Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ Hát phiên tất niên

Nguyễn Mai| 30/01/2011 07:30

(HNM) - "Anh về hái đậu, trẩy cà/Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên". Đến hẹn lại lên, ngày 27 tháng Chạp hằng năm, phiên tất niên chợ Hát (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) lại tấp nập. Người dân các vùng Phúc Thọ, Đan Phượng, Sơn Tây, Thạch Thất... rộn ràng, náo nức về chợ. Không dừng lại ở chuyện bán mua, chợ Hát ngày cuối năm còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đẹp của người dân vùng bãi ven sông Hồng.

Người dân sắm Tết tại phiên chợ Hát. 

Chợ Hát tháng họp sáu phiên, một năm có trên bảy mươi phiên nhưng có lẽ phiên chợ tất niên ngày 27 tháng Chạp là vui nhất. Thuở nhỏ, tôi thường lon ton theo mẹ đi chợ Hát. Từ những ngả đường, mọi người tấp nập đến chợ, người gánh kĩu kịt nào bưởi, nào chuối, người thì cau, trầu, gà vịt, lợn con.... Mới sáng sớm nhưng chợ đã đông nghịt, người bán, kẻ mua. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ như tôi ríu rít bên hàng quần áo, còn hàng cau, trầu thu hút các bà, các cô.

Đất Hát Môn không chỉ là nơi Bà Trưng đánh giặc mà còn là miền quê đặc trưng sản xuất nông nghiệp từ nghìn năm. Chính vì vậy, những phiên chợ Hát, hàng nông sản tràn ngập. Cau, trầu, rau, thịt, măng, miến... được bày bán khắp chợ. Nhưng có lẽ hàng chuối, hàng bưởi, hàng quất, hàng hoa - những thứ không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên là nhiều hơn cả. Qua dãy hàng bán bưởi, chuối, gạo nếp, lá dong đã như thấy được mùi vị của mùa xuân quanh mình. Như đã thành thói quen, sau khi mua đồ lễ, thực phẩm cho ngày Tết, nhiều người dừng lại ở hàng bún của bà Nhiên Ngát, hàng đậu phụ nhà bà Đào Mài, chị Lương Việt. Đó là những hộ làm bún, làm đậu phụ ngon có tiếng ở làng. Dãy hàng hoa, cây cảnh thu hút cánh nam giới nhiều hơn. Người khệ nệ chở cây về, người đắn đo chọn lựa. Bên cạnh hàng hoa là dãy hàng câu đối. Những nét chữ uốn lượn được các "nghệ sĩ nông dân" thể hiện một cách tinh tế… Không khí bán mua náo nhiệt, lời mời chào, mặc cả lao xao, lời thăm hỏi của những người thân quen đã lâu mới có dịp gặp nhau nhờ phiên chợ Tết khiến chỗ nào cũng rộn rã…

Các cụ cao niên trong làng nói, chợ Hát có từ bao giờ thì không ai rõ. Chỉ biết rằng chợ có từ lâu lắm rồi đã qua nhiều lần di chuyển địa điểm nhưng mỗi lần chuyển, chợ lại thêm lớn, thêm sầm uất và giờ đây đã trở thành nơi giao lưu, buôn bán không chỉ của người dân Hát Môn mà còn là nơi tụ hội của người dân cả một vùng rộng lớn ven sông Hồng. Từ sau rằm tháng Chạp, chợ đã bắt đầu sôi động, nhưng đông nhất là phiên tất niên. Không chỉ người trong xã, rất nhiều người từ xã lân cận trong huyện đến, rồi người từ Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây về, người vượt sông Hồng từ tỉnh Vĩnh Phúc sang… lên đến hàng nghìn. Người đi bán, mua hàng Tết nhiều và người đi chơi chợ, xem chợ để tận hưởng không khí Tết cũng lắm. Vào những ngày này, người bán hàng đã phải ra chợ từ 1-2 giờ sáng để "chọn chỗ" và ngồi "giữ chỗ". Từ tờ mờ sáng, người bán và mua đã tấp nập, kéo dài tới tận chiều tối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chợ Hát phiên tất niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.