Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Thượng Phúc

TUYETMINH| 09/08/2005 08:26

(HNMĐT) - Làng Thượng Phúc nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), vốn là hai làng Nguyễn Thượng và Ngũ Phúc (có tên Nôm là làng Hạ). Đầu thế kỷ XIX, hai làng này là hai thôn độc lập thuộc xã Hạ Thanh Oai, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.

(HNMĐT) - Làng Thượng Phúc nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), vốn là hai làng Nguyễn Thượng và Ngũ Phúc (có tên Nôm là làng Hạ). Đầu thế kỷ XIX, hai làng này là hai thôn độc lập thuộc xã Hạ Thanh Oai, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), các quan trấn Bắc Thành đề nghị cho nhập hai thôn này thành một thôn mang tên Thượng Phúc. Đây là một làng đông dân (năm 1926, làng có 2092 nhân khẩu).

Theo “Lư sử điển yếu điều lệ” do Ngô Thì Nhậm soạn năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thì làng được hình thành từ lâu, đến giữa thế kỷ XV, một bộ phận tù binh Chiêm Thành bị đày ra đây khai khẩn vùng đất trũng, mở mang làng xóm.

Thượng Phúc xưa kia là một làng nông nghiệp chiêm trũng. Đồng quanh năm ttrắng nước, việc cấy lúa rất vất vả, không chắc ăn. Vào năm 1939, chính quyền thuộc địa Pháp đã cho nắn đoạn sông Nhuệ, từ địa phận làng Siêu Quần xuống làng Đan Nhiễm, làm cho nước của con sông này thoát nhanh hơn vào mùa mưa lũ. Đồng ruộng của Thượng Phúc và 16 làng trong vùng (tiêu nước dễ hơn, nạn úng lụt đã giảm đáng kể, việc làm ruộng thuận tiện hơn. Ngoài làm ruộng, dân làng còn khai thác nguồn thủy sản dồi dào trong đồng chiêm trũng, kết hợp buôn bán.

Làng Thượng Phúc có chùa Bảo Tháp, dân gian thường gọi là chùa Bồ Tát. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền do Nhà sư Lý Thầm - em trai Vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224) dựng nên rồi tu hành tại đây. Điều này còn được minh chứng qua một số câu đối ở cột đồng trụ của Tam bảo chùa.

Đến gần cuối đời Trần, có một vị Cao tăng họ Hồ, dòng dõi hoàng thân quốc thích đã từ bỏ bổng lộc, quan tước về đây tu hành. Ngoài việc bỏ tiền của để tu tạo chùa, vị Cao tăng này còn chiêu tìm hàng trăm trẻ mồ côi, những người già nua không nơi nương tựa về nuôi dưỡng, trẻ em được cho ăn họ. Tiếng tăm của Hòa thượng đồn xa khắp mọi nơi. Biết ơn Hòa thượng, dân làng, nhất là những người cô quả đã tạc tượng sống Ngài. Khi Hòa thượng đắc đạo, được nhân dân và triều đình suy tôn là Bồ Tát và gọi chùa Bảo Tháp theo tên được tôn vinh của Ngài. Về sau, có vị Minh Từ Hoàng Thái hậu của Vua Trần về đây lánh nạn giặc Chiêm Thành tàn phá Kinh đô. Thấy Bà là người nhân đức, mộ đạo, Hòa thượng đã giao chùa cho Bà, rồi Ngài cho lập ngay hỏa đàn, trèo lên đàn tụng kinh và sai các đệ tử châm đàn. Lửa cháy rừng rực bốn bề mà Bồ Tát vẫn điềm nhiên đọc kinh Đại Tạng rồi toàn thân Ngài hóa thành than. Hôm đó là ngày 14 tháng Tư, nên hàng năm, dân làng và quanh vùng lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ Chùa. Cho đến ngày nay, dân làng Thượng Phúc và trong vùng vẫn tế Bồ Tát bằng bài thơ Nôm thể lục bát.

Sau khi Bồ Tát hỏa thiêu, bà Hoàng Thái hậu trở thành Ni sư sớm hôm đèn nhang thờ Phật, trông nom và mở mang chùa. Dân làng Thượng Phúc kính phục Bà, xin được lập sinh từ ở mé trước chùa để thờ phụng sau này. Ba năm sau, có lệnh Bà phải về Kinh đô. Trước lúc về Kinh, Bà Thái hậu mở yến tiệc đãi dân làng vào ngày 16 tháng Hai. Tiệc đang vui thì Thái hậu trúng gió và qua đời.Vua Trần nghe tin, lệnh cho làng Thượng Phúc thờ Thái hậu làm Phúc thần cùng với Bồ Tát, tại cả chùa và đình (được lập về sau).

Đối chiếu với ghi chép trong chính sử (sách Đại Việt sử ký toàn thư) thì thấy, việc quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga chỉ huy vào tàn phá Kinh đô Thăng Long diễn ra vào năm Tân Hợi - 1371 dưới thời Vua Trần Nghệ Tông. Vì thế, bà Thái hậu về lánh nạn ở chùa Bảo Tháp làng Thượng Phúc chính là vợ Vua Nghệ Tông và là cô ruột của Hồ Quý Ly. Chút ít tư liệu này góp phần bổ sung lịch sử phong phú của Thăng Long- Hà Nội đời Trần.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Thượng Phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.