Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản biện xã hội

Nguyễn Hòa Bình| 24/07/2010 06:59

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, nhiều năm qua, các hoạt động phản biện xã hội không chỉ được tôn trọng mà ngày càng được mở rộng, thực sự góp phần có hiệu quả vào việc giúp các cơ quan chức năng ban hành chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.


Phản biện xã hội đang từng bước nâng cao nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, làm cho người dân ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc tham gia quản lý Nhà nước.

Xin trở lại câu chuyện sau Quyết định 33-2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế "Về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" làm ví dụ. Khi quyết định này quy định, nào là người điều khiển xe mô tô hai bánh phải có chiều cao trên 1m45, cân nặng không dưới 40kg; nào là, người lái xe cơ giới trọng tải từ 1-3 tấn phải cao đủ 1m55 và có số đo vòng ngực từ 80cm trở lên được nêu ra, dư luận xã hội đã phản ứng quyết liệt. Sự lên tiếng ấy, hay chính xác hơn là tiếng nói của phản biện xã hội đã làm cho quyết định ấy sớm bị loại bỏ.

Lúc sinh thời, nói về dân chủ - yếu tố quyết định để có được phản biện xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân chủ là để cho dân được nói".

Sự "được nói" ấy, theo ông Nguyễn Trần Bạt - Tổng Giám đốc Investconsult Group là: "hành động xuất hiện một cách tự nhiên trong xã hội mà mỗi con người đều tự do bày tỏ các nguyện vọng của mình". Để "góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hóa, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần với đời sống con người".

Cũng chính sự "được nói" ấy của dân, cộng thêm việc biết lắng nghe các ý kiến trái chiều nhưng mang tính xây dựng của cơ quan công quyền, nên chỉ riêng thành phố Hà Nội nhiều năm qua không chỉ giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của Công viên Thống Nhất, mà còn có thêm những công viên, con đường, vườn hoa mới đẹp hơn.

Ngay cả những mong muốn làm đẹp cho Thủ đô qua các cổng chào mừng ngày Đại lễ cũng được điều chỉnh hợp lý nhờ nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học, kiến trúc sư và người dân qua những ý kiến phản biện đúng đắn, khoa học và đầy tâm huyết.

Nhưng có lẽ nhiều năm sau nữa, người dân Việt Nam sẽ còn nhắc đến Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII, bởi nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, kỳ họp này đã để lại "ấn tượng sâu sắc" trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Không khí kỳ họp sôi nổi nhưng thật dân chủ, bởi đây là lần đầu tiên những phản biện đúng đắn, khoa học, logic và trách nhiệm của khá nhiều đại biểu Quốc hội, đã giúp Chính phủ có thêm điều kiện để điều chỉnh lại những quy hoạch, dự án mang tầm thế kỷ (như dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh).

Và đặc biệt hơn, sự tiếp thu với tinh thần cầu thị một cách chân thành của Chính phủ, đã tạo nên cách nhìn mới hay một tư duy mới trước những quyết sách lớn lao.

Bởi vậy, luôn mong sao có thêm nhiều ý kiến phản biện xã hội khoa học, tâm huyết hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản biện xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.