Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên thừa nhận lobby?

Quỳnh Nhi| 15/01/2010 06:55

(HNM) -


Còn chưa có kết luận chính thức về mối nghi ngờ chấn động thế giới này, nhưng sự việc một lần nữa khẳng định sức nặng của hoạt động vận động hành lang (còn gọi là lobby). Với một số người, lobby là nghệ thuật kinh doanh hoặc vĩ mô hơn thì gọi đó là sách lược quốc gia, nhưng cũng có nhiều người coi đó là chuyện "đi đêm", "bôi trơn", là phi pháp. Ở Việt Nam, khái niệm lobby cũng không còn mới, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một cái nhìn cụ thể hiện tượng này ở khía cạnh luật pháp.

Thực tế đang đặt ra câu hỏi: Làm sao để lobby luôn là hoạt động tích cực? Đã có nhiều quan điểm về mối liên quan giữa vận động hành lang với chuyện tham nhũng, khi có các quan hệ xã hội đã được người ta dùng tiểu xảo, đi cửa sau bằng các khoản hối lộ để giành lợi thế. Thực tế ở nhiều nước, doanh nghiệp được vận động chính sách trong khuôn khổ pháp lý, miễn sao có lợi cho doanh nghiệp mà không xâm phạm đến các lợi ích xã hội khác và không vi phạm quy tắc cạnh tranh lành mạnh. Lobby được xem là một bộ phận chính đáng, hợp pháp của thiết chế dân chủ, giúp cho các ý nguyện của người dân đến được với chính quyền một cách hiệu quả nhất.

Ở Việt Nam, vận động hành lang chưa được chính thức thừa nhận và cũng chưa có quy định cụ thể của pháp luật. Thứ mà hầu như dân ta đã khá quen thuộc đó là khái niệm "đi cửa sau", gắn với "phong bao, phong bì". Về bản chất thì đây là một sự thật tiêu cực của lobby. Tức là người ta vận động qua quan hệ cá nhân, qua con đường không chính thức, thiếu minh bạch nên xã hội không thể giám sát. Chính vì thế, ranh giới giữa vận động hành lang tích cực với vận động tiêu cực, giữa phạm tội hay không phạm tội (tham nhũng, lợi dụng chức vụ, hối lộ và nhận hối lộ...), thực tế rất mong manh. Thời gian qua đã có nhiều vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế xảy ra liên quan đến lobby, đó là các vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa, tôm, giày mũ da... hay cũng có lúc rộ lên thông tin ngành ô tô đã vận động để được hưởng chính sách thuế có lợi hoặc việc một số doanh nghiệp dược vận động để giành quyền phân phối vắcxin trên thị trường. Song cơ quan quản lý vẫn thực sự lúng túng trong giải quyết các vụ việc như thế này. Chính vì vậy, đã đến lúc cần nghĩ đến một văn bản pháp quy để quy định, hợp thức hóa hoạt động vận động chính sách, trong đó tôn trọng quyền của người dân được nêu ý kiến của mình với Nhà nước về các chính sách liên quan đến lợi ích của họ.

Việc thừa nhận chính thức và quy định cụ thể để đưa lobby chính sách vào khuôn khổ, minh bạch, có thể giám sát sẽ giúp loại bớt những ý kiến cực đoan trước khi tới cơ quan hoạch định chính sách. Việc chuẩn hóa hoạt động lobby sẽ góp phần triệt tiêu những chuyện lắt léo, tham nhũng. Khi hoạt động này được quy chuẩn thì sẽ là một rào cản quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, Nhà nước có đủ thông tin để làm trọng tài công minh giữa các nhóm lợi ích, giúp xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên thừa nhận lobby?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.