác Hồ chính là người đã trực tiếp soạn thảo chương trình và viết bản Tuyên ngôn độc lập. Cũng chính Bác Hồ đã chọn Quảng trường Ba Đình để tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945. Ngày Việt Nam tuyên bố độc lập đã cận kề, Bác cho mời ông Nguyễn Hữu Đang, lúc đó mới 32 tuổi, lên giao nhiệm vụ gánh trọng trách lo công tác tổ chức cho ngày Lễ độc lập. Ông Đang từng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội vào năm 1929 khi mới 16 tuổi. Ông cũng tham gia nhiều các phong trào cách mạng, Hội truyền bá chữ quốc ngữ có uy tín trong giới trí thức và quần chúng. Khi giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hữu Đang, Bác nói đây là mệnh lệnh "Đây là sự kiện quan trọng vì Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc này khó nên mới giao cho chú". Công việc dựng lễ đài bắt đầu từ ngày 28-8 và phải hoàn tất trong ngày 1-9. Theo dự tính, lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy. Là người có kinh nghiệm tổ chức nên ngay lập tức, ông cho mời các kiến trúc sư để thiết kế lễ đài, đồng thời cho gọi thợ mộc thi công. Công việc hoàn thành theo đúng dự kiến.

Đúng 2 giờ chiều ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ ka ki giản dị bước lên lễ đài, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch đã khẳng định trước thế giới: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Tiếp đó toàn thể thành viên trong Chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ. Tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo về việc đoàn đại biểu Chính phủ đi tước ấn kiếm của Bảo Đại. Đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Minh và hô hào quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh. Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên lễ đài một lần nữa, Người kêu gọi nhân dân kiên quyết hy sinh để giữ vững nền độc lập mới giành được. Lễ mít tinh đã chuyển thành một cuộc tuần hành rầm rộ trong thành phố.

Phần chụp ảnh Lễ Tuyên ngôn độc lập do Vũ Văn Lai, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trẻ tự nguyện nhận nhiệm vụ liên lạc với đồng nghiệp và ông đã mời bằng được ông Hương Ký, bậc đàn anh trong làng quay phim và nhiếp ảnh Hà Nội. Lúc bấy giờ, Hà Nội chỉ có hiệu Hương Ký và Hãng Indochina Film là có máy quay phim. Dù hơn 60 tuổi nhưng ông Hương Ký nhận lời mà không có bất cứ điều kiện gì, ông trực tiếp chỉ đạo con cái trong nhà và cả thợ thực hiện. Tuy nhiên, một tuần sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ông Hương Ký cho biết kết quả là không quay được thước phim nào về sự kiện này vì máy móc trục trặc. Năm 1974, khi đạo diễn Phạm Kỳ Nam đang quay phim tài liệu "Những ngày Bác Hồ ở Tây Âu" tại Pa-ri thì nhận được điện thoại của một người Pháp, người này sau đó đã mang đến khách sạn nơi ông Nam ở và trao những thước phim quay Lễ độc lập 2-9 khiến ông sững sờ. Cho đến nay, ai là tác giả của thước phim này vẫn chưa có câu trả lời.

Cử hành Quốc thiều tại Lễ Tuyên bố độc lập hôm đó là ban nhạc Giải phóng quân, trước đó các thành viên trong ban nhạc ở đội kèn binh. Sau khi "Tiến quân ca" của nhạc sỹ Văn Cao được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 75 anh em nhạc công quay trở về với cách mạng đã luyện tập không kể ngày đêm dưới sự chỉ huy của nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên. Để cho Quốc thiều của Việt Nam mạnh mẽ, hùng tráng và hoàn hảo hơn, nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu đã đề nghị nhạc sỹ Văn Cao rút ngắn trường độ của nốt "rê" đầu chữ "đoàn" và nốt "mi" ở đoạn giữa chữ xác. Nhạc sỹ Văn Cao đã đồng ý và sau đó nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên đã viết tổng phổ. Người được giao nhiệm vụ kéo cờ trong lễ cử Quốc thiều hôm đó chính là Dương Thị Thoa - nữ sinh Trường Trưng Vương (tên hoạt động cách mạng là Lê Thi - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới). Hôm đó Dương Thị Hoa trong đoàn phụ nữ cứu quốc Hà Nội. Khi đoàn vừa đi đến nơi, một người trong ban tổ chức bảo "các cô cử cho một người kéo cờ" và sau đó anh cán bộ dẫn Thoa đến phía lá cờ, ở vị trí ấy đã có một nữ giải phóng quân. Sau tiếng nhạc, lá cờ được hai người phụ nữ từ từ kéo lên trong sự nghiêm trang của rừng người dự lễ.

Sau Lễ Tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Sau 1954, có ý kiến lấy tên là Quảng trường Độc lập nhưng Bác Hồ đề nghị giữ cái tên Ba Đình. Ngày Bác mất, tang lễ Người cũng được tổ chức ở đây. Ngày nay, Quảng trường Ba Đình có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi. Chính giữa là cột cờ cao 30 mét. Không chỉ có giá trị lịch sử, Quảng trường Ba Đình còn có giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam.

Trần Văn Thành

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quảng trường Ba Đình và ngày 2-9-1945

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.