Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kheo khéo, kẻo quá đà...

Hiền Dung| 01/06/2011 06:53

(HNM) - Huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang phối hợp với Liên hiệp khoa học Bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á thực hiện dự án "Giữ gìn, khai thác tiềm năng di sản văn hóa một số di tích huyện Gia Lâm".

Phương án "lấy di tích nuôi di tích" khá hay bởi di tích sẽ được gìn giữ thông qua việc khai thác giá trị của nó, giảm gánh nặng ngân sách. Thế nhưng, nhìn vào cách khai thác một số di tích ở Huế, Vũng Tàu… thì xem ra, các đơn vị thực hiện dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm phải cẩn trọng rất nhiều.

Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, là nơi thờ Thánh Gióng. Ảnh: Bá Hoạt

Dự án hay

Sở dĩ, Liên hiệp khoa học Bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á thí điểm thực hiện dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm bởi đây là vùng giao thoa văn hóa Thăng Long, văn hóa Kinh Bắc, nơi có hệ thống di tích lịch sử đậm đặc và kho tàng ẩm thực phong phú, đủ sức hấp dẫn du khách gần xa. Đó là hệ thống di tích thờ Thánh Gióng ở xã Phù Đổng gắn với hội Gióng đã được UNESCO vinh danh; là làng Bát Tràng với nghề thủ công nổi tiếng cùng hệ thống di tích đình, chùa, văn chỉ; là đền, chùa bà Tấm, xã Dương Xá - nơi thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan trọn đức, vẹn tài; là đình Chử Xá, xã Văn Đức gắn với câu chuyện tình Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung… Hiện nay, hệ thống di tích này đã được Nhà nước, nhân dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu nhưng nơi thì không giữ được nguyên trạng, nơi thì đìu hiu khách tham quan. Như đình Bát Tràng chỉ hoạt động vào ngày rằm, mồng một hoặc khi có lễ tế, còn quanh năm vẫn cửa đóng then cài. Hai bên tả, hữu vu của đình bị người dân xây nhà áp sát, cao vượt mái đình, gây phản cảm. Sân đình thì quá hẹp, nên khó có thể tiến hành sinh hoạt văn hóa cho 9.000 dân. Đền, chùa bà Tấm hiện rất lộn xộn bởi mặt trước bị hàng quán án ngữ. Bên trong, nhiều hạng mục bằng gỗ tạp, qua thời gian đã bị mối mọt, hư hỏng…

Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư 30,23 tỷ đồng để quy hoạch, trùng tu một số hạng mục của 8 di tích trên địa bàn huyện gồm: đình và văn chỉ Bát Tràng; chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn); đình, đền, chùa Kiêu Kỵ; chùa Bà Tấm; đình, đền, chùa Phú Thị; đền, chùa Phù Đổng; chùa Nành (xã Ninh Hiệp) và chùa Lệ Mật, phường Việt Hưng (Long Biên). Sau khi trùng tu, các di tích sẽ được đưa lên bản đồ du lịch huyện Gia Lâm với tour Bát Tràng - Đa Tốn - Kiêu Kỵ - Dương Xá - Phú Thị - Ninh Hiệp - Việt Hưng và ngược lại. Trong tour du lịch hấp dẫn này sẽ có nhiều điểm dừng chân thú vị như nhà hàng chả cá Đa Tốn với các món lươn, tôm, cua, ốc… do nghệ nhân chả cá Lã Vọng đảm nhiệm, nhà hàng sữa tươi, bò nướng Phù Đổng, nhà hàng đặc sản rắn Lệ Mật…

Theo đánh giá của ông Nghiêm Vĩnh Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á thì việc đưa các di tích lên bản đồ du lịch sẽ "làm cho mọi người thấy được phần nào giá trị đích thực của di sản văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm nói riêng, Hà Nội nói chung chứ không chỉ có "trở ra Văn Miếu, trở vào Hồ Gươm như mọi người thường nghĩ". Cũng theo ông Nghiêm Vĩnh Hải thì khai thác giá trị của 8 di tích trên bằng cách trồng hoa, cây cảnh, bán vé tham quan, vận chuyển, bán hàng lưu niệm sẽ thu về khoảng 22 tỷ đồng/năm. Như vậy, chỉ mất chưa đầy 2 năm, là tiền đầu tư sẽ được thu hồi, còn số lãi trong những năm tiếp theo sẽ dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, trả tiền cho người trông coi, quản lý, nghiên cứu về di tích, hỗ trợ người nghèo…

Nhưng phải cẩn trọng

Nói về dự án táo bạo này, ông Nghiêm Vĩnh Hải cho biết: Sẽ có khó khăn khi triển khai dự án do nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của một số người dân vẫn còn hạn chế; do nhiều di tích đã bị phá vỡ kiến trúc, cảnh quan hỗn tạp nửa tây, nửa ta, rất khó chỉnh trang. Tuy nhiên, tại một cuộc hội nghị quốc tế về maketting trong lĩnh vực văn hóa, các chuyên gia thế giới đã nhận xét: "Maketting di sản văn hóa Việt Nam chưa được áp dụng thật sự khoa học, bài bản nên chưa phát huy được hiệu quả", vì thế chúng tôi tin tưởng rằng nếu làm tốt công tác maketting, các di tích sẽ phát huy được hiệu quả như mong muốn".

Đây là dự án hay, nếu triển khai đúng hướng, di tích không những được bảo vệ, phát huy, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của Thủ đô tới bạn bè trong nước, quốc tế. Nhưng nếu triển khai không đúng hướng hoặc các đơn vị đầu tư tìm mọi cách để thu lãi từ di tích một cách thái quá sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Trường hợp Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên Bắc Khuyết đài, ngay cổng sau Hoàng thành Huế biến thành quán cà phê đang bị dư luận lên án gay gắt là một ví dụ điển hình. Theo những người trong cuộc thì đây là một cuộc thử nghiệm tạo ra "cuộc sống" cho di tích, nhưng thử nghiệm theo kiểu này thì e hơi mạo hiểm vì ngay chính ở Huế, di tích Triệu Miếu trong Đại Nội đã có thời bị sử dụng làm nhà hàng. Rồi ở Vũng Tàu, ăngten viba trên Núi Lớn hệ thống ra đa hiện đại bậc nhất Đông Dương do quân đội Mỹ dựng năm 1967 cũng đang bị "xé nhỏ" thành nhà hàng, khách sạn…

Phương án lấy di tích nuôi di tích đang được các ngành chức năng khuyến khích nhưng khai thác sao cho hợp lý, hiệu quả mà vẫn giữ được không gian và bản sắc văn hóa tâm linh của di tích phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của những người đầu tư, khai thác nó. Quan trọng là liều lượng, cách thức khai thác phải phù hợp. Chứ quá đà là thành "xâm hại", "xẻ thịt" di tích như bỡn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kheo khéo, kẻo quá đà...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.