Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên số 1: Kiềm chế lạm phát

Thanh Mai| 25/02/2011 07:32

Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, không thả lỏng ngoại hối (HNM) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 9-1-2011) về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, giá nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm... trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tác động làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Sáng 24-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng


Giải pháp hàng đầu trong 7 giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 (Mời bạn đọc xem toàn văn Nghị quyết tại Báo Hànộimới điện tử www.hanoimoi.com.vn) của Chính phủ là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thực hiện hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, điều hành, kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, các ngành, địa phương phải điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc thắt chặt quản lý nguồn vốn ngân sách phải gắn liền với bảo đảm ổn định xã hội, nên phải ưu tiên cho các hoạt động nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, tổng dự trữ ngoại tệ của nước ta là có dư, vì vậy nếu quản lý tốt, bình ổn tỷ giá sẽ tạo được sự ổn định. Các cơ quan thực thi pháp luật phải phát huy vai trò để kiểm soát tình hình, không để kẻ xấu lạm dụng, gây rối thị trường tiền tệ. Trong quý II, NHNN phải trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới; ban hành quy định và chế tài xử lý vi phạm, kể cả việc đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, thu tài sản khi phát hiện các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng; xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm...

Cắt giảm đầu tư công

Năm nay, cả nước phấn đấu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ để tiết kiệm thêm 10% chi tiêu thường xuyên những tháng còn lại trong dự toán ngân sách năm 2011 (không gồm tiền lương, xóa đói giảm nghèo…). Đặc biệt, tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, xăng dầu... Số tiết kiệm thêm 10% này các cơ quan, địa phương tự quản lý. Từ quý III, khi lạm phát được kiềm chế, Chính phủ sẽ quyết định cụ thể. Bội chi ngân sách sẽ được giảm xuống dưới 5% GDP (Quốc hội phê duyệt là 5,3%); tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch là 40-41% sẽ giảm xuống 38%. Không ứng trước vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ năm 2012 cho các dự án (trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách); thu hồi nguồn vốn từ các dự án bị kéo dài về ngân sách trung ương để bổ sung vốn cho các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2011; Ngân hàng Phát triển Việt Nam giảm tối thiểu 10% kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước.

Trong quý II, Bộ Công thương, các cơ quan, địa phương phải ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung cầu với từng mặt hàng thiết yếu; bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK). Để bảo đảm sản xuất, yêu cầu EVN và các đơn vị thành viên huy động tối đa công suất phát điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong mùa khô, trong đó ưu tiên điện cho sản xuất. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm, phân bổ hợp lý để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống. Mặc dù Chính phủ quyết định tăng giá điện và xăng dầu, nhưng vẫn chưa hoàn toàn theo giá thị trường. Giá điện năm 2011 và giá xăng dầu hiện nay là khấu hao bị lùi 90%, kinh doanh điện vẫn bị lỗ; tạm lùi về thuế với xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng tạm lùi lợi nhuận.

Tạo sự đồng thuận

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011, cần huy động sức mạnh của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân. Hai tháng đầu năm, CPI tăng ở mức cao đã ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân. Tình hình này đã đặt ra cho cả nước nhiệm vụ phải tập trung mọi giải pháp, nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị giao ban này, các tỉnh, thành phố đã đồng tình với các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, vì vậy phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải triển khai quyết liệt các giải pháp. Theo đó, phải thực hiện triệt để việc cắt giảm chi tiêu, thắt chặt chính sách tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; điều chỉnh giảm dần một cách hợp lý lãi suất ngân hàng; khống chế tiền lương thưởng của các ngân hàng; điều hành tỷ giá ngoại hối phù hợp với thị trường, theo đó các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải bán ngoại tệ cho NHNN, khi có nhu cầu NHNN sẽ đáp ứng theo giá quy định, không thả lỏng ngoại hối để thị trường tự do điều phối. Các địa phương phải có trách nhiệm tham gia kiểm soát ngoại hối trên địa bàn; phải coi thúc đẩy SXKD, XK là cơ hội phát triển; XK phải đi đôi với NK để giảm nhập siêu, giảm sức ép về ngoại tệ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền để nhân dân thấy rõ được những thuận lợi, khó khăn hiện nay của đất nước để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chung sức vượt qua khó khăn; các thành viên Chính phủ phải có kế hoạch thông tin công khai về thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:
- Trong quý II năm 2011, ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung-cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý, gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất, nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ; chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm hiệu quả, ổn định giá lương thực trong nước, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành dự trữ quốc gia để bảo đảm an ninh lương thực; thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chủ động có biện pháp chống đầu cơ, nâng giá.
- Xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu, phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xây dựng quy trình, nguyên tắc kiểm soát nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn do Chính phủ bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, nhất là các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu nhập khẩu; chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế nhập siêu.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty thành viên có kế hoạch huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, ưu tiên bảo đảm điện cho sản xuất; phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm, phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.

(Trích Nghị quyết 11/NQ-CP)


Kinh tế Thủ đô ổn định và phát triển
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,1%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 158.937 tỷ đồng, tăng 23,5%, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 26%; KNXK đạt 1.414,7 triệu USD, tăng 45,2%, trong đó XK địa phương tăng 43,4%; KNNK đạt 3.563,7 triệu USD, tăng 19%, trong đó NK địa phương tăng 24,4%; khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 18,1%. Đến nay, toàn TP đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ đông và đã lấy nước đổ ải gieo cấy vụ xuân; diện tích có nước đạt 84,6%; diện tích lúa đã cấy đạt 12,65%; diện tích hoa màu trồng đạt 54,10%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong tháng 2 tăng 1,02% và tổng dư nợ cho vay tăng 0,78% so với tháng 1. Tuy nhiên, CPI trong 2 tháng đầu năm nay của Hà Nội là 3,21% cao hơn cùng kỳ năm 2010.

Để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống dân sinh, những tháng còn lại, ngoài việc rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư; bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để thiếu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường quản lý nhà nước với công tác quản lý giá; đẩy mạnh SXKD, XK; tăng cường các giải pháp an sinh xã hội… Hà Nội sẽ đặc biệt quan tâm đến thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu hành chính trong các đơn vị thụ hưởng ngân sách của TP. Thực hiện tiết kiệm tối thiểu 5-10% trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu. Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ chưa cấp bách, nội dung không thiết thực.
Quang Linh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên số 1: Kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.