Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai về hội Nành mà xem...’

ANHTHU| 09/04/2005 07:49

Mùa xuân, lễ hội mở ra khắp nước, vui nhiều và cũng không ít lời ta thán. Do quản lý lỏng lẻo, nhiều kẻ lợi dụng lễ hội để làm tiền khách bằng xóc thẻ, xem bói, viết sớ, hoặc bám theo khách lừa lọc bằng thủ đoạn giúp sắp đồ lễ, dâng hương, dẫn đường. Có nơi du lịch hóa lễ hội bằng hội chợ ẩm thực. Rồi sách mê tín bán đầy đường. Nhiều địa phương còn bán vé vào hội với đủ loại giá... Những điều ấy khiến lễ hội mất vẻ trang nghiêm và sự thanh thản của người đi lễ.

Mùa xuân, lễ hội mở ra khắp nước, vui nhiều và cũng không ít lời ta thán. Do quản lý lỏng lẻo, nhiều kẻ lợi dụng lễ hội để làm tiền khách bằng xóc thẻ, xem bói, viết sớ, hoặc bám theo khách lừa lọc bằng thủ đoạn giúp sắp đồ lễ, dâng hương, dẫn đường. Có nơi du lịch hóa lễ hội bằng hội chợ ẩm thực. Rồi sách mê tín bán đầy đường. Nhiều địa phương còn bán vé vào hội với đủ loại giá... Những điều ấy khiến lễ hội mất vẻ trang nghiêm và sự thanh thản của người đi lễ.

Sự chu đáo

Vậy mà có một lễ hội ở thủ đô đã không vướng vào hệ lụy đó. Đó là lễ hội chùa Nành (xã Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội) diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng hai âm lịch vừa qua, đáng coi là mẫu mực.

Chùa Nành với cái danh “Bắc Giang đệ nhất thiền môn” nằm cách trung tâm thủ đô 14km. Có một đường vào từ dốc Lã (trên đường Hà Nội - Bắc Giang). Ba ngày hội, chùa Nành đón trên một vạn khách, vậy mà an ninh trật tự được bảo đảm tuyệt đối. Không có cảnh chặt chém vì khách dự hội chỉ cần gặp BTC nộp 10 ngàn đồng là đã có bữa trưa, đủ cơm, xôi, rượu thịt và chè kho. Ngày đầu hội đã có đến 300 mâm cỗ cho khách thập phương. Không có bất cứ cuốn sách mê tín nào, không có cảnh bói toán, xóc thẻ, lừa lọc khách hàng bằng cách sắm lễ hộ, khấn hộ. Người làng Nành tự tổ chức lo bữa ăn cho khách, các điểm hội lễ có dân thôn làm trật tự viên hướng dẫn khách vãng cảnh chùa miễn phí. Không có chuyện bán vé vào hội. Chính quyền cho tổ chức hai bãi trông xe cho khách, giữ dăm ngàn lượt xe mỗi ngày. Cả dân, cả chính quyền coi lễ hội là ngày vui chung, khách về càng đông càng quý và sự trân trọng ấy khiến du khách được hưởng không khí vui vẻ, ấm áp của làng quê Việt.

Gặp một lễ hội xưa

Không kể phần lễ, chỉ riêng trò chơi trong hội đã để lại trong lòng mọi người ấn tượng tốt đẹp về lễ hội truyền thống. Chọi gà, đập niêu, đánh vật, cờ tướng, hát chúc, tuồng, chèo, quan họ... diễn ra suốt ba ngày hội. Hát chúc diễn ra ở tả hữu mạc chùa. Một nhóm bốn người gồm một hát, một trống, một phách và một mõ là già ở các làng khác về góp vui. Bài hát diễn là những bài cổ kể về công cha nghĩa mẹ, cách đối nhân xử thế ở đời... Mỗi khi có khách thưởng tiền thì tùy già trẻ, gái trai mà được hát tặng một bài chúc tụng khác nhau. Một gánh hát khác liên tục diễn chèo, trống quân, tân cổ giao duyên... Còn tuồng thì diễn ở rạp trước cửa chùa. Phía ao rối trước chùa đông nghịt người nghe hát quan họ trên thuyền. Vào trong chùa, phía nhà hậu lại gặp các cụ bà từ Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định... đi lễ chùa rải chiếu ngồi nghỉ. Các cụ có cách giao lưu rất lạ, mỗi bà tự nguyện đọc những bài ca về đức Phật, nghĩa hiếu sinh, tình cha mẹ con cái... Cứ rì rầm suốt buổi, người tứ xứ gặp nhau chỉ qua bài ca đã thành bạn. Rồi các cụ hẹn hội sau. Tất cả đều tràn ngập niềm vui. Đúng là vui như hội !

Rõ ràng là chính quyền xã Ninh Hiệp đã quan tâm đến lễ hội như những việc quan trọng khác. Từ nhiều năm nay khách về chùa, ai muốn phát tâm công đức đều có chỗ ghi tên, chứ không bày hòm công đức ngổn ngang như nhiều nơi khác. Việc tổ chức chu đáo khiến khách thập phương thấy hài lòng.

Người ta bảo dân làng Nành giàu nên làm được như thế, nhưng tôi lại nghĩ khác. ở đây rõ ràng có sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ của địa phương và người dân sở tại có ý thức giữ gìn vẻ đẹp lễ hội truyền thống nên mới có thể tổ chức tốt lễ hội. Nếu nơi nào cũng tổ chức lễ hội được như hội Nành thì những ngày hội đình, hội chùa, hội đền ở trên khắp đất nước ta sẽ có không khí vui vẻ hơn.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai về hội Nành mà xem...’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.