Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Quỳnh Đô

TUYETMINH| 02/08/2005 14:31

(HNMĐT) - Làng Quỳnh Đô tên Nôm là Giả Quỳnh hay Kẻ Đô. Đầu thế kỷ XIX, làng cũng là một xã của tổng Cổ Điển, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với làng Vĩnh Ninh thành xã Vinh Quỳnh.

(HNMĐT) - Làng Quỳnh Đô tên Nôm là Giả Quỳnh hay Kẻ Đô. Đầu thế kỷ XIX, làng cũng là một xã của tổng Cổ Điển, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với làng Vĩnh Ninh thành xã Vinh Quỳnh.

Trong kháng chiến chống Pháp, xã Vĩnh Quỳnh lần lượt các nằm trong xã Việt Hưng, Đại Hưng (gồm 11 làng), đến tháng 7- 1956, liên xã Đại Hưng được chia thành 3 xã, trong đó có xã Đại Hưng gồm các thôn: Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô và Ích Vịnh, năm 1968 đổi là xã Vĩnh Quỳnh. Năm 1926 làng có 1130 nhân khẩu. 

Quỳnh Đô nằm ở vị trí giao thông thủy bộ quan trọng. Về đường bộ, làng nằm trên một nhánh đường Thiên Lý từ phía Nam rẽ về các làng : Ngọc Hồi, Yên Kiện, Lạc Thị, Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô, nối với đường 70 từ thị xã Hà Đông- Văn Điển, rồi lại theo đường Cầu Tiên- Quán Sét, lên Chợ Mơ vào Thăng Long. Về đường thủy, làng nằm bên bờ sông Tô Lịch. Bến Quỳnh Đô xưa kia rộng rãi, bằng phẳng, kề cận sông rộng (thuyền có trọng tải một vài tấn đều đi được), có Cầu Giả (cầu Quỳnh Đô) xây bằng gạch bắc qua, vừa để nhân dân đi lại thuận tiện, vừa tạo ra nét đẹp duyên dáng, mềm mại cho dòng sông. Sông đã rộng, nước lại vừa trong và mát, hợp cùng với làng xóm, ruộng đồng thành một cảnh quan thơ mộng. Nhiều người coi bến Quỳnh Đô chính là Bến Thanh Trì- một trong “Thăng Long bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Thăng Long) mà người Thanh (Trung Quốc) từng vịnh thơ ca ngợi cuối thế kỷ XVIII. Với vị trí đẹp và thuận tiện này nên suốt thời Lê (1428 - 1787), làng Quỳnh Đô là lỵ sở của huyện Thanh Trì. 

Dân làng Quỳnh Đô sống bằng nông nghiệp, ngoài ra còn đánh bắt tôm cá trong đồng trũng. Nhờ có nguồn tôm cá này mà làng có nghề làm nước mắm với sản phẩm có uy tín trong vùng (“Nước mắm Kẻ Đô, cá rô Đầm Sét”). 

Người làng Quỳnh Đô có truyền thống thượng võ. Đây là đất vật nổi tiếng (“Lò vật Quỳnh Đô, giỏ cua Cổ Điển”). 

Làng Quỳnh Đô có ngôi đình thờ vọng Tô Hiến Thành (? - 1179) - vị Thái úy Phụ chính thời Lý, dưới hai triều Anh Tông (1138 - 1175) và Cao Tông (1176 - 1179) và ngôi chùa Linh Thông dựng từ thời Lê nhưng được sửa chữa nhiều vào thời Nguyễn. Cả đình và chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa (năm 1989).

Một bộ phận lớn diện tích đồng ruộng làng Quỳnh Đô nằm trong khu vực Đầm Mực - địa danh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30 - 01 - 1789), quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy công phá đồn Ngọc Hồi, quân Thanh đại bại, một bộ phận lớn quân địch tháo chạy tán loạn theo đường cái quan về Quỳnh Đô, Ích Vịnh; bị quân của Đô đốc Bảo ém ở làng Đại Áng hành quân lên chặn lại; một cánh khác chạy về hướng Văn Điển bị một cánh quân khác từ Yên Duyên hành quân theo bờ đê sông Hồng đón lõng, phải bật trở lại. Quân Thanh ở cả hai hướng này bị dồn vào Đầm Mực (phía Tây làng Quỳnh Đô) và bị tiêu diệt gần hết. Quân Tây Sơn thừa thắng, tiến vào Khương Thượng - Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết.

T.S Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Quỳnh Đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.