Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện ngôi đình thờ Lý Đạo Thành tại Hà Nội

ANHTHU| 09/01/2005 08:46

Làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, một vùng đất văn hiến, truyền thống yêu nước, nay lại phát hiện thêm đền thờ danh nhân Lý Đạo Thành, một người có nhiều công lao, nhất là về mặt văn hóa giáo dục.

Đình thờ Lý Đạo Thành ở thôn Đông, làng Hoàng Mai (Thanh Trì) nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai)

Chúng ta đều biết Lý Đạo Thành là một công thần đời Lý. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, mục”Nhân vật chí” phần “Người phò tá có công lao tài đức” đời Lý nêu bốn người, đầu tiên là Lý Đạo Thành, thứ hai là Lê Bá Ngọc, thứ ba là Tô Hiến Thành, thứ tư là Lý Kính Tu. Sách này còn trích câu của Lê Tung (nhà sử học đời Lê) ca ngợi ông: “Lý Đạo Thành nhận việc ký thác vua bé, Tô Hiến Thành phụ chính, lòng trung quân ái quốc phảng phất giống Y Doãn, Chu Công”. Thật là lời bàn xác đáng.

Về Lý Đạo Thành, sách ấy viết: “Ông người làng Cổ Pháp, là tôn thất nhà Lý. Thời Thánh Tông đã được vua yêu mến, trải thăng đến chức Thái sư và được dự vào việc nhận mệnh vua ký thác. Khi Nhân Tông lên ngôi, Thái hậu Linh Nhân (tức ỷ Lan) buông rèm nhiếp chính, ông bàn việc trái ý Thái hậu, bị truất xuống Tả Gián nghị đại phu, ra coi châu Nghệ An. Lúc ở trấn, ông cảm nhớ vua trước, có lập Viện Địa Tạng ở trong miếu vương thánh ở châu ấy, đặt tượng Phật và bài vị Thánh Tông sớm hôm thờ phụng. Năm Thái Ninh thứ 3 (1074) lại được triệu về làm Thái phó, Bình chương Quân quốc Trọng sự, ông giúp rập nhà vua, hết lòng với hoàng gia. Khi trước, Lý Thượng Cát cậy mình được thân yêu, bàn chõ vào việc chính, ông không hòa hiệp với y, mới bị bổ ra ngoài. Đến khi lại vào giúp chính sự, ông hết lòng sắp đặt. Việc chính trị trong triều, kế hoạch ngoài biên, ông giúp ích rất nhiều. Được 7 năm (1081), thì ông mất, mọi người đều thương tiếc. (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Khoa học xã hội, 1992, tập 1, trang 220).

Chính vì ông là người có tài, có đức, là vị quan liêm khiết, thẳng thắn, trực ngôn nên cuộc đời có lúc lên lúc xuống, bị buộc ra châu xa, nhưng ông vẫn sáng ngời một tấm lòng trung quân ái quốc, đóng góp nhiều cho dân cho nước nên đã có nhiều nơi thờ ông làm Thành hoàng, như thôn Thụy Lân, xã Đông Xá, tổng Tử Dương, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hiện nay thần phả còn lưu trữ tại thư viện Hán Nôm, ký hiệu AE.a3/46. Bản thần tích này cho biết ông là người phường Thái Cực, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, cha họ Lý tên Kính, mẹ họ Tạ tên Cẩn, họ đều là người hiền lành, lương thiện, gia tiên đều được thụ phong, ấm phong, hai nhà đều là môn đăng hộ đối. Chính sử không cho biết ông sinh năm nào, nhưng thần phả thì nói ông sinh năm Quý Tỵ (1053).

Ông sinh ra thông minh, dĩnh dị, tướng mạo khác thường, ba tuổi đã biết lễ nghĩa, tính hay kính nhường, 7 tuổi nhập học, 13 tuổi đã thông kinh tử tập, lại giỏi cả võ nghệ, chúng bạn đều khen là thần đồng. Thần phả không cho biết ông mất năm nào, việc ông mất thì chính sử có ghi là vào năm Tân Dậu (1081). Kết hợp chính sử với thần tích thì cuộc đời ông chỉ vẻn vẹn 28 tuổi. Khi nghe tin ông mất đột ngột, nhân dân đều kinh sợ, thương xót, dâng biểu về triều đình báo tin. Nhà vua nghe tin liền sai sứ giả đến tế lễ gia phong phúc thần, sắc phong là “Đạo Thành Đại vương Thượng đẳng thần”. Nhà vua còn sai sứ rao rằng: Các đạo, phủ, huyện, trang khu nào mà ngày trước ông đã dạydỗ, giáo hóa, sau này dân trở thành có lễ nghĩa thì đều được đón mỹ tự về dân lập miếu phụng thờ.

Bức cuốn thư gỗ khắc tên Lý Đạo Thành trong đình thờ

Làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, một vùng đất văn hiến, truyền thống yêu nước, là mảnh đất mà đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh, có chùa Nga My cổ kính đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nay lại phát hiện thêm đền thờ danh nhân Lý Đạo Thành, một người có nhiều công lao, nhất là về mặt văn hóa giáo dục. Ông Kính, thủ nhang và ông Nguyễn Hữu Kiểm, đại biểu HĐND phường Hoàng Văn Thụ, người gốc làng Hoàng Mai dẫn chúng tôi vào ghi chép câu đối hoành phi.

Ngôi đình này dân địa phương còn gọi một cách kính trọng là đình Ông, tọa lạc tại thôn Đông, làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, nay thuộc tổ 28 cụm 4, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, từ đường ngõ Gốc Đề vào, là một ngôi đình khiêm tốn trong ngõ Gốc Đề, giữa một khu dân cư sầm uất. Nơi đây còn lưu giữ 5 câu đối, 2 bức hoành phi, tất cả đều liên quan tới Lý Đạo Thành. Bức cuốn thư gỗ khắc ba chữ “Lý Đạo Thành”. Phần lạc khoản cho biết làm năm Nhâm Ngọ, do thôn Đông làng Hoàng Mai cung tiến. Bức hoành thứ hai là “Linh thanh hách trạc”, nghĩa là vị thần này thật là linh thiêng, hiển hách. Phần lạc khoản bức hoành này cho biết, bức hoành này tôn tạo ngày 15-2 năm Kỷ Mão (1939). Câu đối gỗ trong cung: “Thần chi đức kỳ thịnh, dân hàm hoài dĩ trung”, nghĩa là: “Đức của thần rất thịnh, dân nhớ mãi lòng trung của thần”.

Lạc khoản cho biết câu đối này làm vào mùa thu năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại (1932). Đôi câu đối trong hậu cung là “Đông Lai tử khí thần từ cổ, Trung đối huyền khung đế mệnh tân”, nghĩa là: “Phương đông khí tía tỏa lan, ngôi đền càng thêm cổ kính; lòng trung nêu cao giữa trời xanh, mệnh vua mới phong tặng”. Câu đối này, lạc khoản cho biết là của người cháu, làm Thừa phái cửu phẩm bá hộ, lý trưởng tên là Hữu Tường cung tiến năm Nhâm Thân 1932. Ông Kiểm, người gốc làng Hoàng Mai đưa chúng tôi vào thăm đền, vẫn còn nhớ về ông lý trưởng này. Đôi câu đối đắp vữa trên tường là: “Thịnh trung nhị giáp đồng tôn tự; Bảo Đại tam niên lạc khánh thành”. Câu đối này cho biết ngôi đền này là ngôi đền chung của hai giáp Đông Thịnh, Thịnh Trung, do hai giáp trên cùng thờ cúng và được khánh thành vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1928). Đôi câu đối đắp vữa trên tường cũng rất hay như: “Bất tri chung dục hà triều đại, do ký anh linh tự tích kim” nghĩa là: Không biết ngôi đền này được xây dựng từ thời nào, nhưng từ trước tới nay vẫn còn linh ứng, hoặc câu: “Điển trật tinh bao khâm đế mệnh, xuân thu hưởng tự nhạ thần hưu”, nghĩa là: Vâng mệnh nhà vua, thần đã được tặng phong phẩm trật trong tự điển, xuân thu được dân thờ cúng là nhờ phúc của thần mang lại.

Những bức hoành phi và câu đối ở trong đền rất hay và rất có ý nghĩa. Nó ca ngợi công đức của Lý Đạo Thành và đều là bút tích của người địa phương cảm nhớ công lao của Lý Đạo Thành soạn ra. Nhân dân địa phương rất tự hào về ngôi đền, mong muốn thành phố và Bộ Văn hóa sớm xếp hạng để di tích được tôn tạo khang trang, thiết thực góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện ngôi đình thờ Lý Đạo Thành tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.