Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắt chặt chi tiêu, vẫn… thiếu

Nguyên Hạnh| 26/03/2011 07:45

(HNM) - Lấy lý do giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (thịt, rau, trứng…) tại các chợ lẻ liên tục


"Bão giá" tại chợ


Người tiêu dùng phải lựa chọn, đắn đo trước khi mua hàng.


Hiện nay, giá rau, củ, cá… tại hầu hết các chợ lẻ thuộc các quận 1, 5, 10, Tân Bình làm người tiêu dùng "tái mặt". Chẳng hạn, giá một số mặt hàng tại các chợ Lê Hồng Phong (quận 10), Bùi Văn Ba (quận 7), chợ Nhà Bè (huyện Nhà Bè): dưa leo từ 15.000-17.000 đồng/kg; cà chua 8.000-10.000 đồng/kg; cà rốt: 15.000-20.000 đồng/kg; rau tần ô: 22.000-25.000 đồng/kg; thịt heo đùi dao động từ 75.000 tới 85.000 đồng/kg. Trong vài ngày gần đây, giá một số loại rau, củ tăng từ 2.000 tới 5.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP cho rằng giá xăng, dầu tăng cao đột ngột nên họ phải tăng phí vận chuyển. Chị Bé Năm, tiểu thương chuyên doanh rau tại chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ: "Mỗi chuyến rau, củ chuyên chở từ Đà Lạt, hoặc các tỉnh miền Tây về tôi phải trả thêm từ 200.000 đến 400.000 đồng. Riêng trong khu vực nội thành, các bạn hàng tại chợ lẻ cũng trả thêm 40.000-50.000 đồng/chuyến hàng".

Tại các KCN-KCX, nơi tập trung hàng ngàn công nhân lao động phổ thông, tình trạng tăng giá các mặt hàng đã đánh trực tiếp vào bữa cơm hằng ngày của từng người. Theo chị Nguyễn Thị Lệ, công nhân KCX Tân Thuận, quận 7: "Bình thường, tôi và 4 chị em cùng phòng chỉ cần mua khoảng 25.000 đồng rau, thịt, nhưng nay cũng với lượng rau, thịt này phải mất 40.000 đồng. Tăng thêm tiền nhưng không tăng dinh dưỡng".

Trong khu nhà công nhân chật chội, ẩm thấp thuộc khu dân cư Bắc Lương Bèo, quận Bình Tân, chị Ngọc - công nhân giày da thuộc Công ty Pounchen, đang hì hụi nấu bữa cơm chiều. "Vài ngày nay, món ăn gì cũng tăng giá thành ra chúng tôi thường ăn rau cho đỡ tốn kém. Mà rau cũng không rẻ, giá tăng 500 -1.000 đồng/bó". Dọc theo tuyến Quốc lộ 1A chạy qua KCN Tân Tạo, hàng chục người bán hàng rong tự phát quây quần thành một khu chợ lề đường. Nhộn nhịp nhất là vào giờ tan ca, khoảng 16-18h tối hằng ngày. "Giá các mặt hàng tại đây khá rẻ, phù hợp với mức sống của người dân lao động. Tuy vậy, khoảng hơn một tuần nay, giá mỗi mặt hàng đều nhích dần lên. Tuần trước, 4 trái bầu có giá 10.000 đồng, nay cũng 10.000 đồng nhưng chỉ mua được 2 trái nhỏ; hay dưa chuột, giá từ 4.000-5.000 đồng/kg, nay nhảy vọt lên 6.000 đồng/kg - anh Lê Văn Thanh, nhân viên văn phòng KCN Tân Tạo chia sẻ.

Doanh nghiệp dự tính tăng giá

Nhóm hàng trong diện bình ổn giá được người dân tìm mua triệt để. Trái với diễn biến giá cả leo thang ngoài chợ lẻ, các mặt hàng bán tại siêu thị có giá ổn định, thu hút người mua. Chẳng hạn, tại hệ thống siêu thị Co.opMart, Vinatex… người dân tìm mua đường, dầu ăn, mặt hàng đông lạnh tăng từ 10-15%. Do vậy, siêu thị buộc phải giới hạn số lượng mua hàng của từng người dân, tránh tình trạng đầu cơ. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng (siêu thị BigC, cửa hàng Co.op Food…) còn tăng cường các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, giúp người dân có thêm cơ hội mua hàng giá rẻ.

Tuy vậy hầu hết các DN tham gia bán hàng giá bình ổn đang đứng trước nhiều khó khăn, đang bán lỗ, đặc biệt là áp lực tăng giá. Đại diện Công ty CP Thành Công cho biết, bình quân mỗi cân đường, công ty lỗ khoảng 6.000 đồng (giá nhập 24.000 đồng/kg, bán giá bình ổn 18.000 đồng/kg), dầu ăn lỗ khoảng 9.500 đồng … Tương tự, đại diện Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng "kêu": hiện giá trứng thu mua tại trại tăng thêm 300 đồng/quả, ở mức 1.500 đồng, cộng các chi phí (xử lý, vận chuyển, bao bì…) mà chỉ bán với giá 2.100 đồng/quả như hiện tại sẽ bị lỗ nặng. Theo đó, nếu điều chỉnh giá vào đầu tháng 4 sẽ tăng khoảng 20%. Ngay cả Công ty Vissan, cũng vừa có công văn gửi UBND TP về việc sẽ tăng giá khoảng 15% các mặt hàng bình ổn. Như vậy, nhiều công ty tham gia bình ổn thị trường đều đã "phát tín hiệu" tăng giá vào đầu tháng 4 ở mức từ 15 tới 20%.

Trao đổi với báo chí về việc một số DN dự kiến tăng giá vào đầu tháng tới, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP cho rằng việc tăng giá các mặt hàng phải được tính toán một cách hợp lý, kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm giá bán hàng bình ổn phải thấp hơn giá thị trường. "Không thể chấp nhận tình trạng giá hàng bình ổn lại bằng, thậm chí cao hơn thị trường. DN tham gia bình ổn giá cũng phải tính đến lợi nhuận, nhưng không thể cộng hết tất cả chi phí đưa vào giá bán giống như các đơn vị khác được" - bà Hồng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt chi tiêu, vẫn… thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.