Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Yên Kiện

LANHUONG| 04/05/2005 08:31

(HNMĐT) - Làng Yên Kiện, xưa có tên là Khang Kiện, thường gọi là Chạ Yên. Chạ là từ Việt cổ, dùng để chỉ các đơn vị cư trú giống như các làng định cư của người Việt khi mới định hình thời dựng nước của các Vua Hùng. Theo các cụ già trong làng, lúc đầu, làng ở khu vực  Đìa ổi, giáp làng Lạc Thị, nên hai làng có nhiều quan hệ mật thiết với nhau, gọi nhau là làng Trên, làng Dưới.

(HNMĐT) - Làng Yên Kiện, xưa có tên là Khang Kiện, thường gọi là Chạ Yên. Chạ là từ Việt cổ, dùng để chỉ các đơn vị cư trú giống như các làng định cư của người Việt khi mới định hình thời dựng nước của các Vua Hùng. Theo các cụ già trong làng, lúc đầu, làng ở khu vựcĐìa ổi, giáp làng Lạc Thị, nên hai làng có nhiều quan hệ mật thiết với nhau, gọi nhau là làng Trên, làng Dưới.

Xưa kia, địa dư của làng rất rộng, có rất nhiều ruộng, cuộc sống của dân làng cũng tương đối phong lưu, làm được cả đình rất to. Nhưng rồi, do tranh chấp ruộng đất với một số làng trong vùng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, làng không thắng kiện, phải bán cả đình, cả ruộng nên số đông dân làng phải phiêu bạt đi nơi khác và làng phải đổi tên thành Yên Kiện (bia hậu năm đầu đời Tự Đức - 1848) trong chùa đã ghi tên “Yên Kiện”).

Yên Kiện nằm ở cửa ngõ phía Nam Thăng Long, có con đường cổ gọi là "đường Quai " hay "đườngcái cao" từ đầu cầu Ngọc Hồi hiện nay chạy qua, lên các làng Lạc Thị- ích Vịnh, nối với đường 70 từ thị xã Hà Đông- Văn Điển ở đầu làng Quỳnh Đô, rồi lại theo đường Cầu Tiên- Quán Sét ở trên, lên Chợ Mơ vào Thăng Long. Có nhà nghiên cứu cho rằng, đường cái cao này chính là con đường Thiên Lý từ Quán Gánh về Duyên Trường, Hạ Thái - Đông Phù, lên Ngọc Hồi để vào Kinh thành Thăng Long xưa.

Đầu thế kỷ XX, Yên Kiện vẫn là một làng rất nhỏ, chỉ có 275 nhân khẩu (năm 2000 chỉ có 197 hộ với 773 nhân khẩu). Tuy vậy, làng vẫn trở thành một xã thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Tháng 1-1946, làng hợp nhất với các làng Ngọc Hồi, Lưu Phái thành xã Ngọc- Yên- Lưu. Từ đầu năm 1948, làng lần lượt nằm trong các xã Việt Hưng, Đại Hưng. Sau Cải cách ruộng đất, làng nằm trong xã Việt Hưng cùng với các làng Ngọc Hồi, Lạc Thị, Lưu Phái, thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (năm 1961 thuộc huyện Thường Tín và làng Lưu Phái cắt về xã Ngũ Hiệp ). Năm 1968, xã Việt Hưng đổi tên thành xã Ngọc Hồi. Đầu năm 1979, xã Ngọc Hồi được cắt về huyện Thanh Trì của Hà Nội.

Yên Kiện xưa rất nhiều ruộng, mỗi đinh nam từ 18 tuổi trở lên được chia 5 sào ruộng công. Nhưng ruộng ở đây đa phần là ruộng trũng, xấu, nên thu nhập từ nông nghiệp thấp và không ổn định. Để bảo đảm đời sống, nhân dân các làng làm thêm các nghề phụ, trong đó có nghề diu tôm.

Do là làng nhỏ nên làng Yên Kiện không hình thành các xóm. Đinh nam trong làng được chia thành ba giáp (giáp của họ Hoàng, giáp của họ Nguyễn Viết, giáp của họ Nguyễn Văn và họ Phạm).

Trước Cách mạng, tuy là làng nhỏ, nhưng các lệ tục về ngôi thứ, tế lễ của Yên Kiện rất phiền phức. Làng kết nghĩa với làng Lưu Phái. Người đến lượt làm cỗ đón Quan anh (ngày 10 tháng Hai) phải mổ trâu hoặc bò rất tốn kém, mặc dù được làng cấp cho 3 mẫu 3 sào ruộng. Cũng trong dịp này, có lệ làm cỗbổn bàn : mỗi năm, mỗi mâm của những người từ 18 tuổi trở lên có một người phải đăng cai làm một mâm cỗ 3 tầng gồm thịt gà, giò chả, các chép luộc và nhiều món ăn khác để đãi người trong mâm.

Làng Yên Kiện còn ngôi đình được tu sửa lại vào năm Duy Tân thứ 3 (1909), thờ Câu Mang đại vương cùng hai vợ của ông là Phương Dung và Phương Anh. Câu Mang là vị thần sống vào cuối thời Hùng Vương, có công giúp Hùng Duệ Vương đánh lại nhà Thục, được nhiều làng vùng chiêm trũng thờ. Tại đình làng hiện còn lưu 13 đạo sắc phong cho các vị thành hoàng

Làng có chùa Đại Bi, dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720), được tu bổ vào các năm Cảnh Hưng 28 (1767), Tự Đức nguyên niên (1848). Năm Thiệu Trị thứ hai (1842), đúc chuông.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Yên Kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.