Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức ép kinh tế đè nặng Iran

Vân Khanh| 25/12/2010 06:13

(HNM) - Nền kinh tế dầu mỏ của Iran đã không còn đủ sức để duy trì danh hiệu quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới. Chỉ sau một đêm (19-12) người dân đất nước xuất khẩu dầu thô thứ hai hành tinh đã phải trả giá cao gấp 4 lần cho một lít xăng.

Quyết định đã từng được đồn đoán khá nhiều này cùng với chính sách cắt giảm trợ cấp cho bánh mỳ, dầu ăn và một số mặt hàng thiết yếu khác đang tạo ra bầu không khí xã hội căng thẳng không kém chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Giá nhiên liệu và hàng hóa tăng cao đang là thách thức lớn với giới lãnh đạo Iran.

Theo quyết định mới, hằng tháng mỗi người dân Iran tiếp tục được mua 60 lít xăng giá trợ cấp từ chính phủ, nhưng với giá gấp 4 lần, từ 1.000 lên 4.000 rial (7.600 đồng). Nếu sử dụng hết số xăng này thì người dân sẽ phải mua xăng với giá 7.000 rial/lít (13.200 đồng). Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cho rằng đã đến lúc thực thi kế hoạch cắt bỏ trợ cấp nhiên liệu ngốn của ngân sách quốc gia 100 tỷ USD mỗi năm và hỗ trợ giá bánh mì khiến cán cân thu chi thâm thủng 4 tỷ USD. Dẫu vậy, những con số âm cần loại bỏ được xem như một phần quan trọng trong dự án "đại phẫu" nền kinh tế lớn nhất trong 50 năm qua tại nước này chưa thể dẹp yên những dư luận trái chiều. Khi giá xăng leo cao, kéo theo giá khí đốt dự báo tăng gấp 5 lần, giá điện và nước tăng thêm 3 lần, trong lúc thu nhập của người lao động Iran không hề được cộng thêm là thực tế khiến dân chúng hoang mang.

Với nhiều người ủng hộ, chương trình cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sẽ làm giảm bớt mức tiêu thụ năng lượng hiện tiêu tốn 1/4 GDP của Iran. Song đối với nhiều nhà kinh tế, biện pháp này chưa mấy thuyết phục khi sẽ đẩy mức lạm phát vốn đang duy trì ở ngưỡng nguy hiểm (20%) lên cao hơn nữa. Thời điểm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad xuất hiện trên truyền hình để thông báo kế hoạch cải tổ, cũng là lúc có nhiều ý kiến cho rằng Iran đang nếm trải những sức ép nặng nề từ những lệnh cấm vận liên tục được làm mới của Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Dù muốn hay không, sự lạnh nhạt của cộng đồng quốc tế không chỉ lấy của Iran nhiều chục tỷ USD mỗi năm mà còn tước đi nhiều cơ hội hợp tác để thúc đẩy nền kinh tế gần như phải hoạt động theo cơ chế tự cung tự cấp. Chiếm tới 2/3 nguồn thu quốc gia, việc các tập đoàn dầu mỏ Total (Pháp), Shell (Anh và Hà Lan), Statoil (Nauy) và ENI (Italia) đình chỉ mọi hoạt động đầu tư tại Iran do lệnh cấm vận là cú sốc lớn đối với Tehran. Kèm theo "vận hạn" đó, do thiếu vốn và công nghệ cho hệ thống lọc dầu, nên dù có trữ lượng dầu mỏ thứ 3 thế giới, Iran vẫn phải nhập khẩu 1/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tuy nhiên, nguồn cung ứng xăng càng trở nên nan giải khi nhà cung cấp 50% nhiên liệu nhập khẩu của xứ Ba Tư, Công ty Tupras có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt liên hệ với Tehran từ cuối tháng 8-2010, theo gót Vitol và Glencore (Thụy Sĩ), Reliance (Ấn Độ) và Lukoil (Nga).

Một nền kinh tế có tiềm lực ngoại tệ đáng kể và sự độc lập của hệ thống ngân hàng đã bảo vệ Iran khá hiệu quả trước những tác động kinh hoàng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thế nhưng, những dấu hiệu bất ổn từ hậu quả của những chương trình cấm vận khắt khe đang gây tác động tất yếu đến sự vận hành của dây chuyền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Do đó, nút thắt quan trọng nhất vẫn nằm ở sự hóa giải những bất đồng trong chương trình hạt nhân của Tehran. Dư luận mong đợi một đột phá mới trong đàm phán vừa được nối lại giữa nhóm P5+1 và Iran và chỉ có vậy nước này mới có cơ trở lại trên bản đồ kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức ép kinh tế đè nặng Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.