Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch hoạt động, hạn chế tiêu cực

Quỳnh Phạm| 30/11/2010 07:14

(HNM) - Kể từ sau cuộc đối thoại gần đây nhất với các tổ chức quốc tế về việc phòng chống tham nhũng (PCTN) trong ngành giáo dục (5-2010), mới đây Bộ GD-ĐT cho biết đã xử lý 11 vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Bảy dạng sai phạm cơ bản

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ: Công tác thanh tra đã phát hiện 7 dạng sai phạm cơ bản trong lĩnh vực giáo dục. Đó là trong dạy thêm, học thêm; trong tuyển sinh và đào tạo; trong quá trình chuyển trường, chuyển lớp; trong lĩnh vực tài chính; trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; trong công tác xuất bản sách giáo khoa và trong công tác tổ chức cán bộ.

Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng thừa nhận bên cạnh việc dạy thêm, học thêm và lĩnh vực tài chính, hành vi vi phạm trong tuyển sinh đầu cấp thường xảy ra ở các khâu: gian lận về hồ sơ, tiêu cực trong việc xét tuyển sinh trái tuyến; gian lận về các điều kiện xét tuyển, đặc biệt trong công tác cử tuyển ở một số tỉnh miền núi và tuyển sinh các lớp hệ không chính quy ở các cơ sở giáo dục và các địa phương... Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đã gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm uy tín của ngành cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, giảm lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục.

Đầu tư xây dựng trong giáo dục cũng là một lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm. Ảnh: Huyền Linh

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh Tranh tra Bộ GD-ĐT: Trước tiên, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và đề ra các giải pháp PCTN ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đầy đủ, cụ thể. Trong khi đó, đời sống của đa số giáo viên đang còn rất khó khăn, mức lương thấp. Một bộ phận nhà giáo, cán bộ trong ngành trình độ quản lý còn hạn chế, ý thức tự học, tự bồi dưỡng và rèn luyện còn thấp. Hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra đối với giáo dục. Cuối cùng, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhất là thanh tra để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, thiếu một cơ chế giám sát bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Nhiều hiện tượng tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý…

Tiếp tục tìm giải pháp

Từ tháng 5-2010 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có nội dung về PCTN và đã xử lý 11 vụ việc.

Về các khoản thu trong trường học, hầu hết địa phương đều có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn về thu và sử dụng học phí và các khoản thu khác. Các cơ sở đều công khai khoản thu cho phụ huynh và học sinh ngay từ đầu năm học. Bộ cũng đã hướng dẫn các trường quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức. Tại Đà Nẵng, địa phương đã tiến hành kiểm tra các khoản thu đầu năm của một số cơ sở giáo dục và đã yêu cầu trả lại cho cha mẹ học sinh hơn 87 triệu đồng ở Trường TH Trần Văn Ơn.

Ông Phạm Văn Tại cũng khẳng định việc dạy thêm, học thêm đã đi vào nền nếp. Việc dạy thêm trong trường được tổ chức chặt chẽ, dạy thêm ở ngoài trường có tổ chức đăng ký xin phép và được tăng cường quản lý. Các địa phương đều ban hành quy định mức thu, những kiến nghị, phản ánh của phụ huynh và xã hội về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đều được xử lý. Tuy nhiên, dù cho rằng việc bắt ép học sinh đi học thêm về cơ bản không còn, ông Phạm Văn Tại cũng cho rằng, vẫn còn phụ huynh bắt con phải đi học thêm do tâm lý lo ngại và các cấp quản lý đang tích cực tìm giải pháp để hạn chế vấn đề này.

Đối với những nhức nhối liên quan đến tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh trái tuyến, Thanh tra Bộ cho rằng, riêng việc tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường THPT công lập, việc nhận học sinh vào các trường có chất lượng tốt đang là áp lực rất lớn vì nhu cầu xã hội chưa được đáp ứng. Do đó, tình trạng chạy trường vẫn xảy ra. Năm học 2010-2011, tại Hải Phòng có tới hơn 200 học sinh không đủ điểm trúng tuyển cả nguyện vọng 1 và 2 đều thuộc diện "đặc cách" vào 25 trường THPT công lập. Để các em được chính thức trúng tuyển vào trường công lập, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có tờ trình UBND TP Hải Phòng, đồng ý chủ trương đặc cách cho một số đối tượng có "hoàn cảnh khó khăn". Bộ GD-ĐT cho biết sự việc này đang được xem xét, xử lý.

Qua thanh tra, Bộ GD-ĐT cũng đã đình chỉ việc tuyển sinh năm 2010 của 2 cơ sở giáo dục ĐH vì có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, đó là Trường ĐH Phan Châu Trinh, Quảng Nam; Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Bắc Ninh. Một số sai phạm tại Viện ĐH Mở Hà Nội đã được xử lý. Bộ GD-ĐT đã xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Đà Lạt.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác PCTN trong ngành giáo dục đã có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, các cấp quản lý vẫn đang tích cực tìm giải pháp nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động, hạn chế các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hoạt động, hạn chế tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.