Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi tốt nghiệp THPT năm 2011: Học sinh tất bật “chạy sô”

Ngô Quang Huy| 23/05/2011 10:01

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tới gần, các trường THPT ở Hà Nội đang “tăng tốc” dùng mọi biện pháp để học sinh (HS) có thể vượt “ải” tốt nghiệp. Nhiều trường tăng tiết, thêm ca ôn thi. HS tất tả “chạy sô” với lịch học kín mít, vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa luyện thi đại học.

Trường tăng “ca 3”

Đối với các trường THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT hết sức quan trọng, đặc biệt là các trường ngoài công lập vì tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp” sẽ khiến cho trường có được uy tín tạo sức hút trong các đợt tuyển sinh. Trong khi đó, các trường công lập, nhất là những trường nhiều năm đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao, cũng vất vả không kém để cố gắng giữ vững thành tích. Xuất phát từ mong muốn đó, nhiều trường trong thời gian này “tăng tốc” ôn tập cho HS, đặc biệt là những HS có học lực yếu.

Bước vào gia đoạn "nước rút" học sinh một số trờng THPT phải học tăng ca.
Ảnh minh họa.


PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Thời gian này, thầy cô chủ yếu củng cố lại kiến thức chương trình, căn dặn những điều các em cần chú ý khi làm bài thi... Các em ôn tập vào buổi sáng, riêng những em sau các đợt thi thử có điểm kém, nhà trường đã có kế hoạch để giáo viên bộ môn trực tiếp bồi dưỡng thêm cho số HS này vào các buổi chiều. Buổi chiều thường là kiểm tra bài, hướng dẫn các em ôn tập”.

Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng đã sớm tăng cường các hoạt động ôn thi cho HS khối 12 trong đó có cả tăng tiết, thêm ca bồi dưỡng cho HS. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ tháng 4 đến nay, trường tập trung ôn thi tốt nghiệp cho HS khối 12. HS học lực yếu được kiểm tra kiến thức thường xuyên, nhiều em có dấu hiệu “oải” do học nhiều, thậm chí lười học nên trường thay đổi hình thức ôn tập, giáo viên phải “học” cùng HS, thông qua dạng kiểm tra, nếu HS trả lời sai, sẽ được hướng dẫn cụ thể. Ngoài 5 tiết chính vào buổi sáng, các em ôn tập thêm 2 tiết vào các buổi chiều. Riêng những HS học lực yếu, sau 2 tiết buổi chiều sẽ tiếp tục ở lại học “ca 3” từ 17h đến 19h”.

Hiện tượng học “ca 3” diễn ra khá phổ biến tại các trường, không riêng gì các trường dân lập, các trường công lập cũng tăng thêm “ca 3” và ngày nghỉ để ôn tập cho HS. Theo lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), ngoài hoạt động ôn thi tốt nghiệp vào các buổi sáng, HS khối 12 của nhà trường còn có thêm các tiết ôn tập vào 3 buổi chiều/tuần và thêm 3 buổi học “ca 3”, từ 17-19h. Ngoài ra, trường còn tổ chức ôn thi vào các sáng Chủ nhật hàng tuần.

Chạy đua với thời gian


Ngoài học tăng ca trên lớp, nhiều HS còn tiếp tục “chạy sô” ở các trung tâm luyện thi hoặc ôn thi với gia sư tại nhà. Thời khóa biểu ôn thi của Đinh Xuân Việt (lớp 12, Trường THPT Phan Huy Chú) đặc kín cả tuần, hết học ở trường là xen kẽ các giờ ôn thi ĐH tại nhà giáo viên, gia sư... Việt cho biết: “Hàng ngày, em chỉ có chút thời gian ít ỏi để ăn trưa, ăn tối, thời gian còn lại phải ôn tốt nghiệp, ôn thi đại học. Buổi tối, em thường trở về nhà lúc 9-10h đêm. Tắm rửa xong lại tiếp tục ngồi ôn tập, làm bài tới 1-2h sáng mới ngủ”.

Tranh thủ thời gian ôn thi tốt nghiệp để ôn các môn thi đại học là cách lựa chọn của nhiều HS. Nguyễn Thùy Linh (lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết: “Buổi sáng em đến trường học theo chương trình ôn tập 6 môn thi tốt nghiệp, cộng thêm các buổi chiều. Ngoài thời gian ở trường, em phải đi ôn thêm các môn thi ĐH khối D, bởi các môn này thầy cô ở trường chủ yếu dạy để thi tốt nghiệp, còn chuẩn bị cho thi ĐH cần phải nâng cao hơn về kỹ năng làm bài nên em phải tới các trung tâm để ôn thêm”.

Trước hiện tượng các trường THPT “chạy đua” ôn thi tốt nghiệp, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Việc dạy học, rèn luyện kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi phải tiến hành trong suốt quá trình học tập của cả năm học chứ không phải lúc kỳ thi gần bắt đầu. Việc tổ chức ôn tập phù hợp và có hiệu quả với HS tốt nhất là ở chính giáo viên các trường. Nhà trường và giáo viên phải thống nhất với HS, phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý cho HS được học tập một cách hiệu quả, tránh áp lực, quá tải cho HS”.

“Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài việc nắm vững kiến thức của chương trình và biết vận dụng những kiến thức đó khi làm bài thi, HS cần chuẩn bị một số kỹ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi. Bên cạnh đó, các em cũng phải nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh sai sót, vi phạm. Các em cần tự tin vào kiến thức của mình, chuẩn bị tâm thế chủ động, vững vàng khi bước vào kỳ thi”.


TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT năm 2011: Học sinh tất bật “chạy sô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.