Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động Việt Nam ra nước ngoài: “Ngọc thô” và rào cản

Trung Nguyên| 28/02/2010 06:47

Chỉ có 30% trong số 50 triệu lao động Việt Nam qua đào tạo * 60% lao động của 61 huyện nghèo nhất nước chưa học hết tiểu học

- Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, tuy nhiên việc xuất khẩu chuyên gia và lao động có trình độ "gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao". Có "thâm niên" xuất khẩu song đòi hỏi tăng tỷ lệ lao động có nghề, đặc biệt là lao động có trình độ cao, đi làm việc ở nước ngoài vẫn là bài toán khó giải.

Lớp đào tạo điều dưỡng, hộ lý lão khoa cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, gia đình và xuất khẩu lao động tại Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến (thuộc Bệnh viện Lão khoa TƯ). Ảnh: Phong Cầm


Cơ hội đã bị co hẹp từ lâu
Tại thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, nhiều ý kiến đã cảnh báo rằng xuất khẩu lao động sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi thị trường ngày càng "kén chọn". Cơ hội đi làm việc ở nước ngoài không còn nhiều với người lao động không có nghề trong khi suốt một thời gian dài, nhất là với những thị trường dễ tính, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tính đến chỉ tiêu mà ít quan tâm khâu đào tạo. Thậm chí, theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động, ở nhiều thị trường, lao động Việt Nam không có nghề và cũng không thể cạnh tranh nổi về giá (nhân công) so với một số nguồn cung của các quốc gia khác.

Năm 2009, Việt Nam đã đưa được gần 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt khoảng 83% kế hoạch. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là một thị trường lớn khi tiếp nhận tới 21.667 lao động; thị trường Nhật Bản tiếp nhận 5.456 lao động và tu nghiệp sinh, Hàn Quốc tiếp nhận 7.578 lao động… Trong khi Malaixia có dấu hiệu sụt giảm thì thật bất ngờ, thị trường Lào lại là "điểm đến" của hơn 9.000 lao động Việt Nam. Chỉ có điều, hầu hết những lao động này làm những công việc phổ thông hoặc có trình độ chuyên môn không cao.

Trên thực tế, các đơn hàng phổ thông không những ít đi mà còn khó thực hiện. Đơn hàng cần lao động có nghề rất nhiều, song ta lại không có người. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng lao động, tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài, bộ đã đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng đấu thầu giai đoạn 2008-2010. Trong năm 2009, Bộ đã hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 1.800 lao động trong các nghề hàn công nghệ cao, các nghề trong ngành xây dựng (xây trát, gia công lắp đặt giàn giáo, cốt thép…), đốc công, điều dưỡng viên. Nhưng chừng này là quá ít.

Để chính sách đi vào cuộc sống
Cuối tháng 4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 71/2009/QĐ-TTg, theo đó Nhà nước sẽ đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng hỗ trợ người lao động tại 61 huyện nghèo nhất nước đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một chính sách có ý nghĩa xã hội lớn, đồng thời được xem là giải pháp giúp người dân các vùng khó khăn nhanh chóng thoát nghèo.

Theo khảo sát, 61 huyện nghèo nhất có khoảng 2,4 triệu người. Trong số này, hơn 50% trong độ tuổi lao động, 90% là người dân tộc thiểu số. Vấn đề đáng quan tâm nhất là chỉ 9% có trình độ phổ thông trung học, 60% lao động chưa học hết tiểu học; đồng thời chỉ có gần 10% lao động đã qua đào tạo, còn lại không có nghề. Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt ra mục tiêu thí điểm đưa 10.000 lao động diện này đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010; đưa 50.000 lao động xuất khẩu vào giai đoạn 2011-2015 và tăng 15% số người đi lao động xuất khẩu giai đoạn 2015-2020. Nếu những mục tiêu này được thực hiện thành công sẽ góp phần giảm khoảng 19% số hộ nghèo của 61 huyện. Và mặc dù Nhà nước, thông qua chính sách này hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo "từ A đến Z" nhưng đây chỉ là điều kiện cần.

Học nghề hàn trước khi đi xuất khẩu lao động tại Công ty PVD Training Vũng Tàu. Ảnh: Phong Cầm


Người lao động, những đối tượng thụ hưởng chính sách này, khó có thể đáp ứng được yêu cầu tay nghề, chuyên môn cũng như khả năng thích nghi với phong tục, tập quán… tại thị trường tiếp nhận có yêu cầu phổ thông chứ chưa nói đến những thị trường "kén chọn"?

Chất lượng nguồn nhân lực thấp rõ ràng không chỉ là một cản trở đối với xuất khẩu lao động nói chung mà còn là rào cản cho việc thực hiện một chính sách lớn đối với người lao động ở các huyện nghèo có ý định đi làm việc tại nước ngoài.

Đã qua thời "bán thô"
Trong xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam mới chỉ "xuất khẩu sản phẩm thô", hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp (đặc biệt ở các ngành nông - lâm sản, dệt may, da giày, dầu khí…) và nhập "thành phẩm". Điều này cũng đang xảy ra và kéo dài nhiều năm nay trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Hiện tại, hơn 70% trong số 50 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo. Trong 30 năm qua, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, tuy nhiên xuất khẩu lao động có trình độ và chuyên gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Con số 100% lao động có nghề, 40% có trình độ chuyên môn cao, đi làm việc ở nước ngoài vào năm 2015 có phải là mục tiêu dễ đạt? Nhiều ý kiến đã khuyến nghị rằng cần khẩn trương có cơ chế đầu tư cho hoạt động xuất khẩu lao động, đặc biệt là ưu đãi vốn vay và khuyến khích đầu tư để đẩy mạnh dạy nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu.

PGS-TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, chúng ta có lợi thế cạnh tranh về lao động trong những ngành nghề đòi hỏi sử dụng nhiều lao động với kỹ năng ở mức trung bình và thấp nhưng hiện nay, những đặc điểm này không còn mà lực lượng lao động có trình độ học vấn, có kỹ năng tốt, có thái độ nghề nghiệp đúng đắn mới trở thành lợi thế so sánh. Xuất khẩu lao động đang được thực hiện trong sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. Chỉ có điều, với nước ta, những lĩnh vực đòi hỏi lao động trình độ cao đang còn thiếu không chỉ cho xuất khẩu mà ngay cả cho nhu cầu nhân lực trong nước.

Mỗi năm có hơn 1 triệu người được bổ sung vào lực lượng lao động, phần lớn chưa qua đào tạo, chính vì vậy Việt Nam chấp nhận xu hướng xuất khẩu lao động đi làm việc giản đơn, không qua đào tạo hoặc đào tạo ít. Chúng ta quen "bán thô" nhưng các cơ hội đang bị co hẹp dần. Đánh giá chung cho thấy, các nước nhập khẩu lao động truyền thống đang đổi mới đầu tư và hiện đại hóa, công nghệ sản xuất, chuyển dịch đầu tư sang nước có giá nhân công và dịch vụ thấp, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tăng dần tỷ trọng lao động chất xám trong tổng số lao động nhập cư. Cũng theo PGS-TS Cao Văn Sâm, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc sử dụng lao động phổ thông trên thị trường lao động quốc tế có nhiều hạn chế do thu nhập thấp, khả năng tiếp thu công nghệ mới rất có hạn, điều kiện làm việc kém, bị đối xử thiếu bình đẳng, giá nhân công thấp, khả năng cạnh tranh khó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động Việt Nam ra nước ngoài: “Ngọc thô” và rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.