Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lối thoát cho HTX nông nghiệp ở Hà Nội

Chí Đạo - Thu Hằng| 13/12/2010 06:45

LTS: Sau khi sắp xếp, đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2003, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp (HTX) phải đối diện với nhiều khó khăn, mất vai trò


Bài 1: Lay lắt đến bao giờ ?

* 54% HTX hoạt động trung bình, yếu kém; 176 HTX ngừng hoạt động hoặc đang chờ giải thể
* 86% cán bộ HTX chưa qua đào tạo chuyên môn


Hoạt động cầm chừng, thua lỗ do thiếu vốn, thiếu cách "làm ăn" hiệu quả đã làm lu mờ hình ảnh và vai trò nhiều HTX nông nghiệp ở Hà Nội. Sống "thoi thóp", đội ngũ cán bộ HTX vẫn gắng gượng chèo chống hy vọng một ngày sự "nhiệm màu" của thời gian sẽ giúp họ lấy lại phong độ của một thời đã tạo dựng được.

"Bình mới, rượu cũ"

HTX Liệp Mai, xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) một điển hình của câu chuyện chuyển đổi hình thức theo kiểu "bình mới, rượu cũ". Trụ sở HTX là một ngôi nhà cấp 4, tọa lạc trên khu đất rộng rãi nhưng vắng lặng. Có mặt tại trụ sở theo đúng giờ hẹn nhưng văn phòng HTX đóng cửa im ỉm, sau một hồi PV gọi điện thoại mới thấy một vị cán bộ xuất hiện. HTX Liệp Mai có xã viên đông (1.300 xã viên/720 hộ), không có vốn lưu động lại phải gánh nợ 300 triệu đồng thời kỳ trước để lại nên hoạt động cầm chừng, thậm chí qua quýt. Nguồn thu "màu mỡ" nhất từ dịch vụ điện bị "cắt" từ năm 2008 khiến HTX rơi vào cảnh sống "lay lắt qua ngày". "Không vay được vốn ngân hàng nên không mở rộng được kinh doanh dịch vụ. Dân bầu thì phải tròn trách nhiệm nhưng nếu làm kinh tế thì không đủ ăn !?" - ông Kiều Duy Thành, Chủ nhiệm HTX Liệp Mai than vãn.

HTX Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) - một đơn vị từng là điển hình được nhiều nơi về tham quan học tập, được tặng nhiều phần thưởng cao quý nhưng hoạt động ở thời điểm này cũng gặp không ít khó khăn với 7.500 xã viên, điểm sáng nhất ở đây sau khi chuyển đổi theo luật là vận động góp vốn với mức 50 nghìn đồng/xã viên. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Võng Xuyên cho rằng, nếu cứ tình trạng xã viên "cả làng" thì huy động vốn rất khó, dịch vụ ít cạnh tranh, hoạt động chỉ bó gọn trong một địa giới hành chính.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, xã viên ở các HTX nông nghiệp chủ yếu là cũ chuyển thành mới và hầu hết không góp thêm vốn điều lệ, số HTX có trên 500 xã viên chiếm tới 70%. Trong tổng số hơn 1 triệu xã viên thì chỉ có 274 nghìn xã viên đại diện hộ gia đình, còn lại là cá nhân, người lao động. Các HTX chủ yếu đảm nhận dịch vụ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp như tưới tiêu, dẫn nước; bảo vệ thực vật; thú y; bảo vệ đồng ruộng; khuyến nông; cung ứng giống, vật tư; làm đất...


Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay hoạt động manh mún, kém hiệu quả. Ảnh: B. Lâm


Trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ HTX yếu, một bộ phận chưa thiết tha công việc, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. TX Sơn Tây - một địa phương có trình độ dân trí khá cao khu vực ngoại thành nhưng đội ngũ cán bộ HTX chủ yếu chưa qua đào tạo và tuổi đã cao (đa số ngoài 50 tuổi). Trong số 64 cán bộ quản lý HTX thì chỉ có 4 người trình độ cao đẳng và 5 người trung cấp. Ông Trần Văn Cương, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX cho rằng, khu vực HTX không thu hút được cán bộ giỏi, có trình độ về công tác do thu nhập thấp, điều kiện, môi trường làm việc thiếu thốn, lạc hậu. Đây là thực trạng chung của cả Hà Nội. Trong tổng số 8.258 cán bộ HTX nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 86% chưa qua đào tạo cơ bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó là tình trạng "khát" vốn hoặc có vốn thì sử dụng kém hiệu quả do không mở được sản xuất, kinh doanh. Rất ít HTX có nhu cầu vay vốn, bởi đều bí cách làm ăn, không dám kinh doanh, dịch vụ, sợ lỗ càng nặng hơn. Hiện bình quân góp vốn của xã viên đạt thấp, từ 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/xã viên. Đáng nói là vốn của HTX có nguy cơ không được bảo toàn và mai một do hạch toán không đủ "đầu vào", không khấu hao đủ tài sản cố định, vẫn còn chi bao cấp cho hoạt động hành chính xã hội; thu nợ cũ khó khăn và có biểu hiện nợ mới phát sinh... Ngoài đất đai chủ yếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản cố định của HTX như hệ thống kênh mương, đường nội đồng, trạm bơm, đường nông thôn, giá trị công trình điện, trụ sở làm việc, nhà kho… chiếm trên 80% tổng vốn kinh doanh. Tài sản HTX nghèo nàn, vốn liếng hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của HTX.

Năng lực điều hành, dịch vụ yếu, nông dân phải tự "bơi"

Hầu hết HTX nông nghiệp hiện nay chỉ làm được một số khâu dịch vụ giản đơn, mang tính phục vụ, mô hình đã lạc hậu và không theo kịp với guồng quay của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, số khâu dịch vụ này cũng "sống" trong tình trạng "dở sống dở chết" vì sự yếu kém trong quản lý, điều hành. Việc tiếp nhận và chuyển giao cây, con giống mới hạn chế dẫn đến chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chậm… dịch vụ bảo vệ thực vật nhỏ lẻ; bảo vệ ruộng đồng, thủy nông hoạt động cầm chừng. HTX mất dần vai trò "bà đỡ", xã viên phải tự "bơi" nên hoạt động sản xuất đình trệ, người dân ở nhiều nơi không thiết tha với nông nghiệp, chuyển sang làm thuê ở các làng nghề, xí nghiệp và ra thành phố tìm kiếm việc làm.

Số lượng HTX hoạt động kém hiệu quả như trên hiện đang chiếm phần lớn. Theo kết quả phân loại các loại hình HTX của Liên minh HTX Hà Nội, có đến 54% số HTX (HTX nông nghiệp chiếm chủ yếu) hoạt động ở mức trung bình và yếu kém; số HTX khá, giỏi giảm 5,4% so cùng kỳ năm 2008; 176 HTX ngừng hoạt động hoặc đang chờ giải thể, chuyển đổi mô hình. Những HTX còn lại hoạt động cũng khó khăn vì thiếu vốn, sản phẩm nông nghiệp hẹp "đầu ra", cơ chế chính sách còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng hoạt động HTX nông nghiệp kém hiệu quả. Trong đó chủ quan do nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền, thậm chí cán bộ HTX, xã viên về HTX có nơi chưa đầy đủ, vẫn có quan niệm "HTX là nhà, dân là chủ". Nhiều xã viên đăng ký tham gia HTX mới còn mang tâm lý sợ mất quyền lợi của HTX cũ chuyển sang, nên quan hệ thiếu gắn bó. Chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều bất cập, thu nhập của cán bộ quá thấp so với các lĩnh vực khác (có HTX lương bình quân mỗi cán bộ chỉ đạt 250.000 đồng/tháng) nên không thu hút được người có chuyên môn vào làm việc tại HTX. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cho rằng, hiện chế độ bảo hiểm phần lớn không có nên cán bộ không an tâm phục vụ; cán bộ quản lý HTX chưa được coi là một nghề mà nhiều nơi vẫn kiêm nhiệm; quyền lợi xã viên khi qua đời, ra khỏi HTX, đang làm việc cho HTX chưa được bảo đảm... Thậm chí, nhiều cán bộ chỉ coi HTX là bàn đạp, trông chờ luân chuyển sang công tác tại UBND xã có phụ cấp cao hơn và được hưởng các quyền lợi khác mà ở HTX chưa làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lối thoát cho HTX nông nghiệp ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.