Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quản lý giáo dục: “Bài toán” chưa rõ lời giải

Kim Thoa| 08/05/2011 04:20

Trong tiến trình đổi mới giáo dục (GD), đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) luôn là giải pháp cơ bản, là khâu đột phá. Nhưng thực trạng QLGD lại luôn tụt hậu so với sự vận động của thực tiễn GD, khiến cho công tác QLGD phải ứng phó một cách bị động, mang tính tình thế và kéo dài tính thử nghiệm.

LTS: Trong tiến trình đổi mới giáo dục (GD), đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) luôn là giải pháp cơ bản, là khâu đột phá. Nhưng thực trạng QLGD lại luôn tụt hậu so với sự vận động của thực tiễn GD, khiến cho công tác QLGD phải ứng phó một cách bị động, mang tính tình thế và kéo dài tính thử nghiệm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 vừa được ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua với định hướng "Hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế cung ứng dịch vụ công cộng thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN" đã ra "đề bài" rõ ràng cho đổi mới công tác QLGD. Nhưng một số "dữ kiện" cơ bản để giải bài toán này vẫn đang gây tranh cãi. Bắt đầu từ số báo này, Hànộimới gửi đến bạn đọc loạt bài: Đổi mới quản lý giáo dục: "Bài toán" chưa rõ lời giải.

Bài 1: Thị trường “vào” trường học

Một điều không thể phủ nhận là nền kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang tác động mạnh mẽ, rộng rãi, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. GD không phải là một ốc đảo nên những đổi mới trong kinh tế, quá trình thị trường hóa nền kinh tế đã và sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển GD.

Nền kinh tế thị trường đã có những tác động tích cực tới GD-ĐT của Việt Nam trong thời gian qua. Trong ảnh: Giờ tin học của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La. Ảnh: Thanh Hà

Tích cực là vượt trội

Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu đề tài "Phát triển GD Việt Nam trong nền KTTT và trước yêu cầu hội nhập quốc tế" của Hội đồng quốc gia giáo dục. Nhận định này được rút ra từ kết quả điều tra trên gần 4.500 người, đại diện cho những người trực tiếp tham gia vào GD-ĐT và những người hưởng lợi từ GD-ĐT để bảo đảm tính khoa học và độ tin cậy của thông tin phản hồi. Có đến 69,9% số người được hỏi đã trả lời rằng KTTT đã tạo ra sự cạnh tranh rất mạnh và mạnh trong GD-ĐT; 71,7% đánh giá KTTT đã làm tăng tính năng động của các nhà trường ở mức rất mạnh và mạnh; 78,8% khẳng định người học được tăng cơ hội lựa chọn; 77,2% người được hỏi cho rằng, KTTT đã tác động mạnh và rất mạnh tới việc khuyến khích các trường xây dựng, tìm kiếm thương hiệu; 78,1% nhận xét KTTT đã khuyến khích các trường đào tạo theo nhu cầu xã hội và 68,3% "đánh dấu" vào mục nâng cao hiệu quả, chất lượng GD-ĐT. Các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu GD từ phổ thông đến ĐH đều cho rằng KTTT tác động mạnh lên nhà trường. Trong sự vận động của thực tiễn đó, các trường khá năng động và biết thay đổi theo những yếu tố tích cực của KTTT để tồn tại và phát triển. Những thay đổi hiện nay từ cơ chế quản lý đến các hoạt động khác của nhà trường chủ yếu do chính sự tác động của KTTT, TS Nguyễn Kim Dung (Viện Nghiên cứu GD-ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) và PGS-TS Trần Quốc Toản (Văn phòng Chính phủ) khẳng định.

Một điều khiến người ta lo ngại là liệu khi có thị trường GD thì những ưu việt của GD XHCN có còn không? Câu hỏi này cũng đã được các nhà nghiên cứu trả lời. TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học GD Việt Nam) đã nghiên cứu về công bằng xã hội trong GD ở nước ta và đi đến khẳng định: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện công bằng xã hội trong GD. Sự đáng kể đó được thể hiện ở khoảng cách chênh lệch giới, giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thu nhập, giữa các dân tộc... trong cơ hội tiếp cận GD ngày càng được thu hẹp và cải thiện. Trong đó, đáng nói là, mặc dù dân số khu vực nông thôn lớn, ở đó cũng tồn tại sự mất cân bằng lớn nhất giữa nhóm thu nhập thấp nhất và cao nhất, nhưng tỷ lệ tham gia GD ở khu vực này tăng lên, tập trung ở cấp tiểu học và trung học. Tỷ lệ biết chữ của dân cư 10 tuổi trở lên tăng nhiều nhất ở nhóm các hộ nghèo, sau đó là nhóm các hộ có mức thu nhập loại trung bình. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi đã được tăng lên ở tất cả cấp học đối với nhóm hộ nghèo nhất. Đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS thì các chỉ số liên quan của nhóm hộ gia đình nghèo nhất được cải thiện tốt hơn. Công bằng trong cơ hội tiếp cận với GD giữa các nhóm dân tộc cũng đạt nhiều kết quả. Kết quả này đã thể hiện bản chất của dịch vụ GD XHCH trong nền KTTT là bảo đảm công bằng xã hội trong việc tiếp cận GD thông qua các chính sách đầu tư, tuyển sinh, học phí, học bổng… đặc biệt với đối tượng thiệt thòi, diện chính sách, con em dân tộc thiểu số, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ngày càng tăng. Ảnh: Bá Hoạt

Tiêu cực cũng không ít

Mặc dù vấn đề thị trường GD còn ít được nghiên cứu nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của KTTT lên GD vẫn có thể chỉ ra. Đó là những biểu hiện tiêu cực trong nhà trường, trong quan hệ thầy trò, là việc tạo gánh nặng chi phí học tập lên mỗi gia đình ngày càng cao, là hiện tượng "mua" bằng "bán" điểm, trao đổi trong GD. KTTT cũng có những tác động tiêu cực lên nhà trường mà tiêu biểu là nhà trường ít quan tâm đến GD đạo đức, lối sống; đào tạo chạy theo số lượng, ít quan tâm tới chất lượng. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã đánh giá: "Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong GD khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội".

Cùng với những tác động tích cực và tiêu cực của KTTT lên GD, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, KTTT cũng đã có những tác động "trung tính" như vai trò của Nhà nước tăng lên (cả về đầu tư lẫn quản lý), kích thích nhà trường chạy theo lợi nhuận, tạo ra sự phân hóa, phân tầng trong chất lượng GD-ĐT. Điểm quan trọng là, chỉ ra những tác động của KTTT lên GD để thấy rằng, nước ta đã đi đúng hướng trong việc lựa chọn cơ chế thị trường và nhiệm vụ của hệ thống GD Việt Nam là phải có các chủ trương, chính sách nhằm phát huy các mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực. Đây là bài toán không dễ cho các nhà quản lý và những người làm chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quản lý giáo dục: “Bài toán” chưa rõ lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.