Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiều cuối năm với dịch giả Dương Tường

Thi Thi| 09/01/2011 07:11

(HNM) - Lão nhà văn, dịch giả Dương Tường vừa

(HNM) - Lão nhà văn, dịch giả Dương Tường vừa "đi" hết hơn 600 trang sách đầy thách đố để chuyển ngữ tác phẩm "Chết chịu" của nhà văn lớn Céline (Pháp) ra tiếng Việt. Hơn 700 ngày nhọc nhằn để rồi cuối cùng rầu lòng vì đơn vị đặt hàng lại không in. Ấy thế mà người dịch giả tuổi ngoại 80 ấy lại bắt tay vào một cuộc chinh phục mới, đầy hào hứng…

Chiều cuối năm, ông chia sẻ những buồn vui với bạn đọc Hànộimới!

- Thưa nhà văn, dịch giả Dương Tường, vì sao ông nhận lời dịch "Mort à crédit" (Chết chịu) của Louis-Ferdinand Céline, một tác phẩm khó chuyển ngữ của văn học Pháp?

- Thực ra tôi nhận được đề nghị của NXB Giáo dục dịch cuốn này trong khi đã nhận lời chuyển ngữ "Lolita" cho Nhã Nam. Cũng còn chút băn khoăn không muốn làm, nhưng bởi đã qua nhiều người dịch thử mà không được và đây là sách do L'Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) tài trợ. Ông bạn Châu Diên của tôi - cũng là một dịch giả cự phách thử dịch một hai chương rồi bảo tôi: "Thôi, mày dịch đi, tao dịch lại phải chữa lại thì mất công lắm!". Vậy là tôi với bản tính cả nể đã nhận lời, để rồi mất đến hai năm chỉ dồn tâm lực cho cuốn này. Đáng buồn thay, khi dịch xong lại nhận được câu trả lời là không in được vì nhiều trang "sex". Mặc dù L'Espace và NXB Giáo dục đã gửi tiền thù lao dịch cho tôi. Nhưng với tôi, thù lao không quan trọng, mà cái chính là nỗi buồn về thân phận người dịch giả.

- Quả là đáng buồn khi đứa con tinh thần của mình không được khai sinh sau nhiều ngày vất vả. Song cũng qua những ngày ấy, ông hẳn có nhiều chuyện để chia sẻ với bạn đọc về tác phẩm, cũng như việc chuyển ngữ không dễ dàng này?

- Mặc dù là người chịu dịch nhiều cuốn khó, tôi cứ tưởng "Những con đường xứ Flandres" là đã tột đỉnh khó rồi, vậy mà đến cuốn này lại khó chưa từng thấy. Đây là một tác giả gây nhiều tranh cãi trong nền văn học Pháp, nhưng không ai có thể phủ nhận được vị trí hàng đầu của ông. Một bút pháp rất đặc biệt khiến Céline đứng một khoảnh riêng trong mảnh đất màu mỡ của nền văn học này. "Chết chịu" có chất tự sự, qua câu chuyện thời niên thiếu của ông để nói lên sự hỗn mang của thời đại.

Dịch "Chết chịu", tôi đã mất hai năm liền lao lực. Để hiểu Céline, tôi đã phải đọc những cuốn sách với hàng nghìn trang là "Chết chịu" nguyên bản tiếng Pháp, "Chết chịu" bản tiếng Anh, "Từ điển về Céline", "Chuyên khảo về Céline", "Toàn tập thư từ của Céline". Như tôi đã nói, Céline có bút pháp rất lạ, nhiều chữ tự tác giả nghĩ ra, không có trong từ điển nào, chỉ có qua thư từ của ông để hiểu rõ hơn. Có những ngày tôi chỉ đi được qua hai trang và ngay trong giấc ngủ, những con chữ vẫn còn ám ảnh. Nếu cuốn sách này được in, có lẽ cũng phải đến 800 trang, vì tôi bỏ thời gian làm chú thích rất kỹ.

- Đọc tài liệu tham khảo, làm chú thích kỹ…, hình như không có nhiều dịch giả trẻ mất thời gian cho việc này? Ông nghĩ sao về đội ngũ kế cận của những người làm cầu nối văn hóa đọc như ông?

- Đó cũng là nỗi lo ngại của chúng tôi, bởi lẽ dịch giả trẻ không có nhiều, mà phần đông chưa thật sự yêu nghề, thường là chạy theo các đầu sách thời thượng, ít chịu tìm kiếm những tác phẩm giá trị. Một số người mới có ít ngoại ngữ đã "đè" sách người ta ra dịch. Và cũng không có mấy dịch giả chịu tìm nhiều tài liệu đọc để hiểu về tác giả trước khi chuyển ngữ.

- Vậy, với riêng ông, sau hơn nửa thế kỷ làm cầu nối văn học với thế giới, ông nhận thấy những phẩm chất nào là cần thiết nhất đối với người dịch giả?

- Đó là văn đức. Có văn đức, anh mới đủ nghị lực để chọn những tác phẩm giá trị, tìm hiểu kỹ về tác giả, chuyển ngữ kỹ lưỡng, làm chú thích tốt để giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm. Bên cạnh đó, người dịch giả hãy là người giỏi tiếng mẹ đẻ trước khi giỏi ngoại ngữ. Luôn trăn trở, có lương tâm trước mỗi trang dịch của mình thì mới có được tác phẩm tốt. Tôi dịch Anna Karenina, đến lần in thứ 3 vẫn cảm thấy chưa yên, vẫn cứ tìm ra lỗi…

- Thưa dịch giả Dương Tường, ông có nghĩ đến việc viết một cuốn sách kể chuyện "bếp núc" làm nghề của mình để chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ trẻ?

- Có lẽ chia sẻ qua công việc cụ thể thì hiệu quả hơn. Ví như qua việc hiệu đính cho cuốn sách dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, chúng tôi đã trao đổi với nhau được nhiều kinh nghiệm dịch thuật. Còn nếu như quỹ thời gian còn cho phép, tôi sẽ viết lại hồi ức đời mình với những kỷ niệm về bạn bè, nghề nghiệp…

- Vậy, sau khi hoàn thành bản dịch "Chết chịu", hiện nay ông có dịch tác phẩm mới nào không?

- Có, tôi đang dịch "Lolita" của Vladimir Nabokov, cảm thấy hào hứng lắm, vì đây là một trong những kiệt tác văn học mọi thời đại. Dự kiến tháng 4-2011 tôi sẽ giao bản dịch cho Nhã Nam.

- Xin cảm ơn dịch giả và xin chúc quỹ thời gian của ông sẽ còn dư cho những việc hệ trọng mà ông theo đuổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiều cuối năm với dịch giả Dương Tường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.