Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên tiếp tục phát ấn Đền Trần?

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 26/03/2011 07:37

(HNM) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về thông tin Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã làm việc và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định dừng phát ấn ở Đền Trần (Nam Định). Những năm gần đây, việc phát ấn cho hàng vạn người đã bị đánh giá là


Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy nhau trong lễ khai ấn tại Đền Trần gây bức xúc trong dư luận.


Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Thanh Đức: Phát ấn đại trà để “phổ cập” lễ hội?


Sử sách cũng có chỗ ghi, vào rạng sáng ngày 14 tháng Giêng hằng năm, triều đình nhà Trần tổ chức lễ khai ấn cầu quốc thái, dân an, mong cho mưa thuận, gió hòa, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Có sách ghi việc đóng ấn chỉ thực hiện một lần, nhưng cũng có sách ghi ấn được đóng một số lượng nhất định để ban cho người có công với nước. Nhưng tuyệt nhiên không có sách sử nào ghi nhận việc phát ấn cho hàng ngàn, hàng vạn người như những năm qua diễn ra tại Đền Trần ở Nam Định. Thiết nghĩ, việc lưu giữ và truyền bá một lễ hội văn hóa truyền thống là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu, thực hiện đúng lễ nghi và ý nghĩa của lễ hội đó. Nếu "phát ấn" đại trà như hiện nay thì chỉ đơn thuần là "phổ cập" lễ hội nhằm thu hút du khách đến địa phương. Tôi còn có cảm giác người đi xin ấn chủ yếu là theo phong trào, vì sợ rơi "lộc" vào tay người khác chứ không phải là tham gia sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đích thực.

Ông Bùi Đức Minh (cán bộ Bộ Ngoại giao): Phản cảm!

Tôi được biết trong dịp lễ khai ấn Đền Trần năm Canh Dần 2010, Ban tổ chức bố trí 4 bàn phát ấn và không đáp ứng được nhu cầu xin ấn của hàng vạn du khách. Năm Tân Mão 2011, Đền Trần tổ chức 75 bàn phát ấn nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau vẫn diễn ra. Nói là phát ấn miễn phí nhưng người xin ấn nào cũng trả bằng tiền. Hình ảnh người người chen lấn hỗn loạn đã biến một nghi thức đẹp thành buổi "chợ" bán ấn, hết sức phản cảm.

Anh Trần Vũ Tiến Trung (huyện Vụ Bản, Nam Định): Dừng phát ấn là chính xác

Tôi đã nhiều lần xin ấn được phát miễn phí tại các bàn của ban tổ chức rồi mang ra ngoài bán lại cho người có nhu cầu. Giá bán ấn thì vô cùng, tùy theo việc gặp được người mua loại nào. Việc in ấn giả để bán cũng có. Tôi biết có những người ở Nam Định đã đặt làm ấn và in ấn giả tại Hà Nội (vì chất lượng cao hơn) rồi mang về lễ hội, bán cho… người Hà Nội đi lễ Đền Trần. Việc dừng phát ấn Đền Trần có thể làm nhiều người cụt hứng, nhưng tôi nghĩ, nếu lễ hội được tổ chức đúng nghi thức, cùng với trò chơi và sinh hoạt văn hóa dân gian hấp dẫn thì vẫn thu hút được nhiều du khách. Khi đó, người dân Nam Định chúng tôi có thể kiếm tiền bằng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứ không phải "bán ấn" nữa.

Chị Vũ Thị Thanh Hải (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm): Ấn được phát đại trà liệu có còn “thiêng”?

Năm Tân Mão 2011, gia đình tôi có hai người đi dự lễ khai ấn Đền Trần nhưng đi theo hai đoàn khác nhau. Khi trở về, mang ấn ra so, dù có cùng hình thức nhưng chất liệu và chất lượng in, độ sắc nét trên hai ấn là khác nhau. Như vậy thì có phải đã có sự trà trộn giữa ấn thật, ấn giả? Hàng vạn bản ấn đã được đóng trước lễ nhiều ngày, nhiều tháng thì dù có được đóng bằng ấn "xịn" liệu có "thiêng"?

Chị Hà Thị Kim Tuyến (Ủy ban Thể dục thể thao): Cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của lễ khai ấn Đền Trần...

Lệ phát ấn Đền Trần trong vài năm qua đã để lại tai tiếng không đáng có. Cảnh chen lấn, xô đẩy, "dí" tiền qua song sắt để mua ấn thật phản văn hóa. Nhiều người tự hỏi, tại sao cảnh "chướng tai, gai mắt" ở Đền Trần lại phát triển rầm rộ như vậy? Phải chăng vì nhiều người chưa hiểu hết ngọn nguồn văn hóa? Để người dân đến Đền Trần được thanh thản, yên bình, tôi đề nghị tuyên truyền nhiều hơn nữa về ý nghĩa đích thực của hoạt động khai ấn Đền Trần.

quang_huy_vo@polysius.vn: Đồng tình với việc dừng phát ấn Đền Trần

Tôi đã đến Đền Trần vào mùa lễ hội năm nay và giật mình khi thấy phần lớn thanh niên không hiểu gì về các triều đại vua Trần mà chỉ đơn giản cố lấy bằng được ấn để mong sẽ "ứng" vào đường công danh, sự nghiệp, kể cả là mua ấn. Với cách nghĩ hời hợt, nông cạn như vậy cùng với việc bán ấn của Ban tổ chức lễ hội sẽ gây những luồng suy nghĩ không lành mạnh, suy diễn và đặc biệt là gây tâm lý không tích cực với thế hệ trẻ. Tôi cho rằng dừng phát ấn Đền Trần là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và sẽ góp phần tăng tính văn hóa của lễ hội nhưng nên giữ lại hoạt động khai ấn theo đúng nghi thức truyền thống.

Ông Đặng Ngọc Tài (Viện Khoa học đo đạc bản đồ - Bộ Tài nguyên và Môi trường): Không nên phát ấn vào dịp lễ hội...

Tôi đã tham dự lễ hội Đền Trần hai lần, được chứng kiến sự chen lấn, xô đẩy khủng khiếp, thậm chí người ta còn tranh giành, cướp ấn của nhau. Bên cạnh đó, tình trạng trộm cắp, móc túi, mua đi bán lại ấn diễn ra đã làm mất đi sự tôn nghiêm của lễ hội. Theo tôi, trước mắt chỉ nên tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, còn việc phát ấn, nếu có, nên tổ chức vào những ngày khác để không làm mất đi nét đẹp riêng của lễ hội và cũng tránh được tình trạng mọi người chen lấn xô đẩy giữa đêm để xin ấn, tạo cơ hội cho các loại tệ nạn hoành hành.

Anh Dương Việt Phú (Công ty liên doanh Việt Nam - Berjaya Hồ Tây): Đừng làm méo mó nét đẹp văn hóa - lịch sử...

Vì cho rằng "xin" ấn "linh" nhất là giờ Tý ngày khai ấn nên đêm 14 tháng Giêng hằng năm mới diễn ra cảnh người người xô đẩy, giẫm đạp để đến được bàn phát ấn. Thực tế việc xin ấn Đền Trần chỉ là vấn đề tâm linh. Nếu ai cũng "xin" được, chẳng lẽ thiên hạ đều làm quan hết? Hơn nữa, đó là bán ấn chứ không phải là phát ấn, sẽ làm méo mó nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Sẽ tổ chức hợp lý việc phát ấn Đền Trần

(HNM) - Gần đây, dư luận rộ lên trước thông tin đăng tải trên một số trang báo mạng rằng sẽ không tổ chức lễ phát ấn ở Đền Trần (Nam Định) kể từ năm 2012.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định cho biết: Ngày 19-3, Đoàn công tác Bộ VH,TT&DL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Nam Định về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh nói chung, lễ hội Đền Trần nói riêng. Tại đây, các ngành liên quan của tỉnh đã báo cáo những mặt làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong lễ khai ấn Đền Trần năm Tân Mão và đề nghị Bộ VH,TT&DL phối hợp, giúp tìm giải pháp khắc phục cho những năm tiếp theo. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều phía, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: "Không thể phủ nhận những cố gắng của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, tổ chức lễ khai ấn nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, mất an ninh trật tự trong buổi lễ đã gây bức xúc trong dư luận cả nước. Có thể còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do việc tổ chức phát ấn". Để khắc phục, Bộ trưởng yêu cầu: "Lễ khai ấn tại Đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống; không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng; đồng thời giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật phối hợp với Sở VH,TT&DL và UBND thành phố Nam Định xây dựng mô hình quản lý, tổ chức lễ khai ấn một cách phù hợp nhất và có báo cáo về Bộ vào đầu quý II năm nay".

Ông Đỗ Thanh Xuân nhấn mạnh thêm rằng, Bộ trưởng chỉ yêu cầu không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng để giảm sự lộn xộn, quá tải chứ không phải bỏ hẳn việc phát ấn. Việc phát ấn vẫn diễn ra trong những ngày tiếp sau đó nhưng sẽ được tổ chức hợp lý hơn.

Trao đổi với Hànộimới chiều ngày 25-3, ông Tô Văn Động - người phát ngôn Bộ VH,TT&DL khẳng định: Nội dung làm việc của Bộ với tỉnh Nam Định đúng như những gì ông Đỗ Thanh Xuân đã trao đổi. Ngày 28-3 tới, Bộ sẽ có thông báo chính thức về việc này.

Minh Ngọc
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên tiếp tục phát ấn Đền Trần?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.