Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra kiểu gì thì hiệu quả ?

Thế Phương| 05/03/2010 06:28

(HNM) -


Ví như "Giám đốc doanh nghiệp cơ sở được kiểm tra chuẩn bị báo cáo bằng văn bản theo đề cương và các tài liệu khác có liên quan để làm việc với đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra nghe doanh nghiệp, cơ sở báo cáo và kiểm tra hồ sơ, tài liệu có liên quan, kiểm tra thực tế tại công trường, nơi làm việc và có văn bản kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có)"...

Báo trước cho cơ sở việc sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra không sai luật. Bởi lẽ, nếu sai chẳng ai làm như vậy. Vả lại thanh tra cũng có nhiều kiểu, định kỳ, đột xuất, thanh tra chuyên đề...

Thế nhưng với rất nhiều vấn đề bức xúc như an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động... việc thanh tra như vậy liệu có hiệu quả không? Một bạn đồng nghiệp kể: Hôm trước lượn qua mấy cơ sở sản xuất nước tinh khiết, thôi thì đủ các kiểu ô nhiễm. Thế mà hôm sau theo đoàn thanh tra tới mọi sự đã đâu vào đấy. Chưa nói đến chuyện cánh công nhân ở đây nhỏ to: chúng tôi biết việc cơ sở sẽ bị kiểm tra từ mấy ngày trước. Chuyện này cũng đã được đưa lên báo. Và cũng là câu chuyện hết sức bình thường bởi lẽ nếu đã nhận kế hoạch thanh tra từ trước chắc chắn các cơ quan, đơn vị bị thanh tra đương nhiên sẽ tìm cách đối phó và kết quả thanh tra, kiểm tra cũng đương nhiên là... không đúng sự thật.

Thực tế này đã kéo theo không ít vấn đề và cũng đã thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi...". Một lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cũng đã thừa nhận: Mỗi lần thanh tra phải có kế hoạch, có quyết định thành lập đoàn, phải thông báo trước cho cơ sở nội dung thanh tra. Như vậy phần hình thức sẽ dài, thanh tra không được nhiều nơi, không thanh tra kịp thời được các điểm nóng và chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc. Mặt khác, khi phát hiện các vụ việc, sai phạm mới chỉ dừng lại ở kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc và xem xét xử lý.

Vừa qua Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất về cải cách hành chính và kết quả cho thấy những bức xúc của người dân là có căn cứ. Nhiều sai sót về quy trình thủ tục hành chính, phân công cán bộ đã được phát hiện. Từ thực tế này có thể thấy chỉ từ một điểm khác biệt là các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra sẽ không có sự chủ động, không được báo trước đã mang lại rất nhiều khác biệt về hiệu quả của thanh tra, kiểm tra. Và cũng theo vị lãnh đạo của Sở Nội vụ Hà Nội: Quá trình kiểm tra bất thường tại những điểm lựa chọn sẽ được ghi nhận trên biên bản và có sự tham gia của báo chí trong khi kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, những vấn đề yếu kém của đơn vị sẽ được kết luận và công khai ngay. Chỉ có như vậy mới đánh giá chính xác công việc điều hành, kịp thời nhận diện những vấn đề bất cập.

Vậy có thể thấy việc thanh tra, kiểm tra đột xuất sẽ mang lại hiệu quả kép: vừa phát hiện, nhận diện rõ sai phạm, vừa có thể đặt vấn đề phải rút kinh nghiệm ngay, cũng như đặt vấn đề để các cấp lãnh đạo xử lý ngay sai phạm. Và chắc chắn việc làm này sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho không chỉ các cơ quan, đơn vị "bị" thanh tra mà cho toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra kiểu gì thì hiệu quả ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.