Theo dõi Báo Hànộimới trên

Long đong Vườn thú Hà Nội

ANHTHU| 06/09/2004 11:21

Cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có ít ỏi 2 vườn thú (Vườn thú Hà Nội, còn gọi là Vườn thú Thủ Lệ và vườn thú Thảo Cầm viên ở TP Hồ Chí Minh). Hiện tại, Hà Nội đang xúc tiến xây dựng thêm một “vườn thú mới”- Công viên động vật bán hoang dã Mễ Trì - Trung Văn. Tuy nhiên, điều này lại gây nhiều tranh cãi cho dư luận...

  • Từ “Vườn thú quốc gia”...

Vườn thú Hà Nội thành lập vào ngày 6-8-1976, sau khi được tách ra từ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (trước đó thú được nuôi tại Bách Thảo Hà Nội). Một vườn thú hiện diện giữa lòng thủ đô là điều mong ước không chỉ riêng của người dân Hà Nội mà còn đối với rất nhiều người dân ngoại tỉnh, nhất là trẻ em.

Con số từ 1,5 - 2 triệu lượt khách/năm đến đây có thể phần nào minh chứng được điều này. Từ ngày đầu thành lập chỉ có 300 cá thể của hơn 30 loài động vật, nhưng đến nay Vườn thú Hà Nội đã có gần 600 cá thể thuộc 95 loài, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm như sư tử, hà mã, hổ, voi, cá sấu, ngựa hoang... Ngoài nhiệm vụ trưng bày thú, Vườn thú Hà Nội đã buớc đầu làm tốt việc nhân giống các loài động vật hoang dã như gà lam lôi, công, trĩ, hổ Đông Dương, vượn, ngựa hoang...

Một góc vườn thú

Tuy nhiên, cũng đã rất nhiều năm nay, có không ít lời phàn nàn từ cả phía người dân lẫn các nhà khoa học về nơi này. “Tôi không hiểu đó là một vườn thú hay là một công viên? Nếu là một vườn thú, thì đó phải là không gian để cho thú sinh sống, chứ không thể xen lẫn với các trò chơi, hàng quán dịch vụ” - PGS Hà Đình Đức, một trong những nhà khoa học hàng đầu của ngành sinh học Việt Nam nói. Nhiều người dân thủ đô cũng tỏ vẻ không hài lòng khi mỗi lần đặt chân vào vườn thú phải chịu đựng một không khí nặng mùi cũng như khá nhiều rác thải (phần lớn là do khách tham quan thải ra sau khi sử dụng và cho... thú ăn).

Thế nhưng, vườn thú cũng có cái lý của mình. “Vườn thú không thể là công viên. Nhưng trong điều kiện của chúng ta hiện nay, không thể có những vườn thú như nước ngoài. Những trò chơi được lắp đặt trong vườn thú cũng chỉ là nhỏ lẻ, dành cho trẻ em, không hề ồn ào đến mức ảnh hưởng cuộc sống của thú” - ông Đặng Gia Tùng, Phó Giám đốc vườn thú khẳng định và nói thêm - “Cũng đành chấp nhận giải pháp tình thế, khi nào có điều kiện chúng tôi sẽ có cách giải quyết khác”.

Tổng diện tích Vườn thú Hà Nội hiện nay là 20 ha và khó có thể mở thêm không gian, vì cả 4 mặt đều đã khép kín. Chính vấn đề không gian, diện tích của vườn thú cũng đã trải qua những “thăng trầm”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 1993, UBND TP Hà Nội quyết định cắt 3 ha đất của vườn thú để dành cho việc xây dựng khách sạn Daewoo. Việc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà khoa học, Tổng hội Sinh học Việt Nam và nhiều người dân.

Để “trả lời” dư luận, UBND TP Hà Nội đã có văn bản nêu rõ: theo quy hoạch tổng thể thủ đô, trong tương lai không bố trí Vườn thú quốc gia ở Thủ Lệ, mà sẽ có Vườn thú quốc gia riêng, và Thủ Lệ sẽ chỉ là một công viên hoa, cây xanh, hồ nước và có thể có một số chuồng chim để làm vui thêm một công viên vui chơi dạo mát. “Vậy mà hơn 10 năm rồi, khách sạn Daewoo mọc lên hoành tráng, Vườn thú Hà Nội bị thu hẹp lại, còn Vườn thú quốc gia thì ở đâu, không hề thấy ai nhắc tới. Phải chăng đó chỉ là một cái bánh vẽ?” - PGS Hà Đình Đức bức xúc.

  • ...Đến “Công viên động vật bán hoang dã”

Tuy nhiên, theo ông Đặng Gia Tùng, “vườn thú quốc gia” trong ý tưởng của lãnh đạo TP Hà Nội trước đây đang được hiện thực thành dự án xây dựng công viên động vật bán hoang dã Mễ Trì - Trung Văn. Tại thời điểm này, Ban giám đốc Vườn thú Hà Nội đang được giao nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị dự án tổng thể cho việc xây dựng công viên động vật bán hoang dã (trực thuộc Vườn thú Hà Nội) để trình lãnh đạo thành phố Hà Nội. Theo quy hoạch, công viên này (còn được gọi là vườn thú mới) với những ý tưởng đầy táo bạo và sáng tạo được xây dựng trong diện tích 160 ha tại Mễ Trì - Trung Văn (huyện Từ Liêm), dự kiến khởi công trong năm 2005 và là một công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Hổ vằn

Thực tế, năm 2002, ngay từ khi ý tưởng về công viên mới manh nha đã gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học, báo chí về tính khả thi của nó. Tiếp đó, lại có những dự án “miệng” về việc xây dựng công viên động vật bán hoang dã ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Trúc Sơn (Hà Tây). PGS Hà Đình Đức rất ủng hộ phương án xây dựng công viên ở 2 địa điểm trên. Ông lý giải: “Đã là công viên động vật bán hoang dã thì nhất định phải cách thành phố từ 30 đến 50 km, với diện tích hàng trăm hécta, đặc biệt là phải tận dụng triệt để địa hình có sẵn, nhằm tiết kiệm chi phí.

Hơn nữa, môi trường ổn định và phù hợp cũng là điều tối quan trọng đối với hoạt động của công viên động vật bán hoang dã đầu tiên ở Việt Nam”. Lấy ngay đề cương và dự toán kinh phí đã tính toán của dự án (ví dụï như riêng đắp 5 quả đồi với số tiền 40 tỷ đồng, đào hồ điều hòa 12 ha là 28,8 tỷ đồng) làm dẫn chứng, PGS Đức cho rằng nếu xây dựng công viên ở mảnh đất Mễ Trì-Trung Văn vốn bằng phẳng là rất tốn kém. Nhiều người khác cũng có ý kiến tương tự, thậm chí có ý kiến cho rằng “nếu biết thương dân thì thành phố không nên xây dựng một công trình quá tốn kém như vậy, mà nên dành nguồn tiền đó để làm vào những việc khác có ích hơn”.

Năm 2003, quyết định của TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa thể thao Tây Nam Hà Nội với nhiều hạng mục khác nhau, nói rõ trong đó có công viên động vật bán hoang dã Mễ Trì - Trung Văn (với đủ chức năng: khoa học, trưng bày giới thiệu, giáo dục, vui chơi giải trí, kinh tế, thương mại). Sự việc gây nhiều tranh cãi này sau đó rơi vào im lặng.

Mới đây, vấn đề xây dựng công viên động vật bán hoang dã sau một thời gian tưởng chừng như bị quên lãng đã được “hâm nóng” lại khi trong chuyến thăm Bangkok (Thái Lan) của lãnh đạo TP Hà Nội, chính quyền Bangkok đã hứa sẽ giúp Hà Nội xây dựng công viên này. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã cử chuyên gia đi thực tế ở Thái Lan để tìm ra một mô hình công viên phù hợp”, ông Đặng Gia Tùng nói.

Ban quản lý dự án công viên động vật bán hoang dã cũng đã được thành phố quyết định thành lập. Ông Lê Sĩ Thục, Giám đốc Vườn thú Hà Nội đồng thời là Giám đốc Ban quản lý dự án này cho biết “Ngay trong năm 2004, chúng tôi sẽ trình dự án đầu tư để lãnh đạo TP duyệt, kịp khởi công vào năm 2005 và khai trương từng phần vào năm 2010, thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Dự án đã được 20 nhà khoa học đầu ngành sinh học đồng tình với phương án xây dựng tại Mễ Trì- Trung Văn, vấn đề còn lại chỉ là thực hiện để Hà Nội có thêm một “vườn thú mới”.

Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nên cần phải có những công trình “để đời”, đó là lý do chính đáng để Hà Nội có thêm một khu công viên bề thế, xứng đáng với tầm vóc thủ đô ngàn năm, đồng thời là điểm tham quan kỳ thú cho du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, theo chúng tôi, nếu thực sự đã được ủng hộ, lãnh đạo TP Hà Nội cần hoạch định chương trình thực sự cụ thể từ hình thức tới nội dung, kể cả về nguồn động vật để trưng bày tại công viên và hướng phát triển sau đó, tránh việc lãng phí vô lý tiền của, công sức của nhà nước, của người dân...

P. T (SGGP)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long đong Vườn thú Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.