Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ít phút với Trần Đăng Khoa

Hải Giang| 05/06/2011 06:35

(HNM) - Trần Đăng Khoa, một tên tuổi đã quá quen thuộc với nhiều

Nói điều gì về cây bút này để độc giả thấy mới mẻ? Hànộimới đã có cuộc trao đổi với anh quanh chuyện nhà văn mê IT (công nghệ thông tin) và mối bận tâm ngày càng nhiều hơn của Trần Đăng Khoa cho văn xuôi…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (phải) với người hâm mộ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


- Thưa anh, giới văn sĩ nói rằng Trần Đăng Khoa sở hữu khá nhiều thiết bị IT để phục vụ công việc và nghề viết. Ngay cả câu chuyện sách điện tử còn xa lạ với nhiều người thì anh cũng đã sử dụng từ khá lâu?

- Đúng là tôi có nhiều thiết bị IT, từ thứ phổ thông như điện thoại, máy quay phim, máy ghi âm chuyên dụng đến thiết bị đa ứng dụng như Galaxy, Ipad, Ipod… Đi đâu, chỉ mang chiếc Galaxy hoặc Ipad theo là tôi có thể duyệt chương trình VOV, đọc sách điện tử và viết lách. Hiện trong chiếc Ipad 2 của tôi đã có trên 500 đầu sách, bằng một thư viện di động rồi. Đây không phải a dua, hay chạy theo mốt. Đơn giản, tôi chỉ là gã thực dụng. Công nghệ thông tin giúp tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Tôi nghĩ đời sống ngày một văn minh, mình phải tận dụng thiết bị hiện đại để làm việc tốt hơn.

Trước đây, khi nhiều nhà văn còn bỡ ngỡ, tôi đã sử dụng vi tính để đi, viết, nuôi chuyên mục trên một số tờ báo như “Nhịp cầu” (Báo Nông nghiệp), “Dạ đàm” (Báo Sức khỏe đời sống), “Trò chuyện văn chương” (Tuổi trẻ cười), “Đốp chát với Trần Đăng Khoa” (Toán tuổi thơ), “Hầu chuyện Thượng đế” (Văn học và tuổi trẻ)… Tôi có một thói quen chẳng biết tốt hay xấu, là cứ phải thúc mới ra được tác phẩm. Với “Góc sân và khoảng trời”, có đến 80% số bài là tôi viết theo “đặt hàng” của khách vãng lai. Ấy là bởi người ta không tin Trần Đăng Khoa từng ấy tuổi mà viết được thơ, nên thường đến thăm, họ hay ra đề cho tôi viết trực tiếp. Thoạt đầu rất khó chịu. Nhưng rồi quen dần.

- Những tiện ích mà máy tính và internet mang lại cho nhà văn chỉ là một câu chuyện nhỏ. Việc số hóa tác phẩm văn học, bản quyền sách điện tử và rất nhiều vấn đề mới nảy sinh giữa IT và văn chương khiến nhà văn bỡ ngỡ. Theo anh, nhà văn phải ứng xử thế nào?

- Theo tôi, chúng ta nên làm quen dần với các phương thức văn minh. Không phải ngẫu nhiên mà người ta chọn phương thức đọc sách điện tử, nó phải có điểm tối ưu chứ?! Tôi cho rằng, sách và cả báo điện tử nữa sẽ phát triển rất mạnh. Vừa qua, tôi đã ký tham gia nhà sách điện tử đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, có nhiều nhà văn ứng dụng công nghệ thông tin vào nghề viết, các blog của văn nghệ sĩ là một ví dụ. Có thể kể đến Xuân Đức, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhương, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn… Tôi nghĩ đây là một kênh thông tin có tính cập nhật rất cao. Ở đó cũng có nhiều cuộc trao đổi sinh động, đa chiều, có cái rất sâu sắc và cũng có cái rất chủ quan.

- Anh có tác phẩm mới nào sắp ra mắt bạn đọc không?

- Tôi có mấy cuốn sách, nhưng vẫn ngổn ngang lắm. Cuốn “Hầu chuyện Thượng đế”, gồm những bài trả lời phỏng vấn, những bài tiểu luận mini viết theo yêu cầu độc giả của tôi được chọn lọc từ các chuyên mục trên tờ “Toán tuổi thơ”, “Văn tuổi thơ” - NXB Giáo dục và “Nhịp cầu” trên báo Nông nghiệp. Xuất phát từ các bài báo, nên khi vào sách thì phải viết lại cho đầy đủ, gọn nghĩa. Hiện bản thảo đã lên đến hơn nghìn trang. Tôi không chối từ bất cứ câu hỏi nào, cả những câu hỏi hóc và sốc. Bên cạnh đó, tôi cũng đang hoàn thiện tiểu thuyết “Lão đấu” khởi thảo từ hồi còn học lớp 5, đã in đôi chương trên báo Người Hà Nội và Tạp chí Nhà văn.

- Thưa anh, chắc không phải ngẫu nhiên mà gần đây anh tập trung nhiều cho văn xuôi như vậy?

- Quả là gần đây tôi dồn nhiều tâm sức cho văn xuôi. Bởi đời sống không ngừng mở ra những vấn đề mới mà chỉ văn xuôi mới tải hết được. Hơn thế, gần đây bạn đọc cũng xa lánh với thơ, ngay cả thơ hay cũng khó gây được tiếng vang. Ấy là chưa kể thơ hay còn bị vùi lấp bởi hàng loạt thơ dở, nhưng lại được một vài nhà phê bình quảng cáo, nên rất nhiễu. Ngay đến các nhà thơ cũng không chịu đọc của nhau một cách nghiêm túc.

- Anh có đọc các cây bút trẻ không?

- Có chứ. Bản thân tôi đã viết tựa sách cho nhiều cây bút trẻ.

- Anh đặc biệt chú ý đến ai?

- Nhiều đấy. Tôi thích văn xuôi của họ hơn thơ, một số bạn khá như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Doãn Hoàng....

- Ngoài những” vai” đã tham gia, thời gian tới anh có mong muốn thử nghiệm vai trò gì mới không?

- Khát vọng thì lớn, nhưng sức lực lại có hạn. Tôi cũng không còn trẻ nữa. Thêm nữa, công việc hiện tại lại rất nặng. Không ngoại trừ tôi sẽ xin nghỉ sớm để dồn mọi tâm lực cho các trang viết...

- Xin chân thành cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ít phút với Trần Đăng Khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.