Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Nhân Hòa

TUYETMINH| 29/11/2005 17:10

(HNMĐT) - Làng Nhân Hòa nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Lúc đầu gọi là trang Lữ Xuyên (hay Lữ Xuân); cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đổi tên thành Phú Điền và là một xã độc lập thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Thời Minh Mạng (1820 - 1841), làng được đổi tên thành Nhân Hòa, và thuộc tỉnh Hà Nội (năm 1902 đổi tên phần đất ngoại thành làm tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 lại đổi làm tỉnh Hà Đông).

(HNMĐT) - Làng Nhân Hòa nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Lúc đầu gọi là trang Lữ Xuyên (hay Lữ Xuân); cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đổi tên thành Phú Điền và là một xã độc lập thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Thời Minh Mạng (1820 - 1841), làng được đổi tên thành Nhân Hòa, và thuộc tỉnh Hà Nội (năm 1902 đổi tên phần đất ngoại thành làm tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 lại đổi làm tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Nhân Hòa nhập với các làng Tả Thanh Oai, Siêu Quần, Thượng Phúc thành xã Đại Thanh thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1965, xã Đại Thanh đổi tên thành Tả Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây (từ cuối năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình). Đầu năm 1979, xã được chuyển về huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Theo cuốn “Lư sử điển yếu điều lệ” - sách chữ Hán do nhóm Ngô gia văn phái soạn vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794), Tiến sĩ triều Lê Nguyễn Đăng Sớ viết lời tựa, hiện còn lưu ở đình làng Tả Thanh Oai thì trang Lữ Xuyên - làng Nhân Hòa do các tù binh Chiêm Thành bị bức ra đây từ thời Lý để khai thác vùng đất trũng - nơi hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Qua bao thế kỷ, di duệ của những người Chăm đã hòa huyết, hòa đồng với người Việt sở tại để tạo lập nên làng xóm trù phú. Dấu ấn Chăm Pa còn lại rất mờ nhạt. Cơ cấu tổ chức, các sinh hoạt văn hóa của dân làng mang đậm phong cách người Việt.

Nhân Hòa là một làng nhỏ, năm 1926 chỉ 462 nhân khẩu. Dân đinh trong làng được chia làm hai giáp : giáp Hậu và Giáp Hữu. Dân làng sống chủ yếu bằng trồng lúa và khai thác các nguồn thủy sản trong đồng trũng.

Đình làng Nhân Hòa dựng vào thời Lê - Trịnh, thờ hai vị thành hoàng là : Phương Dung Hoàng Thái hậu thời Lý Triệu Thị Lã và Đông Hải đại vương Đoàn Thượng - một thế lực quân sự mạnh vào cuối thời Lý. Có ý kiến cho rằng, bà Phương Dung Hoàng Thái hậu Triệu Thị Lã là Nhũ mẫu của Vua Lý Huệ Tông (cuối thế kỷ XII) và có công giúp đỡ cả Đoàn Thượng. Tại đình làng hiện còn đôi câu đối nói về việc này. Hai vị thành hoàng được các triều vua phong 38 đạo sắc hiện còn lưu trong đình. Đạo sớm nhất vào năm Đức Long thứ tư (1632).

Làng Nhân Hòa có ngôi chùa Phúc Lâm khá khang trang. Giá trị nhất của chùa là còn lưu hai tấm bia gắn với sự nghiệp của Lê Thời Hiến - vị tướng tài thời Lê - Trịnh. Bia “Bảo Đức bi ký” soạn vào niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1727), nói về đức độ, tài năng của Lê Thời Hiến và đóng góp của vợ ông - bà Quận chúa) với chùa. Tấm bia thứ hai “Phúc Lâm tự, khâm minh văn” soạn năm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706) nói về đóng góp của dân làng, các quý tộc, trong đó có gia đình Lê Thì Hiến trong việc tu bổ chùa.

Cả đình và chùa Nhân Hòa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa (năm 1992).
Làng Nhân Hòa còn một di tích là đền Nghĩa. Theo bia “Tân tạo Nghĩa điền kim bi” soạn năm Thịnh Đức thứ hai (1654), hai giáp Hữu và Hậu thuộc xã Lữ Xuyên dựng đền này để thờ Tín chủ là bà Nguyễn Thị Ngọc Quyến và Thượng tướng quân Đô Chỉ huy sứ ty Nguyễn Quý Công, tự Phúc Thuận đã hiến cho làng 4 mẫu 7 sào ruộng và vườn, chia đều cho 2 giáp cày cấy. Hàng năm 2 giáp cúng giỗ ông bà theo ghi trong văn bia.

TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Nhân Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.