Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Treo” dự án, “buông” trách nhiệm!

Bài, ảnh: Ngọc Thủy| 31/01/2011 07:19

(HNM) - Tình trạng "treo" dự án xây dựng trường học tại nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội là vấn đề dân sinh bức xúc nhiều năm qua, chưa được giải quyết triệt để. Đã có những đợt kiểm tra, vấn đề được xới xáo, rồi sau đó lại chìm xuống, chỉ người dân các khu đô thị mới chịu thiệt thòi, vì không thể tìm được trường thuận tiện cho con em theo học.

Nơi chưa xây, nơi xây xong… vẫn đóng cửa!

Những ngày cuối năm bận rộn, Báo Hànộimới nhận được lá thư rất tâm huyết của ông Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Chánh Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hưng Yên, hiện sống tại số nhà A14, lô 15, Khu đô thị mới (KĐTM) Định Công, quận Hoàng Mai. Ông Thịnh viết: "Phường Định Công sau 10 năm có KĐTM, dân số tăng từ 1 vạn lên hơn 4 vạn người và số lượng học sinh cũng tăng theo. Các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập của phường Định Công đều đã quá tải, không có điều kiện để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo số liệu điều tra phổ cập vào tháng 10-2010, hiện tại phường Định Công có hơn 2.400 học sinh không có chỗ học, phải trái tuyến tại các địa phương khác. Từ việc học trái tuyến, tạo ra cơ chế xin cho, tiêu cực nảy sinh, phụ huynh phải đi xa để đưa đón, rồi tắc đường, tốn kém tiền của, sức lực của biết bao gia đình và có hàng trăm cháu nhỏ phải học ở những trường mầm non tư thục, vốn chỉ là các căn hộ khép kín, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, lô đất hàng ngàn mét vuông quy hoạch để xây trường trong KĐTM Định Công đã 10 năm nay vẫn bỏ hoang, rất lãng phí. Không biết học sinh ở phường Định Công và nhiều khu đô thị khác phải chịu thiệt thòi đến bao giờ?

Khu đất xây trường học tại KĐTM Định Công 10 năm vẫn bỏ hoang.

Định Công là một trong những KĐTM được xây dựng đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng là KĐT có quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ với diện tích đất dành cho cây xanh, siêu thị, trường học, nhà trẻ. Sau gần 10 năm hoàn thiện, đưa vào sử dụng, KĐTM Định Công đã có hệ thống Trường dân lập Phương Nam từ cấp tiểu học đến THPT và Trường Mầm non tư thục Bình Minh. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Trường dân lập Phương Nam hoạt động với mức học phí không phải gia đình nào cũng theo được; còn Trường Mầm non tư thục Bình Minh hoàn thiện từ năm 2006, nhưng vẫn "cửa đóng then cài". Diện tích đất để hoang nằm ngay cạnh Trường dân lập Phương Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: Mảnh đất trống chưa xây dựng đó đã được quy hoạch xây trường mẫu giáo, có diện tích 4.000m2. Toàn bộ diện tích này được quây tôn xung quanh để chống lấn chiếm, đổ rác thải. Chính quyền địa phương chỉ quản lý về nhân khẩu, vệ sinh môi trường, việc sử dụng đất thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD). Tình trạng quá tải ở các trường học trên địa bàn phường là có thật, rất mong chủ đầu tư và cơ quan chức năng sớm xây dựng trường học theo quy hoạch để phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của con em phường Định Công, nhất là cư dân trong KĐTM.

Trách nhiệm không rõ ràng

Tại KĐTM kiểu mẫu Linh Đàm, thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện cũng mới chỉ có trường mầm non, chưa có thêm cấp học nào khác. Chị Nguyễn Thu Hiền hiện sống tại tòa nhà X2, KĐTM Linh Đàm cho hay: Trường Mầm non thực hành Linh Đàm không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, nhiều người trong đó có gia đình chị phải gửi con ở trường tư thục với mức học phí khá cao. Sang năm con trai chị học lớp 1, không còn cách nào khác chị phải cho cháu học trái tuyến ở Trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm cho gần cơ quan làm việc, mà cũng phải vất vả lắm chị mới xin được một "suất".

Tình trạng "trắng" trường học đang diễn ra ở khá nhiều các KĐTM: Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Thanh Trì), Mễ Trì Hạ (Từ Liêm)… Một số khu khác xây trường theo phương thức xã hội hóa, nhưng tiến độ chậm, nhiều năm chưa bàn giao được như ở KĐTM Đại Kim - Định Công (Hoàng Mai). Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên mới xây được trường tiểu học, còn bốn lô đất đã quy hoạch xây nhà trẻ, trường học khác vẫn bỏ trống… Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện việc xây trường ở một số KĐTM đang bị vướng do dự án không thể hiện rõ chủ đầu tư phải bỏ kinh phí hay địa phương lấy từ ngân sách, quy hoạch mạng lưới trường công lập hay dân lập chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc quy hoạch xây trường đã có, nhưng đất vẫn để hoang. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác dẫn đến việc xây trường bị chủ đầu tư "bỏ quên", không chịu thực hiện là vì không thu được lợi nhuận, sau khi đã khai thác hết những địa điểm vàng để xây dựng căn hộ, khu dịch vụ… Bà Lê Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai thừa nhận, trên địa bàn quận còn nhiều KĐTM chưa có trường học. Đất xây trường nằm trong các dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho chủ đầu tư, quận có thiếu lớp học cũng không được sử dụng đất.

Với một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, hạ tầng đồng bộ, cảnh quan đẹp, hiện đại, song lại "trắng" trường học, bộ mặt các KĐTM hiện chưa thể đạt đến mức "chuẩn", ngay cả ở những KĐTM đã đạt "chuẩn" theo tiêu chí của Bộ Xây dựng. Thiết nghĩ để tình trạng tương tự không xảy ra, các cấp có thẩm quyền cần phải bắt buộc các chủ đầu tư xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, trường học, cơ sở y tế… mới cho phép đầu tư tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Treo” dự án, “buông” trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.