Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Vĩnh Ninh

TUYETMINH| 24/08/2005 08:52

(HNMĐT) - Làng Vĩnh Ninh xa xưa có tên là trang Vĩnh Hưng Đặng, nên còn có tên Nôm là Kẻ Đặng. Đầu thế kỷ XIX là một xã đứng đầu tổng (tổng Vĩnh Hưng Đặng gồm 5 xã : Vĩnh Hưng Đặng, Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Bảo và Vĩnh Hưng Trung) thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông).

(HNMĐT) -Làng Vĩnh Ninh xa xưa có tên là trang Vĩnh Hưng Đặng, nên còn có tên Nôm là Kẻ Đặng. Đầu thế kỷ XIX là một xã đứng đầu tổng (tổng Vĩnh Hưng Đặng gồm 5 xã : Vĩnh Hưng Đặng, Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Bảo và Vĩnh Hưng Trung) thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Cuối thế kỷ XIX, xã Vĩnh Hưng Đặng đổi thành Vĩnh Ninh, tên tổng cũng được đổi theo tên xã. Năm 1926 làng có 1645 nhân khẩu.

Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với làng Quỳnh Đô thành xã Vinh Quỳnh. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Vĩnh Quỳnh nằm trong xã Việt Hưng, Đại Hưng (gồm 11 làng), đến tháng 7- 1956, liên xã Đại Hưng được chia thành 3 xã, trong đó có xã Đại Hưng gồm các thôn: Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô và Ích Vịnh, năm 1968 đổi là xã Vĩnh Quỳnh.

Tục truyền, làng Vĩnh Ninh hình thành từ thời Hùng Vương (di chỉ khảo cổ học Chùa Thông có niên đại 2400 năm cách ngày nay, nằm sát làng góp phần chứng minh điều đó). Theo thần phả thì vào thời Hùng Vương thứ sáu, dân làng đã theo Xà Công và Bạch Công đánh giặc Ma Lôi và Xích Tỵ (giặc Mũi Đỏ). Cả hai vị được dân làng thờ làm thanh hoàng. Thực ra, hai vị thành hoàng vốn là các vị thần liên quan đến việc thờ thần nước (Xà Công = Ông Rắn) và thần đất (Bạch Công = Ông Đất - Thổ Địa) - vốn là biểu hiện tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp ruộng nước.

Năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đập tan ách đô hộ của nhà Hán, thu lại 65 thành trì rồi lên làm vua. Hai Bà đã về làng Vĩnh Ninh, gặp người con gái làng là Nàng Tía, có tài thao lược, liễn vời về triều, giao nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị đánh địch. Năm 43, quân Hán do Mã Viện chỉ huy sang chiếm lại nước ta. Nàng Tía được Hai Bà Trưng giao chỉ huy một cánh quân lớn chặn địch ở cửa biển Thần Phù. Bà đã chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh tại đây. Dân làng thương tiếc lập đền thờ, sau đưa về đình thờ làm thành hoàng.

Dân làng Vĩnh Ninh chủ yếu sống bằng làm ruộng và khai thác nguồn thủy sản trong đồng trũng. Một số buôn bán ở nội thành, phố Văn Điển và các chợ trong vùng.

Làng Vĩnh Ninh sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Từ cuối năm 1938, tại đây đã có một số thanh niên, giáo chức và cả chức dịch tiến bộ giắc ngộ cách mạng. Tháng 4 - 1940, khi cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ đóng tại Nam Hoài Đức (nay thuộc tỉnh Hà Tây) bị lộ, thì Vĩnh Ninh là nơi trú chân của một bộ phận cơ quan Xứ. Một Tỉnh ủy viên Hà Đông trong vai một thầy lang chữa bệnh đã đến Vĩnh Ninh, dựa vào mối quen biết với một viên Chánh tổng người làng này đã mở cửa hiệu thuốc Bắc tại đây, làm trạm liên lạc của Xứ ủy. Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy từng đến đây trong vai con bệnh để bàn với các cán bộ của Xứ để bàn các công việc chung. Từ cửa hiệu thuốc Bắc này, Xứ ủy đã xây dựng được trạm liên lạc của Xứ tại một quán cơm ở phố Văn Điển, để chỉ đạo phong trào cách mạng ở huyện Thanh Trì.

Vĩnh Ninh là quê hương của Thượng tướng Vương Thừa Vũ - một vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Vĩnh Ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.