Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao đao vì giá

Quỳnh Dung| 23/03/2011 07:00

(HNM) - Xăng dầu, điện nước, thức ăn... đồng loạt tăng giá khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng. Nhiều hộ chỉ sản xuất cầm chừng. Các trang trại (TT) chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh.


Chăm sóc đàn gà đẻ tại một gia đình ở xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).  Ảnh: Phương An


Thời điểm này mọi năm, các hộ chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội đang tái đàn và mở rộng quy mô sản xuất, nhưng năm nay tốc độ tái đàn chậm hơn. Từ đầu năm đến nay, các chi phí đầu vào đều tăng mạnh khiến cho các TT chăn nuôi lớn chỉ dám hoạt động cầm chừng, còn các hộ chăn nuôi nhỏ thì buộc phải "treo chuồng". Chưa đầy 3 tháng, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã tăng 12-15%, cộng với giá điện, giá xăng dầu tăng thêm cùng với sự tăng tỷ giá và lãi suất, khiến giá thành chăn nuôi đội lên từ 20-25%. Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, với tổng đàn 3.000 con lợn các loại, TT của gia đình đang điêu đứng vì chi phí đầu vào tăng quá mạnh. So với trước Tết Nguyên đán, giá lợn có nhích hơn, hiện là 51.00-52.000 đồng/kg, nhưng không bù lại so với giá TĂCN tăng. Ngoài chi phí về thức ăn, người nuôi còn lo về dịch bệnh. Mỗi năm Nhà nước cung cấp cho TT của ông Long 300 liều vắcxin lở mồm long móng, nhưng do nuôi nhiều, TT phải đi mua vắcxin ngoài với giá cao hơn so với giá nhà nước khoảng 20%. Hiện tại TT của ông Nguyễn Trọng Long phải chấp nhận lỗ vì không thể phá hợp đồng đã ký với đối tác. Theo ông Nguyễn Trọng Long, với các chi phí tăng như hiện nay, giá thịt lợn phải tăng lên 3 lần thì các TT chăn nuôi mới có thể có lãi.

Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh tế trang trại Tiên Viên, Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, với quy mô 2,5 vạn con gà đẻ mỗi lứa, 5.000 con gà hậu bị và 2 vạn con gà kế cận, trong điều kiện chi phí đầu vào cho nuôi gà đẻ trứng tăng từ 20-30%, nếu không tính toán kỹ, sẽ cầm chắc việc lỗ vốn. Thức ăn loại "Con Cò" trước chỉ có giá 256 nghìn đồng/bao 25kg, nay tăng lên 280 nghìn đồng/bao; xăng tăng 2.900 đồng/lít, công lao động tăng 20%. Các TT nuôi gà phải sử dụng đèn sưởi ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè nên tốn rất nhiều điện. Với giá điện tăng hơn 15% vào tháng 3, trung bình mỗi tháng người chăn nuôi phải bỏ thêm 3-3,5 triệu đồng. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng tiết giảm chi tiêu dẫn đến việc tiêu thụ không thuận lợi. Năm 2011, TT Tiên Viên dự kiến sẽ nâng tổng đàn lên 20%, xây dựng thêm 1 trại gà với công suất 10.000 con nhưng với lãi suất ngân hàng gần 20%, chi phí đầu vào tăng 30%. Tổng ước tính, kinh phí mở rộng TT đã tăng lên 50% so với dự kiến, nhưng giá bán ra chỉ tăng 10-15%. Do đó, nếu tiếp tục mở rộng quy mô sẽ lỗ vốn, nên giải pháp tốt nhất là sản xuất cầm chừng.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, người chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, tất cả các chi phí đầu vào đều tăng với tốc độ phi mã. Hơn nữa, giá lợn hơi, gia cầm lên, xuống thất thường, người chăn nuôi không nắm được các thông tin thị trường nên thường rơi vào cảnh bị động khi xuất bán sản phẩm và bị thương lái ép giá. Nếu các TT không tính toán cẩn thận sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản. Do vậy, trong thời điểm này, Nhà nước nên tạo mọi điều kiện tốt nhất để người nuôi tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để đủ vốn sản xuất. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc dự báo những yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi để người nuôi nắm bắt thông tin thị trường một cách chính xác, giảm bớt thiệt hại trong quá trình sản xuất kinh doanh….

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lao đao vì giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.