Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trại Đa-vít: Trận địa cách mạng giữa sào huyệt địch

VANCHIEN| 30/04/2009 07:45

(HNM) - Theo Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973, tại trại Đa-vít bên trong sân bay Tân Sơn Nhất - giữa căn cứ quân sự khổng lồ của kẻ thù, một đoàn cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã hiện diện giữa lòng địch, vượt qua mọi sự vây hãm của kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự để buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.

Do đối phương liên tục gây khó khăn cho CBCS đoàn ta, thậm chí không cấp nước sinh hoạt, bộ đội ta tại trại Đa-vít đã chủ động đào giếng lấy nước.

Trong ảnh: Thiếu tướng, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Hoàng Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) đang chỉ cho Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Cộng hòa trong BLH Quân sự hai bênxem giếngdo bộ đội ta đào.

(HNM) - Theo Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973, tại trại Đa-vít bên trong sân bay Tân Sơn Nhất - giữa căn cứ quân sự khổng lồ của kẻ thù, một đoàn cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã hiện diện giữa lòng địch, vượt qua mọi sự vây hãm của kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự để buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.

Nhận định về vai trò của trại Đa-vít, trong cuốn sách "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Cũng có thể coi đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị - quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch…".

Giữa hang ổ địch

Trại Đa-vít vốn là doanh trại của một đơn vị chuyên môn thuộc không quân Mỹ. Người Mỹ đặt tên này để tưởng niệm người lính Mỹ đầu tiên chết trận tại miền Nam Việt Nam. Trại ở gần sát phía Tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, phía Tây giáp với nhà ga sân bay hiện nay (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nằm trong khu vực quân sự. Việc lấy một trại lính làm trụ sở hai phái đoàn quân sự của ta đã nói rõ ý đồ của đối phương, muốn cô lập, không để người dân Sài Gòn tiếp xúc với phái đoàn ta.

Khuôn viên trại Đa-vít như hình thang có đáy và cạnh không đều, chiều rộng nhất khoảng 200m, cạnh ngắn nhất 100m. Trại được xây dựng kiểu dã chiến, theo từng dãy nhà gỗ, nền đất nện và bê tông, lợp phi-brô xi măng, trang thiết bị bên trong từ giường, ghế, bàn, tủ đều bằng sắt, hàng rào vòng trong là lưới sắt. Buổi trưa, trời nắng nóng như nung, cộng với tiếng động cơ máy bay lên xuống cứ 5 phút 1 chuyến cất và hạ cánh, khiến môi trường sống rất căng thẳng.

Bất chấp mọi khó khăn và thủ đoạn của địch, từ tháng 1-1973 đến ngày 30-4-1975, hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã kiên cường bám trụ tại trại Đa-vít để đấu tranh. Trại được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, được pháp lý của Hiệp định Pa-ri thừa nhận, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch. Hoạt động của hai phái đoàn ta đã góp phần đặc biệt xuất sắc phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi nước ta, đánh cho quân ngụy sụp đổ hoàn toàn ngay trong sào huyệt của chúng.

Những người lính có văn hóa

Trước những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cùng những mưu ma chước quỷ của kẻ địch, những chiến sỹ cách mạng vừa giữ vững khí tiết của người lính Cụ Hồ, vừa chứng tỏ với thế giới rằng họ là những người có tầm văn hóa cao. Đại tá Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), Trưởng ban Liên lạc CLB Ban Liên hợp quân sự "Trại Đa-vít", khu vực phía Bắc, nguyên là Trưởng ban Bảo vệ an ninh của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, nhiều nhà báo và sỹ quan của đoàn Hung-ga-ri và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát (ICCS) việc thi hành Hiệp định Pa-ri đã phải thốt lên: "Chỉ có mỗi đạo quân này chịu đựng được như thế". "Chúng tôi ngày đó không chỉ vượt qua khó khăn mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", Đại tá Bình nói. Nguyên nhân sâu xa của chiến thắng trong lòng địch là bởi họ là những người lính có văn hóa.

Từ chiến trường khốc liệt với tiếng súng, tiếng bom, họ bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu về ngoại giao quân sự xung quanh những vấn đề quan trọng đầu tiên của Hiệp định Pa-ri. Thứ nhất, vấn đề ngừng bắn và vấn đề quân Mỹ, quân chư hầu của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Thứ hai, trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và bị giam giữ.

Những chiến sĩ cách mạng công khai giữa lòng địch, dù cuộc sống bị giới hạn bởi hàng rào dây thép gai tứ phía, 13 vọng gác xung quanh, vẫn rất lạc quan, yêu đời. Họ sống có kỷ luật, trật tự và sạch sẽ. Những hoạt động rèn luyện cơ thể, tinh thần như thể dục thể thao (bóng bàn, bóng chuyền, ten-nít), ca nhạc, chiếu phim được duy trì đều đặn. Thậm chí có đợt bị cắt liên lạc, tiếp tế lâu ngày, không có phim mới để thay thế, đến buổi chiếu phim thì người phụ trách chiếu phim nói rõ ràng, hôm nay chiếu "Trần Quốc Toản "lại" ra quân".

Theo Hiệp định Pa-ri ký ngày 27-1-1973, kể từ 8 giờ sáng ngày 28-1-1973, trong thời gian 60 ngày, Ban Liên hợp quân sự có 4 bên tham gia, gồm Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Hoa Kỳ do Thiếu tướng Út-uốt làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Trung tướng Ngô Du (sau thay bằng Trung tướng Dư Quốc Đống) làm Trưởng đoàn.
Sau đó, Ban Liên hợp quân sự chỉ còn 2 bên là Đoàn của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn làm Trưởng đoàn và Đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp làm Trưởng đoàn.

Dù bị đối xử bằng những lời lẽ và hành vi thô bạo, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn cư xử lịch sự, nói năng đúng mực với mọi người xung quanh, từ những người phục vụ, người làm vệ sinh, người đưa hàng… đến những nhà báo nước ngoài, các sỹ quan Hung-ga-ri, Ba Lan, Ca-na-đa... Việc tổ chức những cuộc họp báo đàng hoàng, chững chạc đã khiến các nhà báo của hơn 80 hãng thông tấn, truyền hình, phát thanh, báo in, tạp chí nổi tiếng trên thế giới có mặt ở Sài Gòn khi đó nể phục và tôn trọng.

Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên là sỹ quan liên lạc của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã từng có mặt tại trại Đa-vít kể lại, trong những buổi họp báo vào những dịp lễ, tết, đoàn ta thường tặng hoa cho các nhà báo nữ. Họ đã rất ngạc nhiên khi biết đó là hoa do chính những người lính cộng sản trồng. Đại tá Kỳ cho biết, ở trại Đa-vít, hai đoàn ta trồng nhiều loại cây, phần để cải thiện cuộc sống, phần để tạo môi trường. Các loại hoa như lay ơn, đồng tiền, hồng, cúc… được trồng bằng giống hoa làng Ngọc Hà (Hà Nội) đưa vào. Thậm chí, họ còn trồng các loại cây chuối, cam, chanh… nhiều loại đã cho quả; mít thì đã cao hơn 2m vào ngày giải phóng.

Mưu trí giành chiến thắng

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá: "Nếu như Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Pa-ri cũng là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt".

Trong suốt 823 ngày đêm đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt của địch, với lòng quả cảm, các chiến sỹ cách mạng đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa của Tổ quốc Việt Nam, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, dũng cảm, mưu trí, chủ động tấn công địch. Đồng thời, hai phái đoàn đã thể hiện sự khôn khéo, nhạy bén, mềm dẻo theo phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh cách mạng, dựa vào pháp lý của Hiệp định Pa-ri, được thắng lợi giòn giã của quân và dân ta trên chiến trường cổ vũ, những chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao quân sự, mà tiêu biểu là các chiến sỹ tại trại Đa-vít, đã đấu tranh sắc sảo, chiến thắng kẻ thù và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực đấu tranh buộc quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29-3-1973; buộc địch phải trao trả những cán bộ, chiến sỹ của ta bị địch bắt và một số nhân viên dân sự - những cán bộ chính trị, cơ sở cách mạng của ta. Đại tá Vũ Nam Bình nói, hai phái đoàn của ta cũng đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn và mọi hành động phá hoại Hiệp định Pa-ri một cách có hệ thống của Mỹ, ngụy trước dư luận trong nước và thế giới.

Trại Đa-vít trở thành một biểu tượng sáng ngời của tư tưởng cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.

Bùi Việt Nga

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trại Đa-vít: Trận địa cách mạng giữa sào huyệt địch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.