Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân khổ, chính quyền cũng khổ

Vĩnh Long| 16/04/2011 08:10

Chị Nguyễn Thị Thúy Hải, số nhà 318 đường D3 phường 25, khu Văn Thánh Bắc (quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị đã chuẩn bị khoảng hơn 100 triệu đồng để tháng 3 vừa rồi nâng nền nhà.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hải, số nhà 318 đường D3 phường 25, khu Văn Thánh Bắc (quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị đã chuẩn bị khoảng hơn 100 triệu đồng để tháng 3 vừa rồi nâng nền nhà. "Trước đây, nền nhà tôi cao hơn mặt đường gần 70cm, thế nhưng hiện nay đã thấp hơn mặt đường hơn 30cm, gia đình buộc phải nâng nền để đi lại dễ dàng hơn, đặc biệt còn để chống nước triều và nước mưa tràn vào nhà".


Nhiều hộ dân trên đường Trần Quang Diệu (quận 3) khốn khổ vì dự án nâng đường.

Con đường trước nhà chị Hải trước đây vốn thấp hơn rất nhiều so với cốt nền nhà dân. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bắt đầu xuống cấp và lún sâu hơn. Đã có lúc con đường lún tới mức gần như trở thành… sông mỗi khi mưa xuống hoặc triều lên. Để bảo đảm an toàn giao thông, chính quyền và ngành chức năng đã phải nâng đường tới 2 lần, làm cho con đường vọt lên cao. Mới đây nhất vào đầu năm 2010, một số người dân trong khu vực thấy đường tiếp tục lún và lại thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa xuống, triều lên, đã vận động mỗi gia đình đóng góp 8 triệu đồng để nâng đường… lần thứ 3. Song nỗi lo về đường chưa hết thì tiếp tới là nhà, công việc mà gia đình chị Hải đang làm!

Ông Lê Văn Đoàn, sinh sống trong một ngôi biệt thự của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng đang khốn khổ vì nền đất lún. Phần diện tích xây dựng của ngôi biệt thự không lún do hệ thống móng được gia cố kỹ, nhưng toàn bộ sân vườn thì bị lún liên tục, thậm chí đã có lúc gia chủ không gia cố kịp, đất lún xuống, giật và làm vỡ cả hệ thống ống cấp nước dẫn từ sân vườn vào nhà.

Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP và hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, khu Văn Thánh Bắc (quận Bình Thạnh), khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) không lún… mới lạ bởi trước kia nơi đây chủ yếu là đầm lầy, ao hồ… Nền đất bên dưới rất yếu, đặc biệt lại có nhiều túi bùn treo lơ lửng nên khi xây dựng mà không xử lý tốt hệ thống móng cọc thì công trình rất dễ bị lún.

Nhà nước tốn tiền

Cùng với người dân, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường trong các quận nội thành TP, trong đó có hệ thống đường ở khu vực Văn Thánh cũng rất mệt mỏi vì phải sửa chữa, duy tu đường liên tục do đường cũng bị lún sụt. Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, theo thiết kế, các con đường ở đây được xây dựng với cao độ từ 1,4m-1,5m (lúc xây đường năm 1993-1994, đỉnh triều mới đạt khoảng 1,3m). Tuy nhiên, hiện nay nhiều con đường chỉ còn cao độ khoảng 1,2m-1,3m cho dù đã phải 2 lần nâng đường, và ở nhiều khu vực người dân cũng đã chủ động nâng đường đến lần thứ… 3. Chỉ tính riêng ở khu vực này, Khu Quản lý giao thông số 1 đã phải tốn đến hàng tỷ đồng để nâng nền, sửa chữa, duy tu đường.

Tuy nhiên, chi phí nêu trên không phải là con số cuối cùng. Theo tính toán, xây dựng đường trên nền đất yếu thường tốn kém gấp 1,2 lần so với xây trên nền đất cứng, mà thời gian xây dựng cũng kéo dài hơn do phải chờ hết lún. Xây nhà hoặc các công trình khác trên nền đất yếu cũng tương tự. Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học xây dựng TP cho biết, trong nhiều trường hợp chi phí xử lý nền móng chiếm đến hơn 50% chi phí xây dựng cả ngôi nhà.

Vì sao lại mắc "lỗi kỹ thuật" như vậy? Ông Hoàng Minh Trí giải thích: Một thời gian dài TP chỉ chú trọng phát triển đô thị mà không quan tâm đến nền địa chất dưới mặt đất. Phải mãi cho đến Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh (lần điều chỉnh thứ 2) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2010, các yếu tố địa chất, thủy văn… mới được quan tâm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân khổ, chính quyền cũng khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.