Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dương Bình Nguyên tiếp tục “nóng” với “Chuyện tình Paris”

Tuyết Minh| 27/09/2010 11:07

(HNMO)- Tại gian hàng Bách Việt ở Triển lãm - Hội chợ Sách Quốc tế lần thứ III vừa qua, trong buổi ký tặng sách “Chuyện tình Paris” của Dương Bình Nguyên - tác giả của tiểu thuyết “Giày đỏ” đã thu hút hàng trăm độc giả mến mộ, gần 200 độc giả “xúm xít”xin chữ ký của tác giả “Chuyện tình Paris” vừa chính thức phát hành.

Nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên - tác giả tập truyện ngắn "Giày đỏ" gây sốt trên văn đàn (2007).


(HNMO)- Tại gian hàng Bách Việt ở Triển lãm - Hội chợ Sách Quốc tế lần thứ III vừa qua, trong buổi ký tặng sách “Chuyện tình Paris” của Dương Bình Nguyên - tác giả của tiểu thuyết “Giày đỏ” đã thu hút hàng trăm độc giả mến mộ, gần 200 độc giả “xúm xít”xin chữ ký của tác giả “Chuyện tình Paris” vừa chính thức phát hành.


Theo tiết lộ của công ty sách Bách Việt – đơn vị phát hành “Chuyện tình Paris”, chỉ sau 3 ngày Hội chợ sách Quốc tế, “Chuyện tình Paris” đã tiêu thụ được là 762 bản. Đây là một điều vui mừng báo hiệu cuốn sách này sẽ được tái bản trong tương lai gần.

Ngoài ra, trên diễn đàn mạng xã hội Facebook, tác giả “Giày đỏ” – bút danh của Dương Bình Nguyên cũng được bạn đọc khắp nơi “comment” chúc mừng. Tốc độ lan truyền về cuốn tiểu thuyết mới của Dương Bình nguyên nhanh đến…chóng mặt. Không ít bạn bè ở xa, kể cả ở nước ngoài cũng gửi tin nhắn “đòi” gửi tặng sách. Tác giả “Giày đỏ” chia sẻ: “ Xen lẫn niềm vui vì tác phẩm mới của mình được mọi người đón nhận nồng nhiệt, tôi cũng không ít lần ”méo mặt” rút ví trả tiền gửi tặng sách cho các bạn mình ở tỉnh khác vì các bạn ….đòi tặng dữ quá! (Cười)”.



“Chuyện tình Paris” với 11 truyện ngắn trong tập truyện chưa đầy 200 trang, dường như đã được Dương Bình Nguyên nhẹ nhàng xâu thành một chuỗi chuyện tình, và viết theo dòng cảm xúc đậm mạnh ấn tượng, giữ nguyên giọng riêng cho văn xuôi truyện ngắn của chính mình.

Có lẽ bởi vậy mà hầu như không một truyện nào có cốt truyện ly kì lắt léo, cố tình cài đặt duy lý, rõ rành, hoặc sắp xếp khôn khéo. Và cũng không ngẫu nhiên, tên truyện ngắn nào (và ngay tên tập truyện), cũng váng vất êm xuôi như tên một bài thơ tình: “Trời cao trong vắt”, “Người con gái không đợi nơi đầu dốc”, “Hoa phù du”, “Đôi giày đỏ đã mất”, “Không khóc ở Hà Nội”, “Tháng ngày xanh biếc” vv… Người đọc cũng có dịp “tái ngộ” với “Giày đỏ”, người đã gợi lên bao câu hỏi cho Dương Bình Nguyên khi tập truyện ngắn trước đó của anh được xuất bản. “Giày đỏ” là ai? “Giày đỏ là có thật?”. Nhưng dù bạn có ý định thắc mắc gì thêm nữa, thì, nhân vật đi giày đỏ ấy có thể là rất nhiều, nhưng cũng có thể là một người. “Bóng dáng của "Giày đỏ" có thể là ở đâu đó, có thể ngay bên cạnh bạn, có thể cùng tôi đi một chặng đường dài hoặc ở một nơi nào đó mà tôi chỉ mơ thấy mà thôi. Nếu coi "Giày đỏ" là một hình bóng như thế, có lẽ "Giày đỏ" sẽ mơ hồ và quyến rũ hơn”. Với Nguyên, đơn giản chỉ là như vậy.

Mỗi truyện ngắn trong tập truyện này đều là một chuyện tình buồn. Không có dáng vẻ vui tươi rộn ràng, mà tất cả chỉ là những chuyện tình rất nhiều đắm đuối và phiền muộn, âu lo, cùng nhiều lỡ dở, trái ngang. Tất cả cung cách viết truyện ngắn này hoàn toàn ứng với lối văn tự sự theo kiểu riêng của Dương Bình Nguyên, khi Nguyên chọn một giọng kể thầm thì như gió thoảng, rất xa lạ (hay chính Nguyên cũng dị ứng) với việc cao giọng giảng giải hoặc triết lý vụn trong văn chương truyện ngắn. Dường như chủ thể viết cứ để mặc cho mình trôi theo dòng cảm xúc của cái tôi tác giả, nhiều khi nhòa lẫn với cái tôi nhân vật, trong một kiểu tâm trạng thơ, quán xuyến, xuyên suốt từ truyện ngắn đầu đến truyện ngắn cuối tập truyện. Chính điều này đã khiến cho mỗi truyện ngắn của tập truyện này lại có thể cho bạn đọc cảm nhận hao hao như đọc một phân đoạn trong cả tiểu thuyết. Và những truyện ngắn như những ngọn đèn rọi vào góc khuất trong tâm hồn Nguyên, một tâm hồn trẻ thơ trong dáng vẻ đàn ông ngổ ngáo, phong trần, bụi bặm.

Đi hết 11 truyện viết theo kiểu của Nguyên, có thể không gặp, (hay không nhất thiết phải gặp) nhân vật “ra tấm, ra miếng”, theo cách quan niệm cổ điển, kể cả nhân vật “Giày Đỏ” được Nguyên dựng chân dung khá là góc cạnh. Nhưng “tâm trạng khi yêu” của nhân vật trong chuyện tình Nguyên kể, thì vẫn mắc kẹt đâu đó trong trái tim độc giả, cùng nỗi buồn sáng, trong trẻo và lặng lẽ như nước mắt rưng rưng khi ký ức trở về…

Trong văn chương, Nguyên cũng đanh đá, ngoa ngoắt, chao chát, đành hanh như một con mụ lắm điều, và thảng hoặc, trưng ra một bộ mặt bất cần, trơ tráo. Dường như, văn phong của Dương Bình Nguyên thiên về cảm xúc hơn là dụng công dựng nghệ thuật cho một câu chuyện. Việc bút pháp thế nào không là điều quan trọng, miễn là tìm cho mình một cốt truyện, một mạch chảy, rồi nhân vật sẽ tự nhiên thành hình. Hoặc chỉ cần một nhân vật trung tâm, câu chuyện sẽ bắt đầu xoay quanh nó. Viết thế này cũng tốt, nhưng lâu dần sẽ dể cũ dần đi, nếu không còn cảm xúc để viết nữa thì đáng sợ. Sẽ vất vả bắt trí tưởng tượng đơn thương độc mã suốt một cuộc hành trình, mà với một nhà văn, tâm thức chỉ là một phần trong công việc.

Nhà văn, nhà báo Dương Bình Nguyên, tên thật là Dương Văn Toàn 31 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Các tác phẩm đã in: "Làng nhan sắc" - Tập truyện ngắn (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh/ 2001); "Về lại thiên đường" - Tập truyện ngắn (NXB Công an nhân dân/ 2003); “Hoa ẩn hương” - Tập truyện ngắn (NXB Hội Nhà văn/2005); “Giày đỏ” - Tập truyện ngắn (BachvietBooks - NXB Hội Nhà văn/ 2007 - tái bản 2008, 2009) .

- Giải thưởng: - Giải 3 cuộc thi truyện ngắn Báo Hoa học trò/ 2000
- Giải nhì Cuộc thi Truyện và ký “Cây bút vàng” - Tạp chí Văn hoá - Văn nghệ CAND và ANTG tổ chức/ 2001
- Tặng thưởng truyện ngắn Cuộc thi sáng tác “Tầm nhìn thế kỷ” - Báo Tiền Phong/ 2002
- Giải A Truyện ngắn hay - Báo Người lao động TP Hồ Chí Minh/ 2003
- Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Áo trắng 2002- 2005.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dương Bình Nguyên tiếp tục “nóng” với “Chuyện tình Paris”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.