Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng quản lý sau đầu tư

Bài, ảnh: Đỗ Hà| 25/03/2011 07:10

(HNM) - Để sớm khắc phục tình trạng 16 trạm cấp nước (TCN) sạch nông thôn ở các huyện ngoại thành Hà Nội hiện đang


Xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các TCN đang "đắp chiếu" là giải pháp được tổ công tác đề cập nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, khai thác TCN sau đầu tư giúp người dân sớm được sử dụng nước sạch.


Lâu ngày không đưa vào sử dụng, hệ thống bể lọc của trạm cấp nước Phù Đổng (Gia Lâm) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, đến cuối năm 2010, các huyện ngoại thành Hà Nội có 101 TCN nông thôn, trong đó có 85 TCN đang hoạt động, cung cấp nước sạch thường xuyên cho khoảng 600.000 dân chủ yếu ở hai huyện ven đô Từ Liêm và Thanh Trì. Hiện nay, vẫn còn 16 TCN vẫn "đắp chiếu" gây lãng phí không ít tiền của Nhà nước và nhân dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được Báo Hànộimới phản ánh qua bài viết: "16 công trình cấp nước sạch tại các huyện ngoại thành Hà Nội: Dân khát, TCN "đắp chiếu".

Sở NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp như đề nghị TP tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhằm hoàn thiện các TCN xã hội hóa việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch... Trong đó chủ trương xã hội hóa việc cấp nước sạch nông thôn đã được coi là giải pháp hiệu quả nhất nhằm sớm đưa các TCN vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một "bài toán" không đơn giản.

Tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Thế nhưng trên thực tế việc đầu tư vào các công trình cấp nước không đơn giản chỉ là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, mà quan trọng nhất đó là việc quản lý, vận hành, khai thác các TCN sau đầu tư. Thực tế cho thấy, trong 16 TCN nói trên có 6 trạm đã hoàn thành, chỉ cần quản lý, vận hành tốt là có thể cấp nước đến tận hộ dân. Tuy nhiên, do công tác quản lý, vận hành sau đầu tư của một số địa phương chưa tốt; năng lực, trình độ của những người vận hành TCN chưa cao, chưa tận tâm với việc được giao nên không cấp được nước tới dân, để cho các TCN xuống cấp, lãng phí.

Theo ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, để TCN sạch nông thôn hoạt động hiệu quả phải bảo đảm ít nhất 3 yếu tố đó là người dân thực sự "cần" nước sạch trong sinh hoạt; giá nước phải thấp và quan trọng nhất là công tác quản lý, khai thác, vận hành TCN sau đầu tư. Qua khảo sát, kiểm tra tại một số TCN đang "đắp chiếu" cho thấy người dân ở đây chưa mặn mà với việc sử dụng nước sạch, nhiều địa phương chỉ có 15-20% số hộ có nhu cầu thực sự sử dụng nước sạch; số hộ còn lại thì có cũng được, chẳng có cũng không sao.

Một trong những nguyên nhân khiến các tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm tới lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn do nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp TCN quá lớn, trong khi đó người dân sử dụng không nhiều, dẫn đến nguồn vốn thu về từ hoạt động kinh doanh nước chậm, chưa kể việc nợ đọng tiền sử dụng nước hằng tháng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều "rào cản" bởi cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp có đơn đề nghị vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng, cải tạo công trình cấp nước sạch nông thôn nhưng, ngân hàng vẫn e ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Thêm nữa, thủ tục hành chính rườm rà nên các doanh nghiệp chưa "mặn mà". Thực tế, trên địa bàn Hà Nội chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn "đứng mũi, chịu sào" đầu tư xây dựng TCN tại những vùng nông thôn khó khăn, nhu cầu sử dụng chưa lớn để có thể rút kinh nghiệm khi triển khai xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn.

Trở lại vấn đề giải pháp xã hội hóa đầu tư xây dựng đối với một số TCN đang "đắp chiếu" trên địa bàn Hà Nội, thực tế cho thấy, do lâu ngày không đưa vào sử dụng, không bảo dưỡng thường xuyên nên hiện hầu hết máy móc, trang thiết bị của các TCN đều hư hỏng nặng, nhiều hạng mục không còn khả năng sử dụng; hệ thống bể chứa bị rò rỉ, thẩm thấu; đường ống dẫn nước bị bục vỡ, han gỉ... Để cải tạo, nâng cấp các TCN này doanh nghiệp phải đầu tư nhiều kinh phí. Chỉ tính riêng kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo 3 trạm cấp nước đang xây dựng dở dang tại xã Tam Hiệp (Phúc Thọ), Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), Phùng Xá (Thạch Thất) và 6 TCN đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng ở các huyện Gia Lâm, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đông Anh ước tính lên đến 55,7 tỷ đồng.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được hưởng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Không quá 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ; không quá 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; không quá 75% đối với các vùng nông thôn khác; không quá 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, doanh nghiệp được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành; được hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng quản lý sau đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.