Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Tiếng trống Bắc Lý vẫn vang xa

Hà Trang| 23/12/2010 07:58

(HNM) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực,

Trường Bắc Lý hôm nay.


Trời nhá nhem tối, mưa ngày càng nặng hạt, học sinh ra về hết, bác bảo vệ Trường THCS Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam, xem chừng nóng ruột muốn đóng cửa nhưng chưa thể vì còn một vị khách đang chăm chú xem từng hiện vật trong phòng truyền thống. Đó là ông Nguyễn Văn Thích, học sinh của trường năm học 1959-1960. Giọng xúc động, ông Thích kể: Tôi vẫn còn nhớ như in những khẩu hiệu ngày đó như đi truy, về trao, học bài nào, xào bài nấy, ở nhà mở vở đúng giờ trống giục... Từ một khu ruộng trũng, thầy, trò Trường Bắc Lý chúng tôi cùng nhân dân trong xã đã góp hàng ngàn công đào đắp, "biến không thành có", "biến thiếu thành đủ", đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt dần vươn lên trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục.

Ngày trường mới thành lập, cũng là lúc cả miền Bắc vừa dồn sức xây dựng XHCN, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, thiếu thốn đủ bề. Lý Nhân là đất chiêm trũng, nghèo đói quanh năm, nhưng lại là đất hiếu học, các gia đình sẵn sàng đóng góp công sức vô điều kiện, miễn là con em mình được học hành tử tế. Chưa có địa điểm cố định thì thầy, trò phải "tạm trú" trong đình, chùa, nhà kho, khi đến lớp, học sinh tự mang bàn ghế đi theo, những nơi học như thế mùa hè nóng bức, ngột ngạt, mùa đông gió lùa, mưa dột, thầy trò rét tím tái... ấy vậy mà chẳng em nào nghỉ học.

Trong bản Báo cáo thành tích (lưu tại phòng truyền thống) về phong trào thi đua "Hai tốt" của Trường Bắc Lý năm 1961 có ghi 4 bài học kinh nghiệm, thoạt đọc có vẻ rất vĩ mô và khó thực hiện, đó là: Trường phải có tính Đảng cao; giác ngộ XHCN, yêu nghề, yêu trẻ; phải luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, dám làm, phấn đấu khắc phục khó khăn; luôn luôn có ý thức dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, kết hợp trí thức với công nông, nhà trường với cơ sở sản xuất, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn nhà trường đã có cách làm đơn giản và rất hiệu quả.

Nói về cách học ngày ấy, ông Thích cho rằng dễ học, dễ nhớ và lâu quên. Vậy thầy và trò Trường Bắc Lý đã dạy và học như thế nào? Ví như khi dạy về chăn nuôi, thầy, trò học nắm vững lý thuyết trong sách xong là dẫn nhau xuống ngay các trại chăn nuôi trong xã xem xã viên chăm sóc lợn, gia cầm. Học về giống lúa, trường nhận ruộng của xã để học sinh tự làm giống, gieo trồng, thu hoạch; học về toán thì được chỉ dẫn đo đạc ngay tại ruộng vườn; học hóa thì được ra lò nung vôi, học sinh cùng gánh vôi với nông dân đi chống chua, rửa mặn cho đất... Phương pháp dạy và học gắn với thực tế sản xuất không những giúp thầy, trò củng cố kiến thức một cách vững chắc mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Có cách dạy và học hay, nhưng cũng cần phải duy trì được nền nếp học tập. Là vùng thuần nông thôn, học sinh ngoài giờ đến trường còn phải lo giúp đỡ gia đình, điều đó khiến nhiều em không có thời gian học bài hoặc bị làm việc quá sức nên chẳng còn tâm trí gì đến sách vở. Để xây dựng nền nếp học tập cho các em, nhà trường đã ký kết với HTX, giao cho các đội sản xuất cùng gia đình bố trí chỗ học, lên thời gian biểu học tập vào buổi tối cho con em. Cụ thể học sinh lớp 1-2 học 19 đến 20 giờ; lớp 3-6 học 19-21 giờ; lớp 7 trở lên 19-21 giờ. Đến giờ học, đội trưởng sản xuất sẽ đánh trống, sau đó giáo viên cùng cán bộ xã sẽ đi kiểm tra đột xuất. Những gia đình có góc học tập đúng quy định, con học đúng giờ, kết quả học tập tốt sẽ được cộng công điểm, có thưởng, ngược lại sẽ bị trừ thi đua và bị phạt.

Tiếng trống báo giờ học thêm cũng như phương pháp dạy và học không ngừng được đổi mới, gắn với thực tiễn cuộc sống của Bắc Lý sau này được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Sau hai năm phát động phong trào thi đua “Hai tốt” mà Bắc Lý là nơi khởi nguồn, trong phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục đã có thêm nhiều điển hình tiên tiến mới như Trường cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), cấp III Chu Văn An và cấp III Đống Đa (Hà Nội), cấp III Ngô Sỹ Liên (Hà Bắc), cấp II Tán Thuật (Thái Bình)... Phong trào thi đua “Hai tốt” đã tạo ra động lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, khởi nguồn của hình thức xã hội hóa giáo dục, lôi cuốn địa phương, gia đình phối hợp chặt chẽ với nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho trẻ học tập tốt ở nhà và ở trường. Với những nỗ lực không ngừng, năm 1962, Trường Bắc Lý được Bộ Giáo dục công nhận là Đơn vị Lá cờ đầu; từ năm 1962 đến 1984 được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; năm 1985 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

"Trở thành anh hùng không đơn giản, nhưng để giữ vững truyền thống, để tiếng trống Bắc Lý mãi vang xa đòi hỏi sự nỗ lực, vượt lên chính mình nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi đã làm được" - thầy Ngô Văn Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lý nói. Với những thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới, Bắc Lý tiếp tục được phong tặng Anh hùng Lao động lần thứ hai.

(Xem tiếp kỳ sau)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Tiếng trống Bắc Lý vẫn vang xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.