Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phan Cẩm Thượng với “Nghệ thuật ngày thường”

ANHTHU| 16/06/2008 07:59

(HNM) - “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng được giới văn nghệ sĩ trân trọng và tìm đọc ngay từ khi ra mắt đầu tháng 6 vừa qua. Không phải chỉ vì “thương hiệu” Phan Cẩm Thượng trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật nói riêng và văn hóa nói chung mà còn vì đây là cuốn sách tập hợp những bài báo viết trong thời gian ông “ở ẩn” và thể hiện với một giọng viết rất “ngày thường”.

(HNM) - “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng được giới văn nghệ sĩ trân trọng và tìm đọc ngay từ khi ra mắt đầu tháng 6 vừa qua. Không phải chỉ vì “thương hiệu” Phan Cẩm Thượng trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật nói riêng và văn hóa nói chung mà còn vì đây là cuốn sách tập hợp những bài báo viết trong thời gian ông “ở ẩn” và thể hiện với một giọng viết rất “ngày thường”. Vẫn bộ râu để dài, nụ cười hiền, Phan Cẩm Thượng chia sẻ nhiều điều về cuốn sách…

- Thưa ông, “Nghệ thuật ngày thường” thể hiện một phong cách khác với những công trình nghiên cứu lớn trước đây như “Điêu khắc cổ Việt Nam”, “Đồ họa cổ Việt Nam”... Xin ông chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách?

- Cái tên là do tôi đặt. Nghệ thuật gì cũng xuất phát từ cuộc sống ngày thường. Cuốn sách tập hợp những bài báo của tôi từ năm 2000 đến năm 2007, tuy nhiên cũng có một số bài chưa từng in. Trong đó thực sự phải cảm ơn những năm tháng khó khăn, vì nó, tôi phải xé lẻ một số công trình nghiên cứu, “gia công” thêm để gửi báo. Nhân đây cũng xin cảm ơn nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Anh Tuấn và Phan Tường Linh đã lưu trữ và sưu tập những bài viết của tôi nhiều năm qua. Quả là cuốn sách có khác với những công trình tôi làm trước đó. Nhưng những bài báo khi được tập hợp thành những chủ đề cũng có khả năng phản ánh bức tranh tương đối rộng về đời sống văn hóa - nghệ thuật những năm gần đây. Đó là điều tôi ưng ý nhất.

- Nhiều người cho rằng lối viết “ngày thường” đã tạo sức hấp dẫn cho một cuốn sách đề cập tới các vấn đề của nghệ thuật? Ông có vất vả khi thay đổi cách viếtkhông?

- Khởi đầu từ việc trò chuyện với cô con gái, tôi thấy muốn chuyển tải những vấn đề nghệ thuật tới sinh viên, giới trẻ thì cần viết ngắn, vui, nhưng vẫn phải có kiến thức. Từ đó tôi viết nhiều ở dạng này và cũng không thấy khó khăn gì cả. Những bài trong phần Tản văn nhàn đàm thuộc dạng như vậy. Hay đối với cả những phần như Suy nghĩ về nghệ thuật cũng có thể viết kiểu “làm văn” như bài Cái bát.

- Tuy nhiên, chất nghiên cứu trong “Nghệ thuật ngày thường” vẫn rất đậm nét?

- Thì phần lớn những bài viết này được “xé” từ những công trình nghiên cứu của tôi. Nhiều bài phải viết đi viết lại rất nhiều lần, có khi cả tháng trời nhưThế giới vô cùng vạn vật giai không. Hay có những bài tương đối rõ nét về nghiên cứu như Thập mục ngưu đồ. Những loạt bài về thị trường nghệ thuật, Sau lũy tre làng... cũng đều là những vấn đề rất “nặng”.Chỉ có điều, khi nghiên cứu nghệ thuật bao giờ cũng cần đề cập tới nền tảng xã hội. Có người sau khi nghiên cứu bỏ phần xã hội đi, còn mình thì đưa thêm vào.

- Cuốn sách này có thể là một gợi ý để ông tiếp tục công việc nghiên cứu của mình dưới những hình thức khác?

- Sau khi ra mắt cuốn sách, tôi thấy mình cần thay đổi tư duy viết sách. Một cuốn sách nghiên cứu công phu như Điêu khắc cổ Việt Nam có giá trị riêng của nó, nhưng 500.000đ/cuốn từ cách đây gần 10 năm là món tiền không nhỏ. Làm thế nào để người ta vừa dễ đọc lại vừa dễ mua. Điều này có thể gợi cho tôi cách viết sau này, bởi lẽ nghiên cứu có sâu, có hay nhưng không chuyển tải được nhiều tới người đọc thì quả là lãng phí.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Thi thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phan Cẩm Thượng với “Nghệ thuật ngày thường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.