Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế khó của Iceland

Quỳnh Chi| 16/04/2011 07:30

(HNM) - Dù đã tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng ngày 13-4 song Chính phủ của nữ Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir vẫn ở trong thế kẹt giữa một bên là ý nguyện của người dân, còn bên kia là trách nhiệm quốc tế.


Thủ tướng J. Sigurdardottir đang gánh trên vai cuộc khủng hoảng tài chính.


Hiện tại, các nhà lãnh đạo xứ Băng đảo đang đau đầu với hậu quả của vụ đổ vỡ Icesave - một trong 3 ngân hàng lớn nhất nước này - vào cuối năm 2008, khiến khoảng 400.000 khách hàng bỗng trở thành tay trắng. Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Geir Haarde đã đứng ra bồi thường cho người dân trong nước có tài khoản tại Icesave nhưng lại phớt lờ 340.000 khách hàng Anh và Hà Lan gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng này. Vào thời điểm đó, London và Amsterdam đã phải chi ra 3,9 tỷ euro để "cứu" công dân của mình và coi đây là số tiền cho Iceland vay.

Dù chính phủ 3 nước đã đạt được thống nhất về các điều khoản thanh toán món nợ này, song bản thỏa thuận nói trên đã vấp phải rào cản lớn từ phía Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson và đa số cử tri. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 vào ngày 9-4 vừa qua, vẫn có tới gần 60% số phiếu bác bỏ kế hoạch được Chính phủ và Quốc hội Iceland hậu thuẫn nhằm hoàn trả số tiền cho Anh và Hà Lan. Vì nếu dự luật trả nợ được thực hiện, tính trung bình mỗi người dân ở đảo quốc này sẽ phải trả 135 USD/tháng trong 8 năm. Những người phản đối cho rằng việc buộc họ phải gánh hậu quả do sự yếu kém của các ngân hàng là một bất công không thể chấp nhận.

Với kết quả này, Iceland sẽ đối mặt với quá trình tranh tụng kéo dài từ 1 đến 2 năm tại Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), tổ chức thay Tòa án Pháp lý châu Âu giải quyết những tranh cãi liên quan đến các nước thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu, gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng, số tiền để theo đuổi một vụ kiện như vậy có thể sẽ nhiều hơn cả khoản lẽ ra Iceland phải trả cho hai "chủ nợ". Bên cạnh đó, tranh cãi pháp lý sẽ gây tổn hại tới quan hệ của Iceland với các nước châu Âu, cản trở những nỗ lực nới lỏng kiểm soát tiền tệ, gây xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và suy yếu chỉ số tín dụng. Bằng chứng là ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, Công ty Xếp hạng tín dụng S&P đã đưa Iceland vào danh sách các nước bị đánh tụt vị trí do tiềm ẩn nhiều nguy cơ kinh tế. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng Fitch cũng liệt Iceland vào danh sách đáng báo động và Moody's đưa ra cảnh báo tương tự. Bà Franek Rozwadowski, đại diện của Iceland tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo khả năng tái đầu tư của Iceland trên các thị trường quốc tế phụ thuộc vào phản ứng của các cơ quan xếp hạng tín dụng với cuộc trưng cầu này.

Ngoài ra, sự kiện người dân Iceland từ chối để Chính phủ thanh toán món nợ không phải của họ sẽ khiến quốc đảo này khó tiếp cận các nguồn tài trợ của IMF và các quốc gia Bắc Âu. Trước đó, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan đã cam kết cấp khoản tín dụng 1,775 tỷ euro cho Iceland nếu nước này tuân thủ các chương trình của IMF và các trách nhiệm quốc tế. Đáng lo ngại hơn, việc một quốc gia châu Âu từ chối trả nợ thành hiện thực sẽ tạo một tiền lệ xấu cho nhiều quốc gia cũng đang ngập trong nợ nần do chịu dư chấn nặng nề của khủng hoảng tài chính.

Nghị sĩ J. Sigurdrdottir trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Iceland đầu năm 2009 trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đã lún sâu vào tình trạng thị trường tiền tệ suy sụp, chứng khoán rối ren còn các ngân hàng thi nhau phá sản. Vì vậy, dù là một chính trị gia có hơn 30 năm kinh nghiệm tham chính và gặt hái nhiều thành công, nhưng món nợ mà Iceland đang gánh không khỏi ảnh hưởng tới con đường mà nữ Thủ tướng xứ Băng đảo đã vạch ra cho đất nước từng được xem là quốc gia thịnh vượng nhất châu Âu.

Như vậy, mặc dù không phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do các nghị sĩ đối lập đề xuất, song tỷ lệ phiếu sít sao 32/30 sau 5 tiếng tranh luận quyết liệt đủ cho thấy tình thế không mấy dễ chịu của Chính phủ đương nhiệm tại Iceland trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế khó của Iceland

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.