Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện bộ sưu tập ảnh cổ về Sài Gòn

Thi Thi| 30/04/2011 08:16

Đúng dịp kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, KTS Đoàn Bắc đã công bố 168 bức ảnh cổ về Sài Gòn từ năm 1860 đến 1909, trong đó có những bức được coi là cổ nhất ở Việt Nam… KTS Đoàn Bắc chia sẻ về niềm say mê tư liệu cổ với bạn đọc Hànộimới.


- Khoảng 3.000 bức ảnh cổ về Hà Nội xưa của anh được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Vậy còn 168 bức ảnh quý về Sài Gòn xưa có nguồn gốc từ đâu, thưa anh?


Gánh hàng rong.(Ảnh do KTS Đoàn Bắc và nhà giáo Vũ Thế Khôi cung cấp)


- Cách đây hai tháng, một người Việt ở nước ngoài gửi mail cho tôi bày tỏ sự trân trọng với bộ ảnh Hà Nội xưa và tình cảm của ông với mảnh đất phương Nam. Từ đó, tôi nảy ra ý định công bố những bức ảnh có thể mang lại sự hình dung về Sài Gòn xưa. Nguồn thứ nhất là tư liệu của Trung tâm Lưu trữ thuộc địa ở Pháp tặng cho nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi năm 2007. Thứ hai là bộ ảnh ghi lại hình ảnh Sài Gòn những năm 1889-1974 do cháu nội của bác sĩ người Pháp Louis Sadoul (người đã chụp nhiều ảnh về Việt Nam giai đoạn 1889-1904) cung cấp riêng cho tôi. Đây là bộ ảnh đặc biệt, nhưng mới chỉ là phần nhỏ trong bộ sưu tập ảnh cổ về Sài Gòn mà tôi đang có, hiện tôi cũng chỉ kịp công bố các bức ảnh trong giai đoạn từ năm 1860 đến 1909.

- Những bức ảnh có cách đây hàng trăm năm, anh nghĩ sao về việc xác minh nguồn gốc, cũng như chú thích ảnh chính xác?

- Những bức ảnh trong đĩa ảnh của Trung tâm Lưu trữ thuộc địa ở Pháp đều có thông tin rõ ràng, với phần chú thích bằng tiếng Pháp. Tôi cũng phải nhờ thêm các chuyên gia, tra cứu trong cuốn "Sài Gòn năm xưa" của Vương Hồng Sển. Sách xuất bản năm 1960, tập hợp tư liệu cổ về Sài Gòn bằng cả tiếng Pháp, tiếng Việt và chữ Hán. Từ tài liệu này, tôi được biết, năm 1859 khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã chụp khá nhiều về vùng đất mà họ vừa chiếm. Trong bộ sưu tập này có bức chụp năm 1860, tức là ngay sau khi người Pháp đặt chân tới vùng đất này. Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành cũng nhận định rằng, đó là bức ảnh cổ nhất về Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay. Tôi đặt tên cho bộ sưu tập này là "Thuở ban đầu hòn ngọc Viễn Đông".

- Anh có thể chia sẻ đôi điều về những bức ảnh quý trong bộ ảnh này?


Hình ảnh khu phố Chamer (khu vực chợ Bến Thành ngày nay) đang xây dựng.

- Bộ ảnh được sắp xếp theo 4 chủ đề chính: "Phát triển đô thị" (đây chính là đô thị được quy hoạch phát triển theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Việt Nam), "Sông Sài Gòn", "Con người Sài Gòn" và "Kiến trúc". Bức ảnh cổ nhất chụp năm 1860 chính là bức một khu phố Sài Gòn xưa, không khác gì một con phố của Hà Nội thuở trước với những ngôi nhà mặt phố mái ngói lô xô… Và đặc biệt là những bức ảnh về sông Sài Gòn cách đây hơn 150 năm với những xóm nhà lá ven sông, thuyền đánh cá nhỏ cùng với cả các chiến hạm và tàu khách lớn… Bên cạnh đó là những bức ảnh cho thấy cuộc sống, trang phục khá đặc trưng của người Sài Gòn thuở trước…

- Vì sao anh không tổ chức triển lãm?

- Từ khi làm ảnh cổ tôi đặt ra mục tiêu rõ ràng rằng, những bức ảnh phải được trở về nơi nó sinh ra. Ảnh Hà Nội phải ra mắt từ Hà Nội, rồi mới đến nơi khác. Triển lãm ảnh về Sài Gòn xưa cũng vậy. Tuy nhiên, tôi rất muốn công bố bộ sưu tập này và chờ đợi những tổ chức, cá nhân khác sẽ cùng tham gia "cuộc chơi" vì mình tôi không đủ sức.

Hôm nay 30-4, tôi chính thức ra mắt website kyuc.vn giới thiệu ý tưởng về việc khai thác, sưu tầm, phát huy giá trị tư liệu cổ về Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khác của Việt Nam. Tại đây, sẽ có một thư viện trực tuyến về ảnh cổ, với đường link tới googlemaps xác định vị trí trong bức ảnh, bạn đọc có thể phản hồi về các sự kiện quanh bức ảnh, tạo cho nó một đời sống thực sự trong lòng công chúng.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện bộ sưu tập ảnh cổ về Sài Gòn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.