Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ việc đập phá UBND xã vì nghi án chuông giả

Bảo Hân| 05/05/2010 14:20

(HNMO) - Ngày 5/5, CA huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc người dân xã Yên Phụ tự ý tụ tập, đập phá trụ sở UBND xã vì nghi án quả chuông chùa của làng bị đánh tráo.

Chiếc chuông bị nghi đã bị đánh tráo được người dân mang đến đặt tại trụ sở UBND xã

Trước đó, từ 2/5 đến 4/5, hàng trăm người dân đã bao vây trụ sở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc đề nghị chính quyền xã làm rõ chiếc chuông cổ trăm năm tuổi của chùa làng đã bị tráo đổi. Để gây áp lực với chính quyền, người dân đã tự ‎ý gỡ chuông từ gác chuông chùa Yên Phụ mang đến đặt tại trụ sở UBND xã từ ngày 2/5.

Theo người dân xã Yên Phụ chiếc chuông cổ của làng đã bị bán lấy tiền và hoán đổi vào một chiếc chuông nhỏ hơn. Chiếc chuông cũ của chùa làng vành chuông lớn hơn khá rõ rệt so với chiếc chuông hiện tại. Trước kia, chuông có màu xanh xám nhưng giờ không hiểu sao lại đổi sang màu đồng thau. Nhiều người dân làng Yên Phụ còn khẳng định chiếc chuông hiện tại bị đánh tráo được làm bằng gang.


Trụ sở UBND xã sau khi bị người dân đập phá

Vụ việc càng trở nên căng thẳng khi chiều 2/5, UBND xã Yên Phụ tổ chức một buổi họp dân làng để nghe cán bộ văn hóa huyện giải thích kết quả giám định chuông do đích thân ông Nguyễn Thành Khôi, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Yên Phong, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cùng 2 chuyên viên am hiểu về Hán Nôm, khảo cổ học tiến hành vào chiều 29/4.

Căn cứ vào chữ viết trên chuông, kích thước chuông, xác định niên đại và các hình vẽ, đối chiếu với hồ sơ hiện có, chữ viết, niên đại trên chuông, Nguyễn Quý Hiền, Phó Phòng Văn hóa huyện đã trực tiếp đứng ra khẳng định chiếc chuông hiện tại vẫn chính là chuông cũ của chùa năm 2001.


Đến cả phòng của Chủ tịch UBND xã cũng lâm vào cảnh tan hoang

Tuy nhiên, người dân xã trong tình trạng kích động vẫn tiến hành đập phá trụ sở và bắt giữ hành hung ông Hiền trong nhiều giờ liền. L‎ý giải cho hành động quá khích này, người dân xã Yên Phụ khẳng định chắc chắn phải có vấn đề gì đó nên xã mới phải mời nhà khảo cổ học “dởm” về thông báo về chiếc chuông.

Ngay trong đêm 3/5, huyện Yên Phong đã thành lập Đoàn công tác của huyện do Phó Bí thư thường trực làm trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện làm phó đoàn. Cũng phải đến 4 giờ sáng ngày 4/5, ông Nguyễn Quý Hiền mới được giải thoát khỏi trụ sở Uỷ ban xã trong tình trạng mặt mày bầm tím và biến dạng, tinh thần hoảng loạn vì bị đánh hội đồng.


Hành động tụ tập, quá khích của người dân đã vi phạm pháp luật

Lãnh đạo huyện Yên Phong khẳng định, việc nghi ngờ có sự tráo đổi chuông cổ của chùa Yên Phụ chỉ dựa trên suy đoán của người dân trong xã. Việc người dân xã Yên Phụ đập phá trụ sở, giam lỏng cán bộ huyện như mấy ngày qua là việc làm trái pháp luật, cần lên án. UBND huyện Yên Phong đã giao CA làm rõ vụ việc. Hiện tại, huyện Yên Phong đã nhờ cấp cao hơn giám định lại về chiếc chuông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ việc đập phá UBND xã vì nghi án chuông giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.