Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Văn chương là hơi thở dấu ấn mọi kiếp người”

Thi Thi| 19/12/2010 08:06

(HNM) - Tiểu thuyết


Nhà văn Nguyễn Quang Thân chia sẻ cùng bạn đọc Hànộimới về tiểu thuyết này cũng như quan điểm văn chương của ông.


- Tiểu thuyết "Hội thề" được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi tiểu thuyết, thể loại "vua" của văn học, cá nhân ông có bất ngờ không?
- Được giải nhất hay không được giải gì cả, cũng không có gì bất ngờ với tôi. Con gà mái đẻ xong, nó rời ổ, cục tác vài tiếng và thường quên ngay quả trứng, lo đi nhặt thóc để làm quả trứng khác.

- "Hội thề" gửi gắm một thông điệp rất lớn về người trí thức. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về điều tâm huyết mà ông gửi gắm trong tác phẩm? Hà Nội đã qua 1000 năm tuổi, theo ông bài học lịch sử lớn nhất, cần phải phát huy mạnh mẽ kể từ thời khắc "nghìn năm" qua là gì?
- Trong tiểu thuyết của tôi, nhiều anh hùng chiến công đầy mình của khởi nghĩa Lam Sơn từng thị phi và nghi kỵ mấy ông nghè từ Thăng Long vào tụ nghĩa muộn, trong tay không công trạng gì ngoài cuốn Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi. Âu cũng là lẽ thường tình khi mấy ông tướng dũng mãnh có thừa coi khinh trí thức. Nhưng Lê Thái Tổ đã vượt qua tất cả bọn họ để chấp nhận và giao quyền rất cao, chức rất trọng cho những con đại bàng hun đúc được trí tuệ của đất Thăng Long văn hiến. Chính những trí thức lớn này của Thăng Long (Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xảo) đã chắp cánh cho cuộc khởi nghĩa bay xa, thoát ra khỏi nguy cơ trở thành một cuộc nổi dậy cục bộ và cầm chắc thất bại nếu không có chiến lược đúng đắn. Hội thề Đông Quan là cái mốc chói lọi "xưa nay chưa từng có" trong lịch sử dân tộc, thành quả của tầm nhìn vĩ đại và lòng thành trọng dụng trí thức của Lê Thái Tổ. Đó cũng là bài học của ngàn năm dựng nước. Cái đáng sợ nhất của bất kỳ triều đại  nào là trí thức quay lưng bỏ đi, điều này giống như linh hồn lìa khỏi xác.

- "Hội thề" cho dù không "ôm" nhiều sự kiện lịch sử nhưng các nhân vật của gần bảy trăm năm trước sống động như đang ở đâu đây quanh ta. Ông quan niệm thế nào về tiểu thuyết lịch sử (phải bám bao nhiêu phần trăm vào sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử; đâu là ranh giới trong xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử…)?
- Lịch sử được ghi trong chính sử thường chỉ có một. Nếu có khác nhau thì cũng chỉ là một ít dị biệt mà thôi. Nhưng còn một lịch sử trong dã sử, trong truyền kỳ, trong huyền thoại… thường được truyền khẩu và cũng nhiều khi ghi thành sách. Rồi còn một lịch sử khác nữa trong tiểu thuyết, nở rộ từ thời Walter Scott (Anh), người kết hợp thành công bút pháp lãng mạn với tính nghiêm túc của lịch sử. Trong tiểu thuyết lịch sử, nhà văn mặc sức tưởng tượng những gì mà độc giả chấp nhận cho anh ta có quyền tưởng tượng để thể hiện sự lựa chọn hoàn toàn cá nhân. Nếu không dành được cho mình cái quyền đó thì nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì?

- Ông có thể chia sẻ nhận định của mình về tiểu thuyết Việt Nam 5 năm qua? Điều gì làm ông vui mừng nhất và điều gì khiến ông lo lắng nhất. Ông có đọc và chú ý tới các cây bút trẻ viết tiểu thuyết hiện nay không? Có gương mặt nào mang lại cho ông những trang viết bất ngờ, thú vị?
- Các nhà văn trẻ hơn lớp chúng tôi là viết rất hay về những gì họ muốn viết. Bằng ngôn ngữ, phong cách của họ. Tôi không viết được như họ và cũng không nên "cưa sừng làm nghé" để viết như họ. Tôi sẽ viết theo kiểu của tôi, tất nhiên cũng phải biết thay đổi, biến hóa vì đó là đòi hỏi của sáng tạo. Mới lạ rất đáng quý. Nhưng có một điều các nhà văn mọi thế hệ không được quên: "Văn chương là hơi thở liên tục ghi lại dấu ấn của mọi kiếp người đã đến và đã đi qua, những gì xa lạ với con người, ở bên ngoài con người thì cũng đồng thời ở ngoài văn chương".

- Sắp tới ông có dự định hoặc đang bắt tay viết tác phẩm mới nào không?
- Tôi đang viết trên bàn phím máy laptop và thấy nốt phím bị mòn nhiều nhất là phím "xóa". Có ba cái khó của một nhà văn già: viết khó, tự đánh giá khó (khó tính nên hay "xóa") và cái thứ ba, công bố càng khó (cái này ở nước ta thì ai cũng biết). Nhân dịp này cho tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với NSND, đạo diễn điện ảnh  Hải Ninh, người đã rất tâm đắc và cổ vũ tôi đưa dấu ấn Hội thề Đông Quan vào nghệ thuật điện ảnh, cám ơn các nhà sử học từng viết rất nhiều sách về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, họ cho tôi sử liệu đã đành mà còn truyền cho tôi cảm hứng. Theo tôi, trong những gì nền sử học hiện đại làm được cho đến hôm nay, những nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa này là hoàn chỉnh và giá trị nhất.

- Xin cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Văn chương là hơi thở dấu ấn mọi kiếp người”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.